Sơn La có 250 km đường biên giới giáp với hai tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Bang của nước CHDCND Lào. Trong lịch sử đấu tranh sinh tồn, điều kiện địa lý, văn hóa tương đồng đã gắn kết hai dân tộc Việt Nam - Lào. Mối quan hệ đặc biệt ấy đã được thử thách qua thời gian, trở thành tài sản vô giá đang được gìn giữ và trân trọng...
Lao Khô tình sâu nghĩa nặng
Vào ngày 6-7 tới, tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, UBND tỉnh Sơn La tổ chức Lễ khánh thành Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào. Đây là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào (5-9-1962 - 5-9-2017) và 40 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Lào (18-7-1977 - 18-7-2017). Nơi đây gần 70 năm trước, vào những năm 1948 - 1951, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Trưởng ban xung phong Lào Bắc và các thành viên của Ban hoạt động bí mật. Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản sau này là Tổng Bí thư, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Đảng NDCM Lào, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch nước CHDCND Lào.
Chúng tôi vào bản Lao Khô đúng vào dịp ngày hội phiên chợ vùng cao. Từ TP Sơn La ngược quốc lộ 6, đến ngã ba Cò Nòi rẽ phải vào quốc lộ 6C đi chừng 50 km nữa sẽ tới bản Lao Khô. Cách đây một năm, con đường này còn là tỉnh lộ 103 gập ghềnh rất khó đi, nay đã được chuyển đổi thành quốc lộ nhằm mở đường vào Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào. Việc đầu tư nâng cấp con đường mang ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế, văn hóa, vận chuyển hàng hóa cho nhân dân vùng cao biên giới hai huyện Yên Châu và Mai Sơn.
Dù đã ba lần đến đây, nhưng lần này tâm trạng thật khó tả. Một cảm nhận mới về cảnh quan, cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng biên giới đang đổi thay, bình yên và no ấm. Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La Vũ Thị Linh ngồi cùng xe cho biết, không còn nhớ đã đi trên con đường này bao lần, nhiều đến mức nhớ từng khúc cua, ổ gà. Chị đến bản Lao Khô như đi về nhà. Bởi chị gắn bó với nơi đây từ những ngày đầu cùng bà con đi khảo sát tìm kiếm dấu tích, phải dùng dao phát cây rừng mới vào được khu di tích và hang Thẩm Mế. Với những người làm bảo tồn, bảo tàng thì việc tìm được hiện vật là niềm vui, hạnh phúc, nhiều khi còn quý hơn vàng.
Chị Linh kể: Cái tên bản Lao Khô là một phần lịch sử của Khu di tích lịch sử cách mạng này. Xa xưa vùng biên giới hoang vu, hẻo lánh, như không có người ở, chỉ lác đác vài ba bản nhỏ của đồng bào dân tộc Mông, Xinh Mun tút hút trong rừng sâu. Những năm 1930, gia đình cụ Tráng Lao Khô, dân tộc Mông, khi ấy ở Vân Hồ (Mộc Châu) cùng một số người thân đến đây lập bản, định cư lấy tên là bản Phiêng Sa. Năm 1962, để ghi nhớ người có công lập bản, bà con bản Phiêng Sa đã lấy tên cụ Tráng Lao Khô để đặt tên là bản Lao Khô như ngày nay. So với tập quán của đồng bào Mông xưa kia sống du canh du cư, đây là chuyện hiếm, cho thấy, người dân bản Lao Khô đã chọn được đất sống cho mình, chọn đây làm quê hương định cư lâu dài, thành “cột mốc” vững chắc cho vùng biên giới Việt Nam - Lào.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Trung ương Đảng ta chủ trương phối hợp với cách mạng Lào xây dựng căn cứ kháng chiến. Năm 1948, Ban xung phong Lào Bắc gồm cả ta và bạn được thành lập tại tỉnh Sơn La, do đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản làm Trưởng ban. Đội quân ấy đã di chuyển đến khu vực biên giới Việt Nam - Lào để hoạt động. Từ đây, cách mạng Lào phát triển đến vùng Lào Hùng, Phiêng Xả, Moong Nam, Thà Luông, rồi lan rộng ra các tỉnh đông bắc Lào. Những năm tháng hoạt động bí mật, gian khổ, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản cùng các chiến sĩ Ban xung phong Lào Bắc đã được cụ Tráng Lao Khô cùng người dân nơi đây cưu mang, che chở, giúp đỡ.
Trong ngôi nhà gỗ lợp ngói theo kiến trúc người Mông khang trang, sạch đẹp, ông Tráng Lao Lử, 78 tuổi, là con trai cả của cụ Tráng Lao Khô kể lại nhiều câu chuyện xúc động. Ông bảo: “Lúc ấy tôi mới 9 - 10 tuổi... Hai lần tôi cùng bố đưa cơm vào hang Thẩm Mế cho đồng chí Cay-xỏn. Có lần Pháp đến lùng sục, bố tôi dặn mọi người: Khi giặc hỏi, chỉ nói “Không biết!”. Bố tìm cách lấy lòng tin của địch để đánh lạc hướng. Tôi nhớ, có lần bố đưa cho đồng chí Cay-xỏn 20 đồng bạc trắng loại 2 hào, sau này mua được một khẩu súng, 30 viên đạn”.
Ông Lử cho biết, năm 1986, lúc sửa nhà, trên mái gianh lộ ra ống tre, bên trong còn tờ giấy biên nhận việc đưa tiền giúp bạn đã úa vàng, mủn không đọc được chữ. Giờ đây, nơi trang trọng chính giữa căn phòng khách của ngôi nhà ấy được treo tấm ảnh lớn chụp cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt tay Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản.
Bên cạnh là tấm ảnh đen trắng chân dung cụ Tráng Lao Khô, với gương mặt cương trực, nhìn thẳng, bản lĩnh, nhưng rất hiền từ. Bên dưới bức ảnh còn đề rõ: Cụ Tráng Lao Khô (1890 - 1990). Ông Tráng Lao Lử kể, ngày cụ Lao Khô mất, Chủ tịch Cay-xỏn nghe tin nhưng không sang được, đã cho người mang vải, tiền đến phúng viếng. Cuộc đời của cụ nếu nói bằng lời, bằng chữ chỉ ngắn gọn vậy, nhưng thật bi tráng, trở thành biểu tượng sống mãi với thời gian, một câu chuyện ân tình xúc động trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào.
Hết mình giúp bạn
Trong số các tỉnh có đường biên giới chung với CHDCND Lào, Sơn La là địa phương có mối liên hệ đặc biệt, gần gũi, thân thiết với các bạn Lào.
Sơn La và các tỉnh Bắc Lào có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, xã hội, văn hóa, mối quan hệ gắn bó lâu đời giữa nhân dân hai bên biên giới. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bản Lao Khô là một điển hình về sự tương trợ, giúp đỡ cách mạng Lào trong lúc khó khăn. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bộ đội Việt Nam phối hợp bộ đội Pa-thét Lào ghi nhiều chiến công vang dội trên các mặt trận: Nậm Bạc, Pa Thí, Khăn Đeng, cao nguyên Bô-lô-ven, cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng,...
Ông Hà Văn Đức, Trưởng ban Liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự giúp Lào tỉnh Sơn La, cho biết: Ban được thành lập năm 2014, sau khi rà soát, thống kê, hiện tỉnh Sơn La có gần 6.000 hội viên từng tham gia chiến đấu và để lại tuổi thanh xuân trên đất nước Triệu Voi. Ban liên lạc có nhiều hoạt động thiết thực kết nối với nước bạn Lào, như: Tìm mộ liệt sĩ, hoạt động đối ngoại nhân dân, giúp đỡ con, em Lào đang học tập tại Sơn La,...
Từ khi thành lập, Ban liên lạc đã có năm chuyến thăm, làm việc với Hội Cựu chiến binh Hoàng gia Lào tại các tỉnh. Quá trình giao lưu, tiếp xúc, không cần phiên dịch, nhiều cựu chiến binh Việt Nam nói được tiếng Lào, một số từ tiếng Thái (Sơn La) cũng gần với tiếng Lào, làm cho mối thân tình thêm mặn nồng, tin cậy, gắn bó.
Từ năm 1969, tỉnh Sơn La ký hợp tác toàn diện với tỉnh Hủa Phăn. Năm 1985, thực hiện chủ trương của Đảng, Sơn La ký hợp tác toàn diện với tỉnh Bò Kẹo, và cho đến hôm nay đã ký kết với tám tỉnh Bắc Lào gồm: Hủa Phăn, Bò Kẹo, Luông Pha Bang, U Đôm Xay, Luông Nậm Thà, Phông Sa Lỳ, Xiêng Khoảng và Xay Nha Bu Ly. Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Sơn La Cầm Văn Phương tâm sự: Sự giúp đỡ của Sơn La rất hiệu quả. Đây không phải tự mình đánh giá mà là từ bạn.
Bạn hiểu Sơn La còn nhiều khó khăn, nhưng những việc Sơn La chọn giúp đều rất thiết thực. Cho nên về mặt kinh phí tuy không nhiều, nhưng đã làm được nhiều việc, góp phần làm thay đổi bộ mặt đời sống của nhân dân Lào. Sơn La thực hiện hợp tác trên các lĩnh vực: y tế, giáo dục, văn hóa - xã hội, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, an ninh - quốc phòng đều rất hiệu quả. Nhưng ấn tượng nhất phải kể đến việc giúp bạn đào tạo cán bộ, tạo nguồn nhân lực. Phần lớn cán bộ chủ chốt của các tỉnh Bắc Lào đã từng tham gia học tập, nghiên cứu tại Sơn La. Tại tỉnh hiện có khoảng hơn 1.000 lưu học sinh Lào đang học tập tại các trường cao đẳng, đại học. Mỗi năm có thêm khoảng 160 học sinh được nước bạn tuyển chọn gửi tới Sơn La đào tạo.
Tổng kết 10 năm giai đoạn 2003 - 2012, nguồn vốn Sơn La trực tiếp hỗ trợ giúp nước bạn Lào là 258 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh là 115 tỷ đồng, ngân sách Trung ương là 143 tỷ đồng. Những năm gần đây, bình quân mỗi năm, tỉnh Sơn La tự bỏ ngân sách hỗ trợ, giúp bạn khoảng 20 tỷ đồng. Nhiều công trình trường học, nhà văn hóa, công trình thủy lợi, trụ sở được xây dựng khang trang là những món quà thiết thực với nước bạn Lào.
Công trình Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô là điểm nhấn quan trọng, biểu tượng cho mối tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt, trong sáng thủy chung, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.
Đức Tuấn/Nhân dân