Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời câu hỏi của báo chí về việc Quốc hội tiến hành miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi nhiệm kỳ chưa kết thúc.
Chiều 18/10, tại Nhà Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc sáng 21/10/2019 và dự kiến họp phiên bế mạc vào ngày 27/11/2019.
Tại kỳ họp này, theo thông lệ của chương trình nghị sự kỳ họp cuối năm, Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (17 ngày, chiếm hơn 60% tổng thời gian của kỳ họp).
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác (11 ngày, trong đó có 3 ngày dành cho hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội).
Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức...
Quốc hội cũng xem xét, thông qua Nghị quyết về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (theo quy trình tại một kỳ họp) và một số Nghị quyết khác; xem xét, quyết định việc miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước (đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp).
Ngoài ra, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ cho ý kiến các dự án Luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)...
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 (trong đó có nội dung về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho 3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Trà Vinh và vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ireland cho các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135; Xem xét Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; xem xét, quyết định Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; xem xét, quyết định việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015...
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019. Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; Chính phủ báo cáo về công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2019.
Về hoạt động giám sát tối cao, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”. Quốc hội sẽ dành thời gian 3 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; Xem xét, quyết định công tác nhân sự; Xem xét, thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp.
Ứng dụng triệt để công nghệ thông tin
Tại họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và đại diện một số cơ quan của Quốc hội đã trả lời một số vấn đề mà báo chí quan tâm.
Trả lời câu hỏi của báo chí vì sao Quốc hội tiến hành miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi nhiệm kỳ chưa kết thúc, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến tuổi nghỉ hưu. Đồng thời, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã có quyết định bổ nhiệm làm Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương. Đây cũng là một công việc rất quan trọng liên quan bảo vệ sức khoẻ của cán bộ cấp cao.
Liên quan đến việc Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Chính phủ gửi báo cáo đến Quốc hội để thẩm tra Luật Thủ đô, trong đó riêng về vấn đề môi trường có dùng số liệu từ năm 2005, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết theo quy định của Luật Thủ đô, ba năm một lần, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội về việc thi hành Luật Thủ đô. Đây là lần thứ hai Chính phủ báo cáo Quốc hội về vấn đề này.
Theo quy định, trước khi tài liệu gửi đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét có đủ điều kiện hay chưa. Trước khi trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra sơ bộ đối với báo cáo này.
Dựa trên ý kiến Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 36, Bộ Tư pháp sẽ giúp Chính phủ chỉnh lý báo cáo.
"Hiện nay, báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng ký chưa chính thức gửi tới Quốc hội mà đó là báo cáo của tháng 7 được trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 36," ông Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cũng bày tỏ quan điểm cá nhân: Cơ quan nào báo cáo phải chịu trách nhiệm về tính trung thực không chỉ của số liệu mà còn cả với các thông tin đưa ra trong báo cáo.
Qua xem xét báo cáo, Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri và báo chí sẽ xác minh tính chính xác của các số liệu. Thực tế, chính báo chí đã phát hiện báo cáo được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 36 lấy số liệu từ năm 2005. Điều này cho thấy, báo chí là kênh giám sát quan trọng về tính trung thực của các thông tin, số liệu được đưa vào báo cáo trình ra Quốc hội.
Đối với vấn đề áp dụng công nghệ thông tin tại Kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Kỳ họp thứ 7 Quốc hội mới tiến hành thí điểm, Kỳ họp thứ 8 sẽ tiến hành chính thức việc này và Quốc hội sẽ sử dụng triệt để công nghệ thông tin trong hoạt động của mình. Mỗi đại biểu sẽ được phát một iPad đã được cài sẵn phần mềm nên rất thuận tiện trong việc xem tài liệu.
Rút kinh nghiệm từ kỳ họp trước, phần mềm này đã được nâng cấp, hoàn chỉnh hơn đặc biệt trong việc cung cấp tài liệu tham khảo, trao đổi giữa các đại biểu...
"Việc này đem lại hiệu quả rõ rệt, không còn cảnh một chồng tài liệu "quá đầu” đại biểu mà chỉ cần một chiếc Ipad nhỏ gọn. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn tiết kiệm rất nhiều thời gian," Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh./.
TTX