Thứ Bảy, 23/11/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 2/8/2019 8:18'(GMT+7)

Kinh tế công nghiệp Đà Nẵng: 20 năm đầu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Ký kết, hợp tác công nghiệp hỗ trợ giữa một số doanh nghiệp, đơn vị tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên

Ký kết, hợp tác công nghiệp hỗ trợ giữa một số doanh nghiệp, đơn vị tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên

DUY TRÌ ĐÀ TĂNG TRƯỞNG CAO

Năm 1997- Thời điểm thành phố (TP) Đà Nẵng chia tách với tỉnh Quảng Nam và chính thức trở thành TP trực thuộc Trung ương, công nghiệp (CN) của TP này chưa thực sự lớn mạnh. Toàn TP khi đó chỉ có 02 khu công nghiệp (KCN) với 06 dự án có vốn đầu tư nước ngoài xây dựng và đưa vào sản xuất. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp (DN) hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp cũng chưa nhiều với 149 đơn vị (trong đó DN Nhà nước có 35 đơn vị với tổng số vốn chiếm 21,29%, vốn DN ngoài quốc doanh chiếm 16,65% và vốn DN FDP chiếm 62,06%)[i].

Tuy vậy, từ 20 năm trước khi mà vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh (1976), thời điểm đó TP Đà Nẵng mặc dù chỉ là một đô thị trực thuộc tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng nhưng bám sát định hướng phát triển kinh tế công nghiệp phục vụ quá trình tái thiết đất nước của Trung ương cũng như đáp ứng yêu cầu thời kỳ đầu thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sau đổi mới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng nói chung và Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng nói riêng khi ấy cũng đã có những chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy, đưa công nghiệp TP Đà Nẵng phát triển. Nhờ vậy, ngay vào những năm đầu mới chia tách và trở thành TP trực thuộc Trung ương, mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn nhưng CN thành phố Đà Nẵng vẫn tiếp tục tăng trưởng và có những sản phẩm chủ lực như: Xi măng, bia, vải lụa thành phẩm, quần áo may sẵn, xăm lốp xe đạp và ô tô, giấy, nhựa…; đồng thời những sản phẩm CN này đã có sức cạnh tranh trên thị trường và xuất khẩu.

Trong điều kiện đó, trước yêu cầu phát triển nội tại Đà Nẵng cũng như yêu cầu kết nối các tỉnh trong khu vực, tạo đông lực phát triển cho cả vùng, Đà Nẵng đã được sự hỗ trợ của Trung ương và sự đồng thuận của nhân dân nên chi vài năm sau khi tái lập, TP này đã có những đổi mới tích cực. Riêng đối với kinh tế công nghiệp, mặc dù những năm đầu này Đà Nẵng mới chỉ tập trung về mặt định hướng để đẩy mạnh sản xuất, nhưng tỷ trọng công nghiệp của TP trong GDP đã tăng trưởng vượt bậc; từ 35,2% năm 1997 lên 28,29% năm 1999[ii]. Trong khi đó, cùng giai đoạn (1996-2000), tốc độ tăng trưởng CN của cả nước đang có dấu hiệu suy giảm với lệ tăng trưởng 14,2% (năm 1996), 13,8% (năm 1997), 12,5% (năm 1998) và 11,6% (năm 1999)- thấp nhất trong vòng 10 năm kể từ năm 1991.

Tiếp tục đà tăng trưởng đó, trong 02 năm tiếp theo (2001-2002), CN thành phố Đà Nẵng đạt tốc độ tăng trưởng khá cao với tỷ lệ lần lược là 20,47% và 18,77%. Điều đó cho thấy, mức tăng trưởng của kinh tế công nghiệp TP Đà Nẵng trong 5 năm đầu trở thành TP trực thuộc Trung ương có được đà tăng trưởng cao.

Bước vào năm 2003, Đà Nẵng đón nhận luồng sinh khí, động lực phát triển mới bằng việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW (ngày 16/10/2003) về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Theo đó, Nghị quyết này của Bộ Chính trị đã chỉ rõ định hướng phát triển của TP Đà Nẵng theo hướng: “Xây dựng TP Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước; là trung tâm kinh tế- xã hội của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ…”[iii].

