Năm 2023, nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4), Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) chọn Thông điệp "Sở hữu trí tuệ với phụ nữ: Thúc đẩy đổi mới và sáng tạo", ông có thể nói rõ hơn về chủ đề này?
Năm 2023, chủ đề được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đưa ra là "Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới và sáng tạo". Việc đưa ra thông điệp này nhằm nhấn mạnh, khẳng định một lần nữa vai trò, tầm quan trọng, đồng thời ghi nhận những đóng góp to lớn của phụ nữ trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo trên toàn thế giới.
Trải qua nhiều thế hệ, phụ nữ đã góp phần định hình thế giới bằng sự khéo léo và sáng tạo mềm dẻo của mình. Phụ nữ ở khắp mọi nơi trên thế giới đã và đang đóng góp không nhỏ vào việc tạo ra các kết quả nghiên cứu khoa học mang tính đột phá, thiết lập những xu hướng sáng tạo mới, tạo dựng, vận hành doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực, đóng góp vào sự chuyển đổi của thế giới theo hướng tích cực hơn. Tuy nhiên, các quốc gia trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, số phụ nữ tham gia vào hệ thống sở hữu trí tuệ, được hưởng lợi từ sở hữu trí tuệ còn hạn chế.
Thông điệp năm 2023 được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đưa ra nhằm khuyến khích phụ nữ tham gia vào lĩnh vực hoạt động trí tuệ nhiều hơn nữa để nâng cao giá trị, hiệu quả công việc của họ; tạo ra nhiều hơn các doanh nghiệp thành đạt do phụ nữ lãnh đạo; đóng góp mạnh mẽ vào hoạt động đổi mới sáng tạo nói riêng, sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia nói chung.
Bên cạnh đó, Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay là dịp để toàn xã hội tôn vinh những người phụ nữ tài năng trên toàn thế giới với các kết quả sáng tạo lớn lao của họ, cống hiến cho sự phát triển chung vì một tương lai tốt đẹp hơn.
Nhằm khuyến khích sự tham gia nhiều hơn nữa của phụ nữ, qua đó thu hẹp khoảng cách về giới trong hoạt động sở hữu trí tuệ, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách cụ thể nào, thưa ông?
Hoạt động sở hữu trí tuệ được hiểu là các hoạt động gắn với lao động trí tuệ của con người. Có thể nói đến hai lĩnh vực hoạt động chính liên quan trực tiếp tới sở hữu trí tuệ đó là: Nghiên cứu khoa học và kinh doanh.
Hiện nay, số lượng phụ nữ tham gia vào nghiên cứu khoa học và kinh doanh ngày một tăng lên. Phụ nữ ngày càng có những đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Thông qua hoạt động kinh doanh và nghiên cứu khoa học, giới nữ ngày một khẳng định được vị thế, vai trò của mình, được xã hội và cộng đồng ghi nhận, tôn vinh.
Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách khuyến khích phụ nữ tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thể hiện rõ nhất là Luật Bình đẳng giới được ban hành năm 2006, chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới của Việt Nam được ban hành năm 2011. Cho đến nay, Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được ghi nhận là đã đạt được các tiến bộ về bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 được ban hành kèm theo Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ tiếp tục hướng tới mục tiêu thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Điều 15 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định: Nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận, ứng dụng khoa học và công nghệ; nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận các khóa đào tạo về khoa học và công nghệ, phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và phát minh, sáng chế.
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 quy định rõ nguyên tắc ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ hơn (Khoản 5 Điều 5).
Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, mặc dù không có quy định hay một văn bản riêng về vấn đề bình đẳng giới hoặc ưu tiên nữ giới trong các thủ tục xác lập, thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhưng kết hợp với các chính sách, chủ trương chung dành cho nữ giới cũng như trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật, chính sách về sở hữu trí tuệ đều thực hiện các báo cáo đánh giá tác động về bình đẳng giới. Việt Nam đã có đầy đủ khung pháp lý, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ tham gia và hưởng lợi về sở hữu trí tuệ.
Hoạt động nghiên cứu khoa học và kinh doanh luôn mang tính cạnh tranh và hội nhập, đòi hỏi thời gian tập trung, phải tạo ra các sản phẩm mang tính cá biệt, có chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Chính điều này đang là thách thức không nhỏ đối với phụ nữ, khi vấn đề về phát triển sự nghiệp kinh doanh hay nghiên cứu khoa học luôn cần phải cân bằng với việc chăm lo gia đình, con cái.
Vì vậy trong hoạt động sở hữu trí tuệ chung của cả hệ thống, Bộ Khoa học và Công nghệ nói chung, Cục Sở hữu trí tuệ nói riêng cũng như các cơ quan quản lý nhà nước luôn chú trọng công tác phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chuyên ngành dành cho phụ nữ ở các cấp như: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Phụ nữ các tỉnh thành, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Hội Nữ trí thức Việt Nam và Chi hội Nữ trí thức tại các địa phương, bộ, ngành để triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ cũng như các hoạt động tư vấn chuyên sâu dành cho các nhà khoa học, doanh nhân nữ.
Đặc biệt là trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ luôn chú trọng đến các hoạt động dành cho phụ nữ để giới thiệu, đề cử các cá nhân, tổ chức phù hợp tham gia. Thời gian qua rất nhiều hoạt động của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác quốc tế song phương và đa phương có sự tham gia của các nhà khoa học, doanh nhân nữ.