Thứ Ba, 26/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 6/5/2020 14:23'(GMT+7)

Kịch bản phục hồi nền kinh tế với 5 mũi đột phá

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thì cần phải có những giải pháp đồng bộ hơn, mạnh hơn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thì cần phải có những giải pháp đồng bộ hơn, mạnh hơn.

Các kịch bản và giải pháp phục hồi nền kinh tế đang được xây dựng nhằm không chỉ giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn mà còn có thể đón các cơ hội mới trong trạng thái bình thường mới sau đại dịch.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong bối cảnh đã kiểm soát được dịch bệnh thì nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, đời sống, tăng trưởng. Phải tập trung hơn nữa khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%, không phải như dự báo của IMF là Việt Nam chỉ có thể tăng trưởng 2,7% - dù đây đã là mức cao nhất Đông Nam Á vẫn theo dự báo của IMF. Cùng với đó, kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Thủ tướng nêu rõ 5 mũi đột phá để tăng trưởng, phát triển, vượt qua khó khăn giai đoạn này, đó là thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa.

Trong bối cảnh tình hình thế giới vô cùng khó khăn, nhiều nước tăng trưởng âm, nước ta lại hội nhập quốc tế sâu rộng, việc xem xét điều chỉnh phù hợp một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội là việc cần làm ngay và báo cáo Bộ Chính trị, báo cáo Quốc hội ngay tại kỳ họp tới. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương và Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan khẩn trương cập nhật kịch bản tăng trưởng, điều chỉnh chỉ tiêu tăng GDP, các chỉ tiêu liên quan, trên cơ sở đó, Bộ Tài chính điều chỉnh kế hoạch thu ngân sách, bội chi và nợ công.

Chính phủ thống nhất cao cần ban hành nghị quyết chuyên đề về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Hàng loạt giải pháp mạnh mẽ đã được đề xuất và thảo luận tại phiên họp.

Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đã vừa tận dụng được “thời gian vàng” để chống dịch và giờ chính là “thời điểm vàng” để phục hồi kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng, sau Hội nghị sắp tới, sẽ có nhiều quyết sách mới được Chính phủ ban hành.

Các doanh nghiệp đang gặp khó thế nào?

Kết quả khảo sát 126.565 doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy có tới 85,7% số doanh nghiệp trên cả nước bị tác động của dịch COVID-19. Trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chịu tác động mạnh nhất với tỷ lệ lần lượt là 86,1% và 85,9%, nông lâm nghiệp và thủy sản là 78,7%, một số ngành tất cả các doanh nghiệp bị ảnh hưởng như hàng không là 100%, dịch vụ lưu trú là 97,1%, dịch vụ ăn uống 95,5%, đại lý du lịch là 95,7%, giáo dục đào tạo là 93,9%, vùng Đồng bằng sông Hồng, Miền trung có tỷ lệ doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Trên thế giới, tất cả các tổ chức  quốc tế đều  tỏ ra  bi quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020, trong đó IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ ở mức (-3%) và có thể phải trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái diễn ra vào những năm 1930. Tổ chức Thương mại Thế giới dự báo thương mại toàn cầu có thể giảm từ 13%-32% trong năm 2020. Dòng vốn FDI toàn cầu dự báo sụt giảm từ 30-40% trong giai đoạn 2020-2021.

Có tới 57,7% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng cho rằng thị trường tiêu thụ bị giảm  mạnh,  47,2% doanh nghiệp  có hoạt  động xuất khẩu khẳng định hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được.

Về nguyên liệu đầu vào, 22,1% doanh nghiệp bị thiếu hụt, riêng đối với các doanh nghiệp lớn tỷ lệ này là 42,8%, tập trung vào nhóm ngành may mặc, da giày (71%), sản xuất sản phẩm điện tử và ô tô (lần lượt là 62,1% và 58,1%).

Về nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, 45,4% doanh nghiệp bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, nhất là vốn lưu động để trả lương lao động (đây là gánh nặng lớn nhất), lãi vay, thuê mặt bằng và hoạt động thường xuyên.

Tổng số 66,8% doanh nghiệp đã phải áp dụng các giải pháp liên quan lao động,  như  cắt, giảm,  giãn, nghỉ  luân phiên...với 39,5%  số  doanh nghiệp  chọn giãn, nghỉ luân phiên, 28,4% chọn giải pháp cắt, giảm lao động, 21,3% cho nghỉ không lương, 18,9% chọn giảm lương lao động.

Tuy vậy, các khảo sát cũng cho thấy các doanh nghiệp đã có sự nỗ lực, chủ động rất lớn để duy trì sản xuất, kinh doanh. Theo một khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, ở thời điểm cuối tháng 4/2020, 52% số doanh nghiệp trả lời có sử dụng nền tảng internet để hoạt động. Trong khi đó, đầu tháng 3/2020, chỉ có 3% số doanh nghiệp trả lời có sử dụng nền tảng internet trong bối cảnh đại dịch.

Cũng tương tự, đối với việc tìm khách hàng mới, tìm thị trường mới thì trong khảo sát đầu tháng 3/2020 chỉ có 7% doanh nghiệp trả lời đã chủ động tiến hành, nhưng đến khảo sát lần này tỷ lệ này đã tăng lên 16%.

Đón cơ hội mới trong trạng thái bình thường mới

Chia sẻ thêm về kịch bản phục hồi nền kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Bộ đã kiến nghị 3 bước đối với điều hành nền kinh tế.

Bước thứ nhất, khi COVID-19 đang diễn ra thì ưu tiên chống dịch là chủ yếu, việc phát triển kinh tế lúc này là cầm cự và giảm thiểu tối đa các thiệt hại do dịch. Khi chúng ta điều hành nền kinh tế trong trung và dài hạn thì việc giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất cũng có nghĩa là tạo điều kiện cho phục hồi sau này nhanh và tốt hơn.

Bước thứ hai, sau khi nguy cơ và tác động của dịch COVID-19 giảm đi nhiều như hiện nay nhờ sự chỉ đạo rất quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống dịch và các bộ, ngành, chúng ta sẽ phục hồi dần dần. Bộ cũng đã báo cáo và tham mưu Chính phủ sẽ mở lại dần các hoạt động kinh tế, trước tiên phục hồi thị trường trong nước trước. Đối với thị trường nước ngoài, do dịch bệnh ở nhiều nước trên thế giới vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp, nền kinh tế nước ta chưa thể mở hoàn toàn mà vẫn phải kết hợp giữa phòng chống dịch với phát triển kinh tế.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng trạng thái bình thường mới, có nghĩa là xây dựng các kịch bản, chính sách phát triển kinh tế trong bối cảnh COVID-19 vẫn còn tồn tại, đặc biệt xung quanh nước ta. Chính vì vậy mỗi chính sách đề ra cần phải kết hợp cả 2 mục tiêu là phòng chống dịch và phát triển kinh tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.

Ông lấy ví dụ trong ngành vận tải hàng không, nếu như có chuyến bay quốc tế nào đó đến Việt Nam thì đây là vấn đề kinh tế, nhưng khi đến Việt Nam  thì khách trên chuyến bay đó sẽ phải thực hiện cách ly cũng như kiểm soát dịch bệnh, đáp ứng mục tiêu phòng chống dịch bệnh. Các giải pháp phòng chống ở trong nước, các quy định về giãn cách, cách ly cũng ảnh hưởng đến một số ngành, lĩnh vực mà có hoạt động tụ tập đông người hay phải tiếp xúc gần.

Trạng thái tương lai trong kịch bản của Bộ KH&ĐT xây dựng là khi COVID-19 đã yên ổn trên thế giới. Đối với thế giới hiện nay, nền kinh tế nào kết thúc dịch sớm nhất sẽ thành công. Do vậy trong định hướng xây dựng kịch bàn này, Bộ sẽ chú trọng nghiên cứu việc nắm bắt cơ hội để thúc đẩy kinh tế trong nước, tất nhiên sẽ đòi hỏi thay đổi nhiều vào cơ cấu của nền kinh tế nói chung cũng như định hướng và cơ cấu của từng doanh nghiệp, sản phẩm để đón nhận cơ hội này.

“Trong cơ hội này có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư, đặc biệt các tập đoàn kinh tế lớn đang hết sức cân nhắc trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, trong đó Đông Nam Á là một trong những địa bàn được tính đến đầu tiên và Việt Nam nằm trong số đó”, ông Phương nói.

Về dự thảo nghị quyết mới của Chính phủ, Thứ trưởng cho rằng, đây là nghị quyết thực chất tiếp nối Nghị quyết 42 trong tháng 3. Tuy nhiên, Nghị quyết 42 tập trung chủ yếu vào lĩnh vực an sinh. Nghị quyết mới cũng có một số giải pháp tiếp nối Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các chính sách tiền tệ, tài khóa và một số chính sách hỗ trợ khác.

Để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thì cần phải có những giải pháp đồng bộ hơn, mạnh hơn. Chính vì thế mà sau hội nghị trực tuyến với địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành đã phối hợp rà soát, hoàn thiện dự thảo nghị quyết mới của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Các giải pháp này rộng hơn, tiếp nối những giải pháp trước đây đã ban hành và mở rộng hơn quy mô, đối tượng, phạm vi./.

Theo chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất