Thứ Hai, 25/11/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Sáu, 16/1/2015 16:45'(GMT+7)

Kiên Giang: Tổ chức Hội thảo khoa học về phát triển kinh tế biển

Một góc biển Kiên Giang

Một góc biển Kiên Giang

Vùng biển Kiên Giang rộng hơn 63.290km2, bờ biển trên 200 km, có 5 quần đảo là An Thới, Thổ Chu, Nam Du, Bà Lụa và Hải Tặc, với hơn 143 hòn đảo nổi lớn nhỏ trong đó có 43 đảo có dân cư và những điều kiện thuận lợi khác cho phép tỉnh này phát triển kinh tế thủy sản biển trở thành trung tâm nghề cá lớn, hiện đại của cả nước trên vùng biển Tây Nam. Đặc biệt là đảo Phú Quốc nổi tiếng giàu tài nguyên thiên nhiên và có thể phát triển nhiều loại hình du lịch. Biển Kiên Giang chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng với trữ lượng, quy mô thuộc loại khá, cho phép phát triển mạnh các lĩnh vực kinh tế biển. Kiên Giang được xác định là 1 trong 4 tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Khắc Ghi-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu rõ mục đích của Hội thảo là nhằm đánh giá tiềm năng, lợi thế, vị trí, tầm quan trọng và tác động của kinh tế biển đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Kiên Giang, thông qua Hội thảo tập hợp những luận cứ khoa học và thực tiễn nổi bật về phát triển kinh tế biển từ các địa phương; thành tựu nghiên cứu khoa học của các viện, trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học và đề xuất các giải pháp có hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế biển của tỉnh (giai đoạn 2011–2015) và góp phần bổ sung vào xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (giai đoạn 2016-2020).

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe 06/15 bài tham luận của các đại biểu gửi đến Ban Tổ chức Hội thảo, với các bài tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý như Phó Giáo sư-Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn Viện trưởng Viện Hải dương học-Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam:”Bảo tồn và sử dụng tài nguyên đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển ở Phú Quốc”; Tiến sĩ Đào Ngọc Cảnh-Trường Đại học Cần Thơ: “Dải ven biển Hà Tiên-Kiên Lương, một địa bàn du lịch giàu tiềm năng”; ông Nguyễn Văn Sáu-Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Phát triển du lịch biển-động lực phát triển kinh tế biển Kiên Giang”; Thạc sĩ Nguyễn Vũ Khôi-Tổ chức Bảo vệ Động vật Hoang dã-Wildfile At Risk (WAR); PGS. Tiến sĩ Lương Văn Thanh-Viện Kỹ thuật biển: “Một số kết quả nghiên cứu về tài nguyên, môi trường và định hướng phát triển bền vững vùng biển ven bờ tỉnh Kiên Giang”; Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm-Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh: “Nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế biển tỉnh Kiên Giang”.

Thảo luận tại Hội thảo, các ý kiến của đại biểu đồng tình với các đề xuất của các tác giả và để thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững trong thời gian tới các đại biểu cho rằng: cần phải có các giải pháp hiệu quả, đồng bộ về cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực chất lượng, tài chính, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Trung ương với địa phương, kết nối giữa các địa phương trong vùng…, có như vậy mới đảm bảo phát triển kinh tế biển của tỉnh bền vững trong tương lai.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế biển giai đoạn 2011-2015 đạt bình quân 11,4%/năm, tỷ trọng kinh tế biển chiếm 75,6% GDP toàn tỉnh. GDP bình quân đầu người năm 2014 đạt 3.154 USD tăng 2 lần so năm 2010. Tốc độ tăng trưởng trung bình sản xuất ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2011-2015 vùng ven biển tăng 9,12%/năm, các ngành công nghiệp chủ lực như sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, thủy sản luôn giữ mức tăng trưởng khá.

Chương trình hành động số 12, ngày 02-5-2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy định hướng chiến lược phát triển kinh tế biển Kiên Giang đến năm 2020, nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp: Phấn đấu đến năm 2020 đưa tỉnh ta trở thành tỉnh mạnh về biển so với các tỉnh trong khu vực, hoàn chỉnh cơ bản hạ tầng kinh tế biển, phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng an ninh đảm bảo vững chắc chủ quyền quốc gia vùng biển, đảo.

Mục tiêu cụ thể, phấn đấu năm 2020, GDP kinh tế biển, ven biển, hải đảo 80% tổng GDP của cả tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người trong vùng cao gấp 2 lần so với mức thu nhập bình quân chung của tỉnh. Xây dựng Phú Quốc thành trung tâm kinh tế lớn của vùng hướng mạnh ra biển. Đến năm 2020, cơ bản xây dựng Phú Quốc thành trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao và trung tâm giao thương quốc tế./.

Quốc Tuấn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất