Thứ Năm, 3/10/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 29/4/2017 10:46'(GMT+7)

Không khai thác tận diệt

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn phát biểu tại cuộc làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn phát biểu tại cuộc làm việc

Vẫn còn đánh bắt tận thu

 Với bờ biển dài, trên 20 con sông lớn nhỏ đổ ra 4 cửa biển, cùng nhiều hồ đập, Hà Tĩnh được xem là một trong những địa phương có tiềm năng lợi thế lớn để phát triển kinh tế biển, cụ thể là về khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản. Hà Tĩnh luôn xác định công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản là nhiệm vụ trọng tâm trong việc phát triển bền vững của ngành thủy sản. Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT) chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan thả các loài thủy sản về tự nhiên để tái tạo nguồn lợi. Tính riêng trong năm 2016, đã thả tái tạo 50.000 cá thể thủy sản nước ngọt tại các hồ, đập thủy lợi… Từ năm 2010 đến nay, Sở NN - PTNT đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng và các địa phương thả 4 cá thể đồi mồi, rùa biển - sinh vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng về với môi trường sống tự nhiên.

Trong khi đó, việc khai thác thủy sản của Hà Tĩnh có sự sụt giảm trong năm qua. Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Lê Đức Nhân cho biết, trong năm 2016 tổng sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 26.160 tấn, giảm 16,28% so với năm 2015. Cho rằng đây là hệ quả của sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng cũng chỉ rõ còn nguyên nhân do chưa có quy hoạch trong khai thác. Và trong quá trình đánh bắt, khai thác thủy sản vẫn xảy ra tình trạng đánh bắt tận thu. Việc đánh bắt tận thu sẽ gây hậu quả rất lớn, dẫn đến cạn kiệt sinh vật biển, mất cân bằng sinh thái môi trường.

Đầu ra gặp khó

Với bờ biển dài 137km, Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản. Do vậy, cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo quyết liệt nhiệm vụ phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đầu tư đội tàu thuyền có công suất lớn, có thể đánh bắt ở những ngư trường xa bờ. Đối với khu nuôi trồng ven bờ, cần chú ý kiểm soát, tránh gây ô nhiễm từ các cơ sở nuôi trồng. Đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản.

Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế
 Nguyễn Minh Sơn

Liên quan đến phát triển kinh tế biển, tìm đầu ra cho thủy sản, Hà Tĩnh cũng đang gặp không ít khó khăn. Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm xây dựng các mô hình hợp tác, liên kết trong nuôi trồng thủy sản, khuyến khích nông dân phát triển đa dạng các loại hình liên kết với doanh nghiệp, đặc biệt là liên kết theo chuỗi, đa dạng hóa thị trường. Tuy nhiên, theo ông Nhân, thực tế vẫn chưa mở rộng được hình thức liên kết chuỗi trong sản xuất, chủ yếu liên kết một số khâu đầu vào. Liên kết tiêu thụ sản phẩm chủ yếu đi theo thị trường truyền thống, thị trường đầu ra phụ thuộc vào thương lái, thiếu ổn định. Tiêu thụ sản phẩm là vấn đề lớn, bởi đánh bắt về mà không có đơn vị tiêu thụ thì giá trị sản phẩm sẽ không cao, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình nêu vấn đề.

Bờ biển dài là một lợi thế mà thiên nhiên ưu đãi cho Hà Tĩnh, là tiềm năng để phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, thời gian qua, tiềm năng, lợi thế ấy của Hà Tĩnh vẫn chưa được khai thác hết. Theo Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn, bên cạnh lợi thế thì nhược điểm của Hà Tĩnh chủ yếu là bãi ngang, mà muốn khai thác hiệu quả bãi ngang thì đòi hỏi phải nạo vét sâu, phải có được hạ tầng đồng bộ. Muốn phát triển kinh tế dọc ven biển, phát triển nuôi trồng, khai thác thủy sản ven biển gắn với quốc phòng - an ninh, trước hết cần có cơ sở hạ tầng tốt, trong đó có đường ven biển, cảng biển, cửa khẩu, và cần có chiến lược cho kinh tế ven biển. Hà Tĩnh đã đề xuất nhiều lần là cần có liên kết vùng, cần ban hành các đề án, cơ chế, chính sách, đặc biệt là nguồn lực để phát triển kinh tế ven biển, ông Sơn cho biết. 



Hà An (Báo ĐBND)



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất