(TG)-Dự kiến trong năm 2020 Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Quốc hội Dự thảo Luật bảo vệ môi trường sửa đổi, nhân dịp này Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã dành cuộc trao đổi với Tạp chí Tuyên giáo.
PV: Thưa Bộ trưởng, một trong những vấn đề nóng bỏng, gây bức xúc trong dư luận xã hội cả nước hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái và ô nhiễm nguồn nước do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gây ra. Vấn đề này ngày càng trầm trọng, đe doạ trực tiếp sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sự tồn tại, phát triển của các thế hệ hiện tại và tương lai.
Dự kiến trong năm 2020 Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Quốc hội Dự thảo Luật bảo vệ môi trường sửa đổi, xin Bộ trưởng cho biết những thay đổi mang tính cốt lõi trong Luật bảo vệ môi trường sửa đổi so với Luật năm 2014 ?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Ngày nay, do nhu cầu về tài nguyên cho phát triển ngày càng tăng trong khi khả năng cung ứng là hạn chế và đang bị suy giảm, suy thoái nhất là tài nguyên nước, đất đai…
Ô nhiễm do tác động tích lũy từ quá trình phát triển đã chạm ngưỡng chịu tải của môi trường; lượng phát thải ra môi trường ngày càng tăng, riêng chất thải rắn trung bình mỗi năm tăng từ 10 - 16%, trong khi đó, tỷ lệ được tái chế còn thấp; chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có xu hướng giảm, nhất là tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm. Lượng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ ra các lưu vực sông còn rất lớn, trong đó, mới chỉ 20% được thu gom xử lý. Năm 2019, nhiều sự cố về môi trường phát sinh trên thực tế, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh.
Thực hiện Nghị quyết số 78/2019/QH14 ngày 11/6/2019 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Bộ TN&MT đã chủ trì xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT); hiện nay, dự án Luật đã được đăng tải lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, của Bộ TN&MT.
Theo đó, quan điểm của việcsửa đổi bổ sung Luật BVMT lần này là phải thể chế hóa đầy đủ, kịp thời quan điểm của Đảngvề BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu, phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, coi chất thải là tài nguyên, đưa môi trường cùng với kinh tế, xã hội là ba trụ cột trung tâm của phát triển, đảm bảo sự đồng bộ với các hệ thống pháp luật có liên quan như: pháp luật về đầu tư, đầu tư công, xây dựng, tài nguyên nước.
Hoàn thiện các công cụ kinh tế, cơ chế tài chính phù hợp với thể chế kinh tế thị trường nhằm điều tiết các hành vi theo hướng thân thiện môi trường, nâng cao trách nhiệm, thu hút sự tham gia của tổ chức, cá nhân trong bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong công tác bảo vệ môi trường;
Tăng cường thống nhất quản lý nhà nước về BVMT, phát huy vai trò trung tâm của người dân, doanh nghiệp cùng với sự tham gia quản lý của các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở phân công, phân cấp đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt từ trung ương đến chính quyền địa phương các cấp...;
Chú trọng phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trườngtheo hướng chủ động, có trọng tâm, trọng điểm dựa trên việc phân nhóm, phân loại theo mức độ rủi ro, tính đặc thù của các vấn đề môi trường; kết hợp quản lý ngay trong quá trình với quan điểm quản lý “cuối đường ống”.
|
"Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi sẽ có nhiều tác dụng tích cực", Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết |
Trong đó, những thay đổi mang tính cốt lõi trong Luật BVMT sửa đổi so với Luật năm 2014 là:
Thứ nhất, về quy hoạch BVMT:Quy hoạch BVMT trong dự án Luật được sửa đổi bảo đảm thống nhất đồng bộ với pháp luật về quy hoạch và yêu cầu BVMT; trong đó phân vùng môi trường là một nội dung chính của quy hoạch BVMT. Theo đó, dự thảo Luật đề xuất 03 cấp độ phân vùng môi trường là căn cứ quyết định cho phép các dự án phát triển, cụ thể: (i) Vùng nhạy cảm cấp độ 1: là vùng bảo vệ nghiêm ngặt, bao gồm: khu dân cư tập trung, khu bảo tồn thiên nhiên, vùng nước cấp cho mục đích sinh hoạt và vùng có các yếu tố, đối tượng nhạy cảm đặc biệt khác cần bảo vệ nghiêm ngặt. (ii) Vùng nhạy cảm cấp độ 2: là vùng hạn chế tác động, bao gồm: vùng đệm của vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng thuộc khu di sản thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, vùng đất ngập nước quan trọng, khu vực có đa dạng sinh học cao, hệ sinh thái rừng tự nhiên, rạn san hô, cỏ biển, thủy sinh quan trọng cần được bảo vệ. (iii) Vùng nhạy cảm cấp độ 3: là vùng khác còn lại trên địa bàn quản lý. Dự thảo Luật cũng quy định rõ các nội dung chính của quy hoạch BVMT quốc gia, nội dung BVMT trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; trách nhiệm lập quy hoạch BVMT quốc gia, nội dung BVMT trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Thứ hai, về đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC): Dự án Luật đã thu hẹp đối tượng phải thực hiện ĐMC so với Luật BVMT 2014. Theo đó, chỉ thực hiện ĐMC đối với các quy hoạch theo quy định trong Luật quy hoạch, còn các chiến lược, kế hoạch không phải thực hiện ĐMC để tránh việc thực hiện hình thức, không hiệu quả như hiện nay.
Thứ ba, về đánh giá tác động môi trường (ĐTM): Dự án Luật đã bổ sung đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc đề xuất chủ trương đầu tư dự án để phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công; kết quả đánh giá sơ bộ tác động môi trường là một phần trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Đối tượng phải thực hiện ĐTM cũng đã được bổ sung, sửa đổi bảo đảm thống nhất với dự án đầu tư, đầu tư xây dựng theo tiêu chí phân loại của Luật Đầu tư công và nâng cao hiệu quả quản lý, thực hiện.
Theo đó, chỉ các dự án đầu tư xây dựng mới có công trình xử lý chất thải và các dự án khác có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mới phải thực hiện báo cáo ĐTM; các dự án khác không thuộc diện này và dự án áp dụng kỹ thuật tốt nhất hiện có không phải thực hiện ĐTM. Các đối tượng phải thực hiện ĐTM được phân thành 02 nhóm: 1) Có tác động xấu đến môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; 2) Ít có tác động xấu, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để đưa ra các công cụ quản lý phù hợp. Bên cạnh đó, thủ tục phê duyệt báo cáo ĐTM như hiện nay được bãi bỏ và sửa đổi việc thẩm định báo cáo ĐTM theo hướng báo cáo ĐTM do chủ dự án lập, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật; cơ quan thẩm định chỉ phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM, làm căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy phép khai thác khoáng sản,.... Người quyết định đầu tư sẽ tự phê duyệt các nội dung BVMT cùng với phê duyệt dự án đầu tư theo quy định. Kế hoạch BVMT đối với các dự án ít có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cũng được bãi bỏ nhằm khắc phục tính hình thức, tốn kém nguồn lực của nhà nước, xã hội và doanh nghiệp.
Thứ tư,về giấy phép môi trường: Dự án Luật đã hợp nhất, tích hợp các loại giấy phép về môi trường và xả nước thải vào nguồn nước như hiện nay (như giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT; giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu; giấy phép xử lý chất thải nguy hại; sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; giấy phép xả khí thải; xác nhận kế hoạch BVMT; giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, công trình thủy lợi) vào 01 loại giấy phép – giấy phép môi trường để cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giảm phiền hà, tốn kém kinh phí xin cấp giấy phép của doanh nghiệp.
Thứ năm, về quản lý chất thải: Dự án Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp với thực tiễn, tiến bộ khoa học kỹ thuật và yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn, coi chất thải là tài nguyên; trong đó quản lý chất thải theo vòng đời sản xuất, thải bỏ sản phẩm nhằm thúc đẩy tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng chất thải; tăng cường áp dụng các công cụ kinh tế, cơ chế tài chính trong quản lý chất thải; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, tổ chức, người dân trong quản lý chất thải.
Thứ sáu, về công cụ kinh tế, nguồn lực cho bảo vệ môi trường: Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm làm rõ hơn các công cụ kinh tế, các ưu đãi về BVMT, các nội dung chi cho BVMT nhằm: khuyến khích phát triển năng lượng sạch, tái tạo; khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; nông nghiệp sinh thái; sản xuất và tiêu dùng bền vững; lối sống, hành vi ứng xử thân thiện với môi trường; Bổ sung những ưu đãi mới đã có các văn bản dưới Luật; phân tách hoạt động BVMT được ưu đãi; hoạt động BVMT được hỗ trợ; bổ sung thuế BVMT; mua sắm xanh và chính sách ưu đãi, hỗ trợ sản xuất, phân phối và sử dụng sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường.
