Thứ Tư, 2/10/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 27/3/2016 9:9'(GMT+7)

Kinh tế quý I/2016: Không nhiều tín hiệu lạc quan

Trong phiên họp trực tuyến Chính phủ tháng 3 tổ chức ngày 26/3, dù có nhiều ý kiến bày tỏ sự lạc quan đối với tình hình phát triển kinh tế-xã hội trong quý I/2016 nhưng thực tế cho thấy vẫn còn không ít những khó khăn trước mắt. Tăng trưởng GDP, tốc độ tăng khu vực công nghiệp chậm lại và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,23% do thiên tai, rét hại, băng giá, hạn hán, xâm nhập mặn…Trước bối cảnh như vậy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo tập trung khai thác vào những lĩnh vực đang gặp thuận lợi để phát triển mạnh hơn, đồng thời khắc phục hạn chế những khó khăn trước mắt cũng như trong dài hạn. 

*Tăng trưởng kinh tế đạt thấp 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, tốc độ tăng GDP Quý I/2016 ước đạt 5,46% (cùng kỳ năm trước tăng 6,12%), trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,23%; khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 6,72%; dịch vụ tăng 6,13%. 

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, tăng trưởng GDP Quý I/2016 tăng thấp hơn cùng kỳ chủ yếu do sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do rét hại và băng giá tại các tỉnh phía Bắc; hạn hán và xâm nhập mặn trên diện rộng tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên làm giảm giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Cụ thể, sản lượng lúa cả nước giảm khoảng 700 ngàn tấn. Năng suất lúa Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 67,2 tạ/ha, giảm 4 tạ/ha. 

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng tăng thấp so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do ngành khai khoáng giảm gần 1,2%; trong đó chủ yếu do sản lượng dầu thô khai thác giảm mạnh vì giá dầu xuống thấp, phải hạn chế sản lượng khai thác, đóng cửa một số mỏ. Đơn cử sản lượng khai thác dầu thô Quý I/2016 chỉ vào khoảng 4 triệu tấn, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá dầu xuất khẩu giảm khoảng 41,1% so với cùng kỳ năm trước. 

Đánh giá về giá cả thị trường, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, trong Quý I tương đối ổn định; không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá ngay cả trong dịp Tết Nguyên đán. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0,57% so với tháng trước và tăng 0,99% so với tháng 12/2015. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3 tăng 1,69%; bình quân 3 tháng đầu năm tăng 1,25%. Lạm phát cơ bản bình quân 3 tháng đầu năm tăng 1,76% so với cùng kỳ năm trước. 

Tổng kim ngạch xuất khẩu Quý I ước đạt trên 37,88 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2015. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, mức tăng này thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,9% của cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu giảm lại tập trung vào nhóm thiết bị máy móc, nguyên vật liệu... sẽ tác động xấu đến hoạt động đầu tư và sản xuất trong nước. 

“Với tình hình của quý 1 như trên, nếu không có nhiều giải pháp tổng thể để giải quyết những bất cập thì sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2016 như Quốc hội đề ra”, Bộ trưởng Vinh nói. 

*Khai thác những mặt lợi thế 

Dự báo trong thời gian tới, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), khả năng phục hồi kinh tế thế giới vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Thêm vào đó, giá dầu thô trung bình trong tháng 3 duy trì mức thấp, chỉ dao động quanh ngưỡng 41,3 USD/thùng và còn diễn biến khó lường trong thời gian tới, tất cả điều này sẽ tác động ngược trở lại đối với kinh tế trong nước. 

Trước những khó khăn thách thức như vậy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương dựa trên tinh thần phát huy những thuận lợi, tập trung khai thác để phát triển mạnh hơn nữa đồng thời khắc phục những hạn chế yếu kém. 

“Nông nghiệp do thiên tai tác động tới trồng trọt nhưng chăn nuôi, thủy sản vẫn tăng thì cần phát huy. Điều kiện ngập mặn như thế thì chuyển sang nuôi tôm hiện đang có giá và cho thu nhập gấp 20 lần lúa. Đồng thời khuyến khích phát triển chăn nuôi. Các bộ ngành cần theo sát tình hình từng lĩnh vực để đề ra chính sách ứng phó hiệu quả nhất”, Thủ tướng nói. 

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cần tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nhất là phải có các giải pháp cụ thể phát triển ngành khai khoáng; trong đó có khai thác dầu thô. Song song với đó, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm tăng thu ngân sách nhà nước, kiểm soát chặt chẽ chi tiêu, triệt để tiết kiệm, tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế. 

Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng, thiên tai ngày càng cực đoan nên cần xác định phải chung sống với biến đổi khí hậu. 
“Trước mắt, tập trung không để thiếu nước cho dân, không để người dân bị đói do mất mùa. Chuyển dịch mùa vụ phù hợp từng vùng, chống xâm nhập mặn, có quy hoạch, kế hoạch cụ thể. Đề nghị Bộ Tài chính tính toán để có kinh phí đầu tư trung và dài hạn cho các công trình này”, Thủ tướng nói. 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, sẽ điều chỉnh thời vụ quyết liệt ở Đồng bằng sông Cửu Long, sản xuất tốt vụ Hè Thu để đảm bảo bù đắp lại những thiệt hại cho vụ Đông Xuân. Cùng với đó, chống hạn cho cây lâu năm tại các tỉnh Tây Nguyên. 
“Chống hạn giờ chỉ tập trung nghiên cứu tới các giải pháp sinh học chứ hiện nước không còn mà tưới nữa vì các hồ đập đều đã cạn kiệt”, Bộ trưởng nói. 

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng thông báo việc xả nước sông Mê Kông từ phía Trung Quốc và Lào đến đầu tháng 4 thì nguồn nước này sẽ về tới Việt Nam nhưng cũng chỉ có thể giúp được một số địa phương như Cần Thơ, Bến Tre, Sóc Trăng và một phần Hậu Giang có thể đẩy lui được nước mặn ra xa 20 km. Còn một số tỉnh như Cà Mau thì nguồn nước này cũng không giúp được. 

Hiện có hơn 1 triệu người đang bị thiếu nước. Trước thực tế này, Bộ trưởng Cao Đức Phát kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt hỗ trợ cho các tỉnh hạn, mặn để thực hiện các biện pháp bổ sung là xây đập, xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt cho nhân dân. Số tiền cần hỗ trợ là 538 tỷ đồng, các địa phương cũng đề nghị hỗ trợ 10.000 tấn gạo cho những vùng bị thiệt hại do thiên tai, không có thu hoạch./. 

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất