Công điện nêu rõ, thời gian qua, căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ, Luật
Tổ chức chính quyền địa phương và Quy chế làm việc của Chính phủ, các
bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (gọi chung là bộ, cơ quan)
và các địa phương đã tăng cường quan hệ công tác, phối hợp giải quyết
hoặc trình cấp có thẩm quyền giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, góp
phần tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp,
góp phần phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và cả nước.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình trạng nhiều kiến nghị, đề xuất của địa phương gửi các bộ, cơ quan chưa được giải quyết, trả lời, hướng dẫn kịp thời,
cá biệt có một số trường hợp rất chậm trễ, để tồn đọng kéo dài; có
trường hợp trả lời, hướng dẫn nhưng còn chung chung, né tránh, không rõ
quan điểm, không đúng vấn đề cần được giải quyết.
Việc phối hợp giữa một số bộ, cơ quan để giải quyết các kiến nghị,
đề xuất của địa phương nhiều lúc chưa chặt chẽ, kịp thời; một số cơ quan
chủ trì lạm dụng việc lấy ý kiến phối hợp để né tránh trách nhiệm của
bộ, cơ quan mình…
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, nâng cao hiệu quả, kịp
thời xử lý công việc, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế-xã hội
của các địa phương và cả nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ
quan, địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Chính
phủ ban hành kèm theo Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18/6/2022; tiếp
tục chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc theo chỉ
đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023,
tăng cường quan hệ công tác, phối hợp chặt chẽ giữa Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ với chính
quyền địa phương trong xử lý công việc.
GIẢI QUYẾT NGAY NHỮNG VẤN ĐỀ TỒN ĐỌNG, QUÁ THỜI HẠN CHƯA ĐƯỢC XỬ LÝ
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ đề cao trách nhiệm người
đứng đầu, đồng thời phát huy trách nhiệm của lãnh đạo bộ, cơ quan, đơn
vị và cán bộ, công chức trong giải quyết các kiến nghị, đề xuất của địa
phương, các bộ, ngành và phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần
giải quyết kịp thời, dứt điểm nhằm góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ
phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, bộ, ngành, phục vụ lợi ích của
nhân dân, đất nước.
Bên cạnh đó, tập trung, khẩn trương rà soát các kiến nghị, đề xuất
của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, các bộ, ngành đã được gửi đến các bộ, cơ
quan và chịu trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền, đúng thời hạn quy
định tại Khoản 1 Điều 11 Quy chế làm việc của Chính phủ, đặc biệt phải
giải quyết ngay những vấn đề tồn đọng, quá thời hạn chưa được xử lý,
không để tiếp tục chậm trễ, kéo dài.
Trường hợp vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, bộ,
ngành thì các bộ, cơ quan nhận được kiến nghị, đề xuất phải có văn bản
trả lại ngay, nêu rõ lý do và căn cứ của việc không xem xét, giải quyết,
không phải thẩm quyền; đồng thời có hướng dẫn phù hợp (nếu cần thiết).
KHÔNG ĐÙN ĐẨY, NÉ TRÁNH TRÁCH NHIỆM
Đối với kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành cần phải lấy ý
kiến các bộ, cơ quan liên quan, khi nhận được kiến nghị, đề xuất của địa
phương, bộ, ngành, các bộ, cơ quan chủ trì phải có ngay văn bản gửi các
bộ, cơ quan liên quan để lấy ý kiến, trong đó nêu rõ vấn đề lấy ý kiến,
thời hạn trả lời.
Tuyệt đối không lấy ý kiến phối hợp của bộ, cơ quan không liên quan.
Quá trình lấy ý kiến, bộ, cơ quan chủ trì cần chủ động, tích cực phối
hợp, đôn đốc, trao đổi trực tiếp để bộ, cơ quan phối hợp có ý kiến trả
lời kịp thời, đúng hạn.
Sau khi nhận được ý kiến của bộ, cơ quan phối hợp; bộ, cơ quan chủ
trì có trách nhiệm xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc có văn bản
trả lời, hướng dẫn ngay, rõ ràng, dứt khoát, không đùn đẩy, né tránh
trách nhiệm.
Trường hợp quá hạn mà bộ, cơ quan được lấy ý kiến không trả lời hoặc
chậm trả lời thì xử lý theo đúng quy định của Quy chế làm việc của Chính
phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Điểm c Khoản 1 Công điện số
280/CĐ-TTg.
Ngoài ra, thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các kiến
nghị, đề xuất của các địa phương, bộ, ngành bảo đảm không bỏ sót, chậm
trễ trong xử lý công việc.
KHÔNG TRÌNH CÔNG VIỆC THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA ĐỊA PHƯƠNG LÊN CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ,
quyền hạn; chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền
hoặc được ủy quyền theo quy định của pháp luật; không trình, báo cáo
công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình lên Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương theo đúng chỉ đạo của Thủ
tướng Chính phủ tại Công điện số 280/CĐ-TTg.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà
soát các văn bản đề nghị của địa phương đã gửi đến các bộ, ngành, cơ
quan ở Trung ương mà chưa được giải quyết; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng
Chính phủ; đồng thời tích cực, chủ động phối hợp, trao đổi và thường
xuyên đôn đốc.
Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh đề nghị làm
việc với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan để xử lý kịp thời các kiến nghị,
đề xuất của địa phương theo đúng quy định tại Khoản 4 Điều 11 Quy chế
làm việc của Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang
bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt, thực hiện
nghiêm túc các nhiệm vụ được giao tại Công điện này; báo cáo Thủ tướng,
Phó Thủ tướng phụ trách trước ngày 15/5/2023 về những đề nghị của địa
phương, bộ, ngành vẫn chưa được các bộ, cơ quan xem xét, giải quyết để
kịp thời chỉ đạo, đôn đốc giải quyết theo thẩm quyền và quy định của
pháp luật.
Văn phòng Chính phủ chủ động, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm
tra các bộ, cơ quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ giao có liên quan đến địa phương.
Trên cơ sở báo cáo của các bộ, cơ quan, địa phương, hằng tháng, Văn
phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ kết
quả giải quyết các kiến nghị,
đề xuất của bộ ngành, địa phương và có biện pháp chỉ đạo, đôn đốc kịp
thời, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành./.
TTXVN