Ngoài ra, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung quy định về quản lý cảnh quan thiên nhiên và BVMT trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu; quy chuẩn kỹ thuật môi trường;quản lý chất lượng môi trường; quan trắc, thông tin, cơ sở dữ liệu và báo cáo môi trường; sự cố ô nhiễm môi trường; quy định rõ trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp và cộng đồng dân cư nhằm thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong công tác BVMT; các quy định về hội nhập, hợp tác quốc tế về BVMT, thanh tra, kiểm tra, bồi thường thiệt hại về môi trường…
PV: Bộ trưởng có thể cho biết giải pháp liên quan đến đảm bảo an ninh nguồn nước và ứng phó sự cố ô nhiễm môi trường?
Hiện nay, ở nước ta có 108 lưu vực sông (LVS), với khoảng 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên. Tổng lượng nước mặt trung bình khoảng từ 830 tỷ m3 đến 840 tỷ m3, trong đó, có hơn 60% lượng nước được bắt nguồn từ nước ngoài, chỉ có khoảng từ 310 tỷ m3 đến 320 tỷ m3 được sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam. Trong khi đó, việc gia tăng khai nước ở các quốc gia thượng nguồn đe dọa nghiêm trọng đến tổng lượng tài nguyên nước ở Việt Nam hiện tại và tương lai.
Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa đòi hỏi nhu cầu nước cho sản xuất và dân sinh ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, nhưng phát triển cũng ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng, trữ lượng nguồn nước. Nhu cầu về nước ngày càng tăng dẫn đến việc khai thác sử dụng tài nguyên nước ngày càng nhiều. Nhu cầu dùng nước ở nước ta do tăng dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa… sẽ lên đến khoảng 130-150 tỷ m3/năm, chiếm tới gần 50% lượng nước sản sinh trên lãnh thổ nước ta, gần 90% nguồn nước mùa khô (khoảng 170 tỷ m3). Ngoài ra, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước trở nên phổ biến hơn. Tình trạng nguồn nước mặt bị ô nhiễm từ những nguyên nhân khách quan còn có nguyên nhân chủ quan do tác động từ phía con người đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh nguồn nước.
Quản lý, bảo vệ và đảm bảo an ninh nguồn nước cho các mục đích sử dụng khác nhau, trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy định cụ thể nhằm hướng dẫn thi hành Luật tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, đồng thời triển khai thực hiện các quy định nhằm bảo vệ các nguồn nước. Trong đó có Nghị định số 43/2015/NĐ-CP quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước để tạo hành lang pháp lý trong công tác bảo vệ nguồn nước nói chung. Theo đó, hành lang bảo vệ nguồn nước có chức năng bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước và phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước. Bộ cũng đã ban hành các Thông tư: Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT ngày 09/9/2016 Quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt nhằm quy định cụ thể phạm vi bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho từng vùng, miền khác nhau; Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT ngày 07/11/2017 quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước nhằm giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân, theo đó, chất lượng nguồn nước là một trong những thông số bắt buộc phải giám sát trong quá trình khai thác.
Luật Tài nguyên nước 2012 đã đề cập đến các biện pháp kiểm soát để bảo đảm khai thác, sử dụng tổng hợp nguồn nước của các hồ chứa từ khâu quy hoạch, lập dự án đầu tư xây dựng đến vận hành hồ chứa, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cụ thể đối với quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa trong việc điều tiết nước để chống lũ, giảm lũ và cấp nước cho các đối tượng sử dụng nước trên lưu vực sông. Bên cạnh đó, cũng đã quy định cụ thể về cơ chế điều phối, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông nhằm bảo đảm tính hệ thống, thống nhất của tài nguyên nước trên lưu vực sông và đề cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc giải quyết những vấn đề về tài nguyên nước trong khuôn khổ lưu vực sông.
Trong thời gian qua, Bộ triển khai lập quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông và thành lập các tổ chức lưu vực sông nhằm triển khai có hiệu quả cơ chế điều phối, giám sát các hoạt động về tài nguyên nước có tính liên ngành, liên lĩnh vực, liên địa phương trên các lưu vực sông lớn, quan trọng. Đây là các cơ sở pháp lý quan trọng trong việc điều hòa, phân bổ nguồn nước, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các ngành trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông, đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc điều hòa, phân bổ nguồn nước các hồ chứa lớn, quan trọng trên các lưu vực sông, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích phát điện, cấp nước nông nghiệp với việc đảm bảo lợi ích của các hộ sử dụng nước phía hạ lưu các lưu vực sông, hạ lưu các hồ chứa, đặc biệt quan trọng nhất là đảm bảo nguồn nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất của người dân phía hạ du.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng./.
Hữu Công (thực hiện)