Thứ Bảy, 12/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 21/10/2011 20:3'(GMT+7)

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật lưu trữ và Luật đo lường

Cân nhắc kỹ việc tổ chức lưu trữ lịch sử ở 2 cấp

Về dự thảo Luật lưu trữ, các đại biểu cơ bản đồng tình với những tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung của cơ quan soạn thảo trong quá trình hoàn thiện. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật tiếp tục quy định về Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam bao gồm Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam.

Quy định Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam chỉ nhằm phân biệt nơi nộp lưu và bảo quản tài liệu lưu trữ lịch sử của các cơ quan, tổ chức nhưng về nghiệp vụ lưu trữ và việc quản lý về lưu trữ được thực hiện theo một cơ chế quản lý thống nhất về lưu trữ. Về vấn đề này, đại biểu Trần Hồng Thắm (TP Cần Thơ) cho rằng, hai phông lưu trữ được lưu giữ một nơi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thiện cơ sở vật chất, phòng ngừa thất thoát tài liệu, bộ máy quản lý tài liệu được tinh gọn. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần có những qui định chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo tính bảo mật thông tin đối với phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng, không nên phân chia và nhấn mạnh lưu trữ của Đảng Cộng sản Việt Nam bên cạnh phông lưu trữ của Nhà nước Việt Nam mà chỉ coi lưu trữ của Đảng Cộng sản Việt Nam như lưu trữ của các ngành đặc biệt như quân đội nhân dân và công an nhân dân.

Về tổ chức lưu trữ lịch sử, nhiều ý kiến đề nghị tổ chức lưu trữ lịch sử ở 3 cấp (Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện) như quy định hiện hành. Theo UBTVQH, quy định chỉ tổ chức lưu trữ lịch sử 2 cấp (Trung ương và cấp tỉnh) là phù hợp, sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho tập trung nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, hiện đại hóa kho tàng, trang thiết bị làm việc để bảo quản an toàn và tổ chức sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ đồng thời đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian, góp phần thực hiện cải cách hành chính. Đồng tình với giải trình của UