Thứ Tư, 27/11/2024
Môi trường
Thứ Năm, 20/10/2016 15:50'(GMT+7)

Kiên Giang: Mỗi người dân cần nêu cao ý thức, trách nhiệm, cùng chung tay, góp sức bảo vệ môi trường


Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, ngân sách đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường tăng; bảo vệ môi trường ở khu công nghiệp, đô thị, khu dân cư được tăng cường; công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về ô nhiễm môi trường được quan tâm. Một số công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường được đầu tư, đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững của tỉnh.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, sâu rộng; ý thức bảo vệ môi trường của một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhân dân còn kém; vai trò, trách nhiệm của một số ngành, địa phương trong công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế. Tình trạng ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, nhất là ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, tại các khu chăn nuôi tập trung, điểm giết mổ gia súc, gia cầm, một số bệnh viện, các bãi rác; tình trạng chặt phá rừng, sử dụng thuốc nổ trong đánh bắt thủy sản gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái rừng, biển; một số doanh nghiệp xả thải ra môi trường không qua hệ thống xử lý theo quy định. Những hậu quả của ô nhiễm môi trường như hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi hệ sinh thái, dịch bệnh,... ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sản xuất và đời sống nhân dân.

Từ tình hình trên, để thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ thị: Các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất cao trong đảng bộ, các ngành, các cấp, doanh nghiệp và nhân dân quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 21-01-2009 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị, khóa IX “về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Chỉ thị số 25/CT-TTg, ngày 31-8-2016 của Thủ tướng Chính phủ “về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường”.

Xác định rõ bảo vệ môi trường là yêu cầu quan trọng xuyên suốt trong quá trình phát triển, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp và nhân dân, Chỉ thị của Tỉnh ủy nêu rõ:

Các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường; chú trọng thông tin, tuyên truyền và biểu dương những tập thể, cá nhân, doanh nghiệp làm tốt; phê phán những tập thể, cá nhân, doanh nghiệp vi phạm pháp luật, gây ô nhiễm môi trường; trách nhiệm quản lý của người đứng đầu sở, ngành, địa phương để xảy ra vi phạm, ô nhiễm nghiêm trọng về môi trường.

Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Thực hiện đúng, chặt chẽ các quy định về thẩm định, cấp phép các dự án đầu tư trên địa bàn, chú trọng tiêu chí môi trường trong lựa chọn dự án đầu tư; bảo đảm các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Thực hiện cơ chế quản lý về bảo vệ môi trường theo từng loại hình và mức độ tác động môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện tốt công tác quản lý rừng, hệ sinh thái biển; quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên, khoáng sản theo quy định; thực hiện tốt các chương trình, dự án, kế hoạch về bảo vệ môi trường đã ban hành, phê duyệt. Quan tâm cải thiện chất lượng môi trường sống, cung cấp nước sạch và dịch vụ vệ sinh môi trường cho người dân, đặc biệt là ở các đô thị, khu, cụm công nghiệp, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án đầu tư xử lý nước thải, nhất là nước thải y tế, nước thải công nghiệp, nước thải chế biến nông, lâm, hải sản, nước thải sinh hoạt đô thị. Tập trung xử lý chất thải rắn, quản lý chất thải nguy hại.

Tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách về môi trường tại địa phương. Tiến hành rà soát, xử lý dứt điểm các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, các khu vực ô nhiễm môi trường hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng; chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, không để xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kiểm soát về môi trường đối với các dự án đầu tư, chuyển giao công nghệ nhằm ngăn chặn việc đưa công nghệ lạc hậu, máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên vật liệu không bảo đảm yêu cầu về môi trường từ bên ngoài vào tỉnh ta. Kiểm soát chặt chẽ quá trình cấp phép đầu tư xây dựng, kiểm tra đánh giá tác động môi trường đối với các dự án. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả thải, thu gom, vận chuyển, xử lý, thải bỏ, chôn lấp các loại chất thải, nhất là chất thải nguy hại; ô nhiễm tại các khu, cụm công nghiệp, điểm khai thác, chế biến khoáng sản, các đô thị và khu vực nông thôn; kiểm soát ô nhiễm trong sản xuất nông nghiệp. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn theo quy định; buộc cơ sở sản xuất có quy mô xả nước thải lớn lắp đặt ngay các thiết bị kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải theo quy định của pháp luật và truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường. Xử lý nghiêm khắc, buộc các cơ sở gây ô nhiễm môi trường thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải theo quy định. Xử lý không để tình trạng ô nhiễm môi trường ở các điểm du lịch.

Hằng năm ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác điều tra cơ bản, xử lý ô nhiễm môi trường, bảo đảm chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường theo quy định. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường.

Khẩn trương ban hành các quy chuẩn kỹ thuật môi trường của địa phương, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm cao và các đô thị đông dân cư, khu vực có hệ sinh thái nhạy cảm cần được bảo vệ. Tích cực triển khai thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới; thực hiện đúng việc đánh giá tiêu chí môi trường trong xét duyệt, công nhận xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Kiện toàn tổ chức, cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường; có quy định rõ trách nhiệm của sở, ngành chuyên môn, chính quyền cấp huyện, xã, cán bộ ấp, khu phố trong công tác bảo vệ môi trường. Tăng cường đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật bảo đảm phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Các cấp ủy đảng tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Xem đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên trong lãnh đạo, chỉ đạo của từng cấp, từng ngành.

Từng cán bộ, đảng viên, cơ quan, đơn vị phải tiêu biểu gương mẫu chấp hành đúng các quy định về bảo vệ môi trường, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường.

Tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, sở, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải chịu trách nhiệm về các vấn đề ô nhiễm, vi phạm môi trường trong phạm vi quản lý.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân bằng nhiều hình thức tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng các mô hình tự quản bảo vệ môi trường, qua đó kịp thời nhân rộng những mô hình tốt. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể thực hiện tốt trách nhiệm giám sát các hoạt động về bảo vệ môi trường, các hành vi gây ô nhiễm môi trường, yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khắc phục hậu quả do gây ra ô nhiễm môi trường.

Mỗi người dân cần nêu cao ý thức, trách nhiệm, cùng chung tay, góp sức bảo vệ môi trường; xây dựng từng nhà, ngõ, xóm, ấp, địa phương, cơ quan, đơn vị xanh-sạch-đẹp, vì sự phát triển bền vững của tỉnh.

Kim Thư

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất