Thứ Hai, 25/11/2024
Pháp luật
Thứ Ba, 11/2/2014 13:10'(GMT+7)

Kiểm tra việc tăng giá của doanh nghiệp sữa

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.


Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó phòng Giá hàng nông lâm, thủy sản (Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính) cho biết trong 6 doanh nghiệp (DN) phân phối sữa trên thị trường mà Cục quản lý có 2 DN đã gửi mẫu kê khai giá yêu cầu được điều chỉnh tăng giá do biến động đầu vào nguyên liệu tăng cao. Trong đó, một DN gửi kê khai giá từ ngày 12/12/2013 đề nghị được tăng từ 6-8% so với mức giá đang bán trên thị trường. Qua phối hợp với phía hải quan, tờ khai nhập khẩu của DN này thể hiện giá nguyên liệu đầu vào tăng 12%. Sau khi đối chiếu, kiểm soát đầu vào, Cục Quản lý giá chấp thuận cho DN này tăng giá của 10/35 dòng sản phẩm đang lưu hành trên thị trường.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, dù chấp thuận cho DN này tăng giá, nhưng do yếu tố đầu vào tăng cao, nghi ngờ có dấu hiệu chuyển giá nên Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Tổng cục Hải quan đề nghị điều tra về dấu hiệu này. “Giá tờ khai hải quan cao thì phải nghi ngờ. DN nói không điều chỉnh sẽ bị lỗ, nhưng thực tế kinh doanh sữa rất khó lỗ. Trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải phân tích được do đâu lỗ, do giá thành tăng hay chi phí quản lý, giá nhân công... thấy có biểu hiện chuyển giá chúng tôi đề nghị làm rõ”, ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.

Cũng từ trước tết, một DN của nước ngoài gửi yêu cầu đề nghị được tăng giá từ 3-6%, nhưng qua rà soát và kiểm tra giá nhập, chi phí kinh doanh, Cục Quản lý giá thấy mức tăng không hợp lý nên đang đã bác đề nghị này. Ông Tuấn cho biết hiện Cục đang yêu cầu DN này giải trình, chứng minh được mức tăng trên là hợp lý. “Nếu yếu tố đầu vào không thay đổi, nhất quyết không cho tăng bất luận vì lý do gì”, ông Tuấn khẳng định.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, nếu thời gian tới giá nguyên liệu biến động bất thường tác động xấu tới chỉ số giá tiêu dùng, cung hàng khan hiếm… thì Bộ Tài chính sẽ tính tới việc công bố bình ổn giá, thông qua một loạt các công cụ để điều tiết thị trường. “Quan trọng nhất là phải kiểm soát được yếu tố đầu vào của giá nguyên liệu. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng phải thể hiện quyền năng của mình, nếu hãng này tăng giá thì có thể chuyển sang dùng thương hiệu khác. Như vậy sẽ gây áp lực được với DN phân phối, đảm bảo mức giá cạnh tranh công bằng theo quy luật của thị trường”, ông Tuấn khuyến nghị./.

Theo VOV
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất