Nhìn lại hoạt động VHNT của tỉnh Kon Tum những năm qua, có thể tự hào về những kết quả đạt được. Đó là sự phát triển của đội ngũ, từ 76 hội viên ở cuối nhiệm kỳ III (2001-2005) lên 92 hội viên thuộc 6 chuyên ngành, 2 chi hội cơ sở và 1 câu lạc bộ vào năm 2010; và hiện nay là 108 hội viên, trong đó có 50 hội viên là đảng viên. Số hội viên được kết nạp vào các Hội chuyên ngành ở Trung ương tăng lên, nâng tổng số lên 34 hội viên.
Đội ngũ văn nghệ sĩ của các chuyên ngành như: Văn học, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Âm nhạc-múa-biểu diễn, Văn nghệ dân gian và VHNT các DTTS, nhất là Tạp chí Văn nghệ Kon Tum… đã luôn gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, ngày càng có nhiều tác phẩm VHNT hay, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh khá toàn diện sự phát triển của tỉnh, của đất nước và con người Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phần thưởng xứng đáng và cao quý nhất xã hội dành cho các văn nghệ sĩ tỉnh nhà là các tác phẩm của họ đã được đông đảo nhân dân, độc giả đón nhận, tìm hiểu. Trong đó, một số tác phẩm đã đạt giải thưởng cao trong các triển lãm khu vực và quốc tế, như: Văn học (tác giả Nguyễn Toàn); Mỹ Thuật (Viết Huy); Nhiếp ảnh (Thế Đức) và các công trình văn hóa dân gian của cố nhạc sỹ Phạm Cao Đạt. Cuộc phát động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật với chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã có tác động sâu sắc đến phong cách sống, sáng tác và công hiến của các văn nghệ sỹ, qua 4 đợt phát động, sơ kết và trao giải cho 34 tác phẩm của 17 tác giả, một số tác phẩm đạt giải cao cấp Trung ương.
Năm 2013 khép lại mang theo dấu ấn văn nghệ Kon Tum khá đậm đà với 100 ca khúc về Kon Tum; 11 tác phẩm được tài trợ sáng tác và xuất bản; 121 tác phẩm (của 25 tác giả trong cuộc thi thơ); 87 tác phẩm (của 15 tác giả) đã ra đời từ các trại sáng tác và 2 tác giả tiêu biểu được giới thiệu tác phẩm tại triển lãm nghệ thuật “Art Line 2013”. Tại Liên hoan âm nhạc khu vực phía Nam năm 2013, Kon Tum đạt 1 giải A (nghệ sĩ A Đũh); Giải B (nhạc sĩ Kim Hưng); tham gia triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên tại Phú yên, có 9 tác phẩm được chọn; Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên tại Đà Nẵng, có 12 tác phẩm được chọn. Một số hội viên đã khẳng định chỗ đứng của mình trên văn đàn cả nước. Thành quả trên là minh chứng sống động cho sự tận tụy cống hiến của văn nghệ sỹ Kon Tum và ngày càng gắn bó hơn, say mê hơn trong lao động sáng tạo nhiều tác phẩm mới về Kon Tum.
Năm 2014 mở ra nhiều hứa hẹn cho văn học, nghệ thuật Kon Tum phát triển. Tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc” tiếp tục được đề cao. Tất cả đội ngũ những người làm công tác tư tưởng, văn hóa, trong đó, những người nhiệt huyết với văn học, nghệ thuật càng thấm thía hơn và xác định rõ ràng con đường đi tới vinh quang còn không ít khó khăn... Để làm nên những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, mỗi văn nghệ sĩ phải thực sự là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có cách nhìn đúng đắn, khách quan, phân biệt được rõ đúng, sai, thiện, ác; nhận ra cái mới để phát triển và gạt bỏ đi những cái gì cũ kỹ, lạc hậu, khắc phục sự bảo thủ, cứng nhắc, thụ động trong sáng tạo nghệ thuật. Mỗi văn nghệ sỹ coi việc sáng tạo ra những tác phẩm tiêu biểu ở nhiều thể loại về con người và mảnh đất Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng vừa là trách nhiệm vừa là tình cảm sâu nặng của mình đối với vùng đất và con người quê hương, xứ sở. Từ tình cảm đó, mà hoà mình vào cuộc sống, để nó thực sự là vũ khí sắc bén tạo nên nét đặc sắc riêng của Kon Tum, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chống lại các luận điệu xuyên tạc sai trái của các thế lực thù địch đang phá hoại sự nghiệp cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm mất giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của các dân tộc.
Để hoạt động VHNT phát triển, các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Kon Tum phải có sự đổi mới, chủ động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn để xây dựng tinh thần sáng tạo trong hội viên. Trước hết, tập hợp lực lượng, đoàn kết hội viên, phát hiện, bồi dưỡng tài năng, năng khiếu VHNT và Ban chấp hành Hội thực sự là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của đội ngũ văn nghệ sĩ, cầu nối giữa đội ngũ văn nghệ sĩ với Đảng và Nhà nước. Hội VHNT tích cực, chủ động theo sát hoạt động văn học nghệ thuật trên địa bàn tỉnh để nghiên cứu, tập hợp các ý kiến, đề xuất những cơ chế, chính sách cho phù hợp với đặc thù của Hội; tìm những giải pháp thích hợp nhằm tham mưu chính quyền có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ, đãi ngộ tài năng, đặc biệt là tài năng trẻ, năng khiếu là người dân tộc thiểu số; động viên, cổ vũ văn nghệ sĩ tạo ra nhiều sản phẩm VHNT có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, gắn bó với Kon Tum, Tây nguyên, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, cần tăng cường tổ chức nâng cao chất lượng hoạt động của Tạp chí Văn nghệ Kon Tum, tạo thêm hướng mở làm phong phú thêm mảnh đất sáng tạo nâng bước cho nhiều tác phẩm của các văn nghệ sỹ tỉnh nhà toả sáng, để thời gian tới, các văn nghê sỹ Kon Tum ngày càng vững bước trên con đường VHNT, bằng chính tác phẩm của mình, bằng chính trách nhiệm và tình cảm sâu nặng đối với vùng đất và con người nơi đây.
Quang Tuấn