Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4, sáng 26/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá và dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Theo Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển
số ôtô thông qua đấu giá, biển số đưa ra đấu giá là biển số ôtô chưa
đăng ký.
Bộ Công an dự kiến cấp mới cho xe ôtô của các doanh nghiệp, tổ chức,
cá nhân (nền màu trắng, chữ và số màu đen), được đăng công khai trên
Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, Cổng thông tin điện
tử Bộ Công an, Trang thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công
an), trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài
sản và trên các phương tiện thông tin đại chúng trước 30 ngày tổ chức
đấu giá.
Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu được lựa chọn biển số của
tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên toàn quốc để đăng
ký tham gia đấu giá (kể cả biển số của các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương không phải là nơi đăng ký thường trú, đặt trụ sở của người
tham gia đấu giá).
Biển số không được lựa chọn để đấu giá, biển số qua cuộc đấu giá
không thành sẽ chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe để đăng ký theo
quy định của Bộ Công an.
Đáng chú ý là sẽ được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng
đấu giá theo xe theo quy định; không được giữ lại biển số trúng đấu giá
để đăng ký cho xe khác.
Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát
triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk quy định: Tỉnh được vay
thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các nguồn
tài chính khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay
về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu
ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Phần dư nợ tăng thêm so với quy
định của Luật Ngân sách nhà nước được dành toàn bộ để đầu tư các dự án
trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.
Ngoài ra, dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột thuộc các
lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản; du lịch văn hóa, du lịch cộng
đồng, du lịch sinh thái; y tế, giáo dục và đào tạo (trừ các dự án được
hưởng ưu đãi đầu tư theo các chính sách xã hội hóa); sản xuất các sản
phẩm tiết kiệm năng lượng, các sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp năng
lượng tái tạo; đầu tư kinh doanh trung tâm logistics, cảng cạn, kho hàng
hóa được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian
15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế thu
nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm
tra dự án Luật Phòng thủ dân sự; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý
dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến
khác nhau của dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Dự án
Luật đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 3.
Theo văn bản số 1382/TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ
Quốc hội về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại
phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội
lưu ý việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật tiếp tục phải bảo
đảm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách được thể hiện trong
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết của Đảng về xây dựng
gia đình trong tình hình mới, tiếp tục bám sát phương pháp tiếp cận
quyền con người, bảo đảm quyền con người; đáp ứng yêu cầu phát sinh
trong thực tiễn và khắc phục những bất cập trong các quy định của Luật
Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành, bảo đảm tính khả thi đối với
đối tượng là người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ
sung vào dự thảo Luật các loại hành vi bạo lực gia đình, tránh bỏ sót
hành vi vi phạm, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi bạo lực gia đình
được đánh giá là diễn biến nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi,
phức tạp./.
TTXVN