Với sự ra đời của Nghị quyết số 33-NQ/TW kể trên, kinh tế công nghiệp TP Đà Nẵng có thêm điều kiện để tăng trưởng và phát triển. Trong đó, một số ngành hàng và sản phẩm CN chủ lực tiếp tục được TP xác định như: Thủy sản đông lạnh, may mặc, lốp ô tô, xi măng, da giày… Cạnh đó, một số sản phẩm khác có nhiều tiềm năng phát triển thành các sản phẩm CN chủ lực mới của địa phương như: Sản xuất các thiết bị điện, điện tử và linh kiện điện tử- tin học; cơ- kim khí; đóng tàu; sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy; sản xuất đồ uống, dệt và sợi các loại…. Đồng thời với sự chuyển biến tích cực này, thị trường xuất khẩu của các sản phẩm CN Đà Nẵng không ngừng được mở rộng với cơ cấu mặt hàng ngày càng đa dạng, trong đó tập trung vào các mặt hàng thủy sản, dệt may, da giày, đồ chơi trẻ em, nến cao cấp, dăm gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ…Với việc thị trường và sự đa dạng các mặt hàng xuất khẩu này đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu hàng CN, tiểu thủ CN của TP Đà Nẵng tăng liên tục qua các năm, đến năm 2006 đạt 253 triệu USD, chiếm 65,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn TP, gấp 7,2 lần so với năm đầu khi Đà Nẵng trở thành TP trực thuộc Trung ương (1997). Chính từ những đóng góp này đã tiếp tục đưa tỷ trọng công nghiệp trong GDP của TP Đà Nẵng đạt 40,1% vào năm 2005[iv].

Tuy nhiên, sau năm 2006, ngành CN của TP Đà Nẵng không còn thuận lợi bởi sự tác động của nhiều khó khăn, bất lợi như: Bão Xangsane 2006 (mạnh cấp 14) đã gây thiệt hại năng nề cho doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất; khủng hoảng kinh tế kéo dài nhiều năm (2008-2012) khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ; định hướng kinh tế của TP chuyển dịch từ Công nghiệp- Dịch vụ- Nông nghiệp sang Dịch vụ- Công nghiệp- Nông nghiệp, từ đó việc đầu tư cho phát triển công nghiệp không được quan tâm như trước; các khu công nghiệp hiện hữu đã đạt tỷ lệ lấp đầy cao  nhưng không được triển khai quy hoạch xây dựng các khu, cụm công nghiệp mới; các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung đã được quy hoạch nhưng việc triển khai rất chậm; thu hút đầu tư vào ngành CN giảm dần, các dự án FDI thu hút được phần lớn có quy mô nhỏ và vừa… từ đó tác động, làm cho tỷ trọng ngành CN trong cơ cấu GDP của TP Đà Nẵng giảm còn 23,6% vào năm 2010 và đến năm 2016, 2017 tiếp tục giảm lần lượt còn 21,7% và 21,5% [v]. Tuy nhiên, đây vẫn là tỷ lệ tăng trưởng cao mà CN Đà Nẵng đạt được tính đến năm 2017 vừa qua.

CƠ CẤU KINH TẾ CHUYỂN DỊCH THEO HƯỚNG HIỆN ĐẠI

Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, trong 20 năm qua cơ cấu kinh tế TP Đà Nẵng chuyển dịch tích cực, theo hướng công nghiệp hóa gắn với hiện đại hóa trong một nền kinh tế mở với phát triển mạnh CN và dịch vụ, tăng dần tỷ trọng các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao.

Cụ thể, trong giai đoạn 1997-2005, cơ cấu kinh tế TP Đà Nẵng được xác định là Công nghiệp- Dịch vụ- Nông nghiệp, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển CN được đầu tư mạnh mẽ, nhất là hạ tầng các KCN tập trung, số lượng dự án đầu tư cả trong và ngoài nước tăng lên nhanh chóng. Đây là thời kỳ phát triển tương đối mạnh của ngành CN với tốc độ tăng trưởng bình quân về giá trị sản xuất đạt  14,5%/năm. Tỷ trọng CN trong cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng nhanh từ 29% năm 1997 lên 40,1% vào năm 2005[vi].

Bước sang giai đoạn 2006 đến 2017, ngành CP của TP Đà Nẵng có nhiều khó khăn, bất lợi bởi nhiều yếu tố như phần trên đã kể, từ đó dẫn đến hệ quả là  tốc độ tăng trưởng CN bị chậm lại, giai đoạn 2006-2016 chỉ đạt 9,5%/năm. Tỷ trọng CN trong cơ cấu GRDP giảm còn 21,7% năm 2016 [vii].

Mặc dù tỷ trọng CN giảm nhưng vẫn đạt một số mặt tích cực như: cơ cấu CN có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành sản xuất sạch, có hàm lượng cao về kỹ thuật- công nghệ và các ngành sản xuất hàng tiêu dùng giá trị kinh tế cao như: điện tử, thiết bị điện, công nghiệp phần cứng, cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, công nghiệp ô tô…; hiệu quả sản xuất CN được cải thiện với tỷ trọng giá trị tăng thêm trong giá trị sản xuất (chỉ số VA/GO) tăng dần; CN hỗ trợ bước đầu hình thành một số sản phẩm có quy mô lớn, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử, bao bì, mút xốp, màng bọc phụ tùng máy móc, các nguyên liệu phục vụ cho ngành may mặc…

Xét về cơ cấu kinh tế theo 3 nhóm ngành thì tỷ trọng nông, lâm, thủy sản đã giảm mạnh đều đặn từ 9,74% năm 1997 xuống còn 3,0% năm 2010, đến năm 2015 còn 3,0% và năm 2017 giảm còn 1,6%; tỷ trọng CN và xây dựng đóng vai trò quan trọng, từ 3,52% năm 1997 tăng nhanh trong thời kỳ đầu, lên 40,3% năm 2010 và chậm lại đạt mức 35,3% năm 2015, đến 2017 là 28,5%; tỷ trọng dịch vụ từ 55,1% năm 1997 tăng lên những năm sau đó, đạt mức 56,7% năm 2010 và 62,6% năm 2015 và 57,9% năm 2017[viii].

Trong khi đó, xét cơ cấu các thành phần kinh tế thì trong thời gian 20 năm (1997-2017), đặc biệt là trong 15 năm từ khi Đà Nẵng triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (2003-2018), thì cơ cấu các thành phần kinh tế của Đà Nẵng có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực kinh tế ngoài Nhà nước và giảm tỷ trọng kinh tế Nhà nước, các loại hình DN tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế TP, tỷ trọng kinh tế Nhà nước giảm từ 51,3% năm 2003 xuống còn 23% ước năm 2018, kinh tế ngoài Nhà nước tăng nhanh và chiếm tỷ trọng cao từ 27,1% năm 2003 lên 53,7% ước năm 2018 do việc cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, môi trường đầu tư thông thoáng với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích khu vực tư nhân phát triển; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng từ 6,6% năm 2003 lên 11,3% ước năm 2018 [ix].

Cùng với sự chuyển dịch tích cực về cơ cấu chung của nền kinh tế TP Đà Nẵng do CN góp phần mang lại thì bản thân ngành kinh tế CN của Đà Nẵng cũng chuyển dịch hợp lý theo xu hướng hiện đại, đó là sự chuyển dịch theo hương tăng tỷ trọng các ngành CN sạch, có hàm lượng cao về kỹ thuật- công nghệ như: điện tử, thiết bị điện, CN công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, có khí chính xác…; các ngành sản xuất hàng tiêu dùng có giá trị gia tăng cao như: ô tô, dược phẩm, bia, sản phẩm giày da cao cấp, bao bì chất lượng cao… Năm 2010, tỷ trọng các ngành này chiếm khoảng 24% trong cơ cấu VA (giá trị gia tăng) ngành CN chế biến, đến năm 2016 chiếm 33%[x].

Cùng với sự chuyển dịch tích cực trên đã kéo theo sự chuyển dịch lao động trong bản thân ngành CN tại TP Đà Nẵng theo hướng phù hợp hơn. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là nhóm ngành thu hút lao động tham gia nhiều nhất trong các lĩnh vực CN của TP. Cụ thể, chỉ tính riêng trong năm 2015 số lao động trong nhóm ngành CN này chiếm đến 87,6% số lao động của toàn ngành CN Đà Nẵng. Đây cũng có thể xem là một sự phân công lao động trong nền kinh tế phát triển theo xu hướng hiện đại mà Đà Nẵng đang tiến hành.

Công viên phần mềm Đà Nẵng.

Công viên phần mềm Đà Nẵng.


 

CÔNG NGHIỆP ĐÓNG VAI TRÒ TÍCH CỰC

Công nghiệp hóa được hiểu là quá trình chuyển dịch từ kinh tế nông nghiệp (hay tiền CN) sang nền kinh tế lấy CN làm chủ đạo, từ chỗ tỷ trọng lao động nông nghiệp chiếm đa số giảm dần và nhường chỗ cho lao động CN chiếm tỷ trọng lớn hơn. Tiêu chí công nghiệp hóa gồm 3 nhóm chỉ tiêu: nhóm chỉ tiêu về phát triển kinh tế, nhóm chỉ tiêu về bảo vệ môi trường và nhóm chỉ tiêu về xã hội. TP Đà Nẵng là một trong những địa phương phát triển nhanh về kinh tế, môi trường được bảo vệ, đời sống xã hội không ngừng được cải thiện.

Theo Cục thống kê thành phố Đà Nẵng, từ năm 2014 trở về trước, giá trị tăng thêm (VA) khu vực CN của thành phố liên tục tăng dần, giai đoạn 2005-2010 bình quân hàng năm tăng trưởng là 5,22%, giai đoạn 2010-2014 là 9,26% và giai đoạn 1976-2014 là 10,65%. Tương ứng với từng giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 11,13%; 9,63% và 10,37% [xi].

Thực tế phát triển của Đà Nẵng từ năm 2010 trở đi, VA ngành CN có tốc độ tăng bình quân cao hơn tốc độ tăng toàn nền kinh tế. Và ngành CN đóng góp lần lượt qua 3 giai đoạn là 4,04 điểm, 2,38 điểm và 2,48 điểm phần trăn vào tăng trưởng VA nền kinh tế thành phố ([xii]). Điều này cho thấy từ năm 2010 trở đi, ngành CN đóng góp càng cao trong sự tăng trưởng kinh tế của TP Đà Nẵng. Trong mức tăng trưởng VA bình quân 10,37% giai đoạn 1976-2014 của toàn nền kinh tế, ngành CN đóng góp 2,48 điểm phần trăm, trong đó ngành khai thác mỏ 0,06 điểm, ngành chế biến 2,11 điểm, ngành phân phối điện nước 0,23 điểm và ngành xử lý  nước rác thải đóng góp 0,07 điểm phần trăm ([xiii]). Như vậy, ngành CN chế biến có vai trò là ngành CN chủ chốt trong nền kinh tế.

Xét từ yếu tố đầu vào của sản xuất, tổng nguồn vốn của các DN trong nền kinh tế TP Đà Nẵng năm 2013 là 192.722 tỷ đồng, gấp 114 lần nguồn vốn năm 1997 khi TP mới chia tách. Trung bình hằng năm tốc độ tăng nguồn vốn của các DN là 34,45% trong giai đoạn 1997-2013. Tính riêng nguồn vốn DN công nghiệp năm 2013 chiếm 31,44% tổng nguồn vốn (đạt 60.589 tỷ đồng), tăng gấp 36 lần nguồn vốn năm 1997. Trong giai đoạn 1997-2013, trung bình mỗi năm nguồn vốn DN công nghiệp tăng 25,1%, tương đương mức tăng hằng năm 2.107 tỷ đồng [xiv].

Số liệu thống kê của Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, tổng tài sản cố định dùng cho sản xuất năm 2013 của Đà Nẵng là 92.556 tỷ đồng, trong đó tài sản cố định của DN công nghiệp là 35.985 tỷ đồng, chiếm 38,88% tổng tài sản cố định của các DN toàn thành phố. Mức tăng trung bình mỗi năm tài sản cố định của DN công nghiệp trong giai đoạn 1997-2013 là 26,41%, tương đương 1.070 tỷ đồng mỗi năm. Sau 16 năm kể từ khi chia tách, tổng tài sản cố định dùng cho sản xuất CN trên địa bàn Đà Nẵng tăng gấp 42,5 lần[xv].

Ngoài ra, đến năm 2017, tại TP Đà Nẵng có 06 KCN với diện tích 970,50ha đã đi vào hoạt động, nằm ở các vị trí thuận lợi, gồm: KCN Hòa Cầm, KCN dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, KCN Đà Nẵng, KCN Liên Chiểu, KCN Hòa Khánh và KCN Hòa Khánh mở rộng. Tại 06 KCN này có 343 DN sản xuất (74 DN có vốn đầu tư nước ngoài), phần lớn là thiết bị điện tử, sản xuất đồ chơi, lắp ráp, dệt may,, sản xuất sắt thép… Ngoài ra, TP còn 01 KCN thông tin tập trung với diện tích 131 ha và 01 Khu công nghệ cao có diện tích 1.010 ha cũng đang được xây dựng và bắt đầu đi vào hoạt động. Cơ sở hạ tầng của các KCN này đã hoàn thiện, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Về sản phẩm đầu ra của CN thành phố Đà Nẵng, nhìn chung là ngày càng có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Năm 1976, từ chỗ sản phẩm thủ công, lạc hậu thì đến nay, CN thành phố Đà Nẵng đã từng bước khẳng định tiềm lực mạnh về một số mặt hàng đặc trung như: thủy hải sản, may mặc, hàng điện tử, công nghiệp công nghệ thông tin… Năm 1976, hàng CN chỉ chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong tổng giá trị sản xuất trên địa bàn là 1,62% thì đến năm 2014, đã chiếm tỷ lệ phần lớn 81,45% trong tổng giá trị xuất khẩu trên địa bàn TP. Giai đoạn 1976-2014 tốc độ tăng bình quân hàng CN là 20,13%. Điều này cho thấy đây nhóm ngành CN thành phố có thế mạnh trên thị trường. Tính về giá trị, giá trị xuất khẩu hàng CN bình quân đầu người năm 2014 là 909,96 USD, tăng 11.447 lần so với năm 1976, gấp 23 lần so với năm 1997 và gần 2 lần so với năm 2010 [xvi].

Trong giai đoạn 2010-2014, tổng giá trị xuất khẩu của TP Đà Nẵng tăng lần lượt năm sau so với năm trước là 24,56%; 22,71%; 17,1%; 10,65%; 11,68%. Bình quân giai đoạn giá trị xuất khẩu của TP Đà Nẵng tăng 15,43%; trong đó hàng CN- tiểu thủ CN chiếm phần lớn, trên 81% giá trị hàng xuất khẩu của TP. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ và hàng CN- tiểu thủ CN, hàng thủy sản chế biến. Từ năm 2009 đến 2014, trung bình mỗi năm xuất khẩu các mặt hàng: hàng thủy sản tăng 19,11%; hàng dệt may tăng 16,23%; hàng CN- tiểu thủ CN (thủ công mỹ nghệ) tăng 28,91% [xvii]. Có thể nói, đây là các mặt hàng thế mạnh của Đà Nẵng.

Về năng suất lao động xã hội, năm 2010 bình quân mỗi lao động ngành CN tạo ra giá trị là 31,98 triệu đồng, đến năm 2013 là 38,66 triệu đồng/người. Điều này cho thấy lực lượng lao động ngành CN của TP Đà Nẵng ngày càng được chuyên môn hóa hơn, làm việc có hiệu quả hơn.

Hướng tới phát triển bền vững, TP Đà Nẵng đang khuyến khích đầu tư mở rộng phát triển sản xuất CN trong điều kiện đảm bảo môi trường. Với những giải pháp thực sự khả thi, đưa các nhà máy, xí nghiệp vào các KCN. Các KCN tại Đà Nẵng đang được từng bước đầu tư theo hướng sinh thái và thân thiện với môi trường. Chủ trương này cũng lý giải cho sự chững lại thu hút vốn dự án đầu tư vào CN và tốc độ tăng trưởng CN thành phố trong giai đoạn 2011-2014.

Để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với đảm bảo môi trường sinh thái, thời gian qua TP Đà Nẵng đã tập trung phát triển sinh thái cho 06 KCN hiện có và Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, đồng thời đề xuất chính sách cải tiến, xây dựng mới hệ thống nước thải công nghiệp của KCN Hòa Cầm và Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng.

Năm 2013, chất lượng môi trường TP tiếp tục được cải thiện. Ngành cấp thoát nước được quan tâm đầu tư, đến nay khả năng cấp nước sạch của toàn TP đạt 210.000 m3/ngày, đêm. Hiện Đà Nẵng có 4 trạm xử lý môi trường với tổng công suất xử lý 100.000m3/ngày, đêm. Các KCN đã cơ bản đảm bảo tiêu chuẩn môi trường trước khi xả thải. Tính đến nay, 5/6 KCN đang hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung đưa vào vận hành với tổng công suất đạt 11.250m3/ngày, đêm. Riêng lượng nước thải từ 300-500m3/ngày tại KCN Hòa Khánh được thu gom, xử lý ngay tại trạm xử lý nước thải tập trung nằm liền kề. Tất cả các KCN trên địa bàn TP hiện cũng đã hoàn thành mạng lưới thu gom, đảm bảo đường ống thu gom đi qua tất cả các DN.

Tỷ lệ thu gom rác tăng dần qua mỗi năm, đến năm 2012 tỷ lệ thu gom đạt 85%. Trung bình mỗi tháng, lượng chất thải được thu gom và xử lý khoảng 400 tấn rác thải, chất thải rắn các doanh nghiệp và hiện vẫn còn một số doanh nghiệp tại KCN chưa đăng ký hợp đồng thu gom rác. Ngoài ra, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt toàn TP đạt 93%, 100% chất thải nguy hại y tế được thu gom và xử lý đạt yêu cầu. Tỷ lệ thu gom phân loại, tái sử dụng, tái chế ước đạt 10%, đã đầu tư 01 nhà máy xử lý rác thải ni-lông và cao su thành nhiên liệu đốt công nghiệp tại bãi rác Khánh Sơn [xviii].

Đà Nẵng đang phấn đấu đến 2002 trở thành “Thành phố môi trường” với các mục tiêu cụ thể: 100% mước thải CN và sinh hoạt được xử lý; 70% chất thải rắn được tái chế; diện tích không gian xanh đô thị đạt 9-10m2/người… [xix]

Các chỉ tiêu cho thấy quá trình phát triển của TP Đà Nẵng hướng đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các chỉ tiêu về kinh tế vẫn hoàn thiện, các chỉ tiêu về môi trường và xã hội đã cơ bản đạt được kết quả khả quan. Đà Nẵng phấn đấu về sớm trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo thế và lực riêng của mình so với các tỉnh, thành và trong khu vực./.

Nguyễn Đình Tăng



[i] UBND TP Đà Nẵng (2016), Đà Nẵng bước tiến 20 năm qua những con số thống kê (1997-2016), tr. 8.

[ii] TS. Lê Hữu Đốc (2004), Công nghiệp thành phố Đà Nẵng thực trạng và giải pháp phát triển, Nxb Chính trị Quốc gia, tr. 129.

[iii] Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16/10/2003 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

[iv] UBND TP Đà Nẵng (2017), Báo cáo chuyên đề rà soát, đánh giá hiệu quả và các giải pháp đầu tư phát triển công nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

[v] UBND TP Đà Nẵng (2017), Báo cáo chuyên đề rà soát, đánh giá hiệu quả và các giải pháp đầu tư phát triển công nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Sđd và Sở Công thương TP Đà Nẵng (2018),  Báo cáo phát triển công nghiệp Đà Nẵng sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị (gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng).

[vi] Nguyễn Thị Hiệp (2017), Giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp Đà Nẵng, Tạp chỉ Công thương, Sở Công thương TP.Đà Nẵng.

[vii] Nguyễn Thị Hiệp (2017), Giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp Đà Nẵng, Tạp chỉ Công thương, Sở Công thương TP.Đà Nẵng, Sđd.

[viii] Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng (2010), Báo cáo khoa học đề tài “Phát triển thương mại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020” và UBND thành phố Đà Nẵng (2018), Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 16/20/2003 của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

[ix] UBND thành phố Đà Nẵng (2018), Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 16/20/2003 của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

[x] UBND TP Đà Nẵng (2017), Báo cáo chuyên đề rà soát, đánh giá hiệu quả và các giải pháp đầu tư phát triển công nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Sđd.

[xi] Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng (2015), Đà Nẵng 40 năm thế và lực mới, Sđd, tr.35.

[xii] Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng (2015), Đà Nẵng 40 năm thế và lực mới, Sđd, tr.35.

[xiii] Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng (2015), Đà Nẵng 40 năm thế và lực mới, Sđd, tr.35.

[xiv] Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng (2015), Đà Nẵng 40 năm thế và lực mới, Sđd, tr.36.

[xv] Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng (2015), Đà Nẵng 40 năm thế và lực mới, Sđd, tr.36.

[xvi] Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng (2015), Đà Nẵng 40 năm thế và lực mới, Sđd, tr.36-37.

[xvii] Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng (2015), Đà Nẵng 40 năm thế và lực mới, Sđd, tr.37.

[xviii] và [xviii]  Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng (2015), Đà Nẵng 40 năm thế và lực mới, Sđd, tr.38.

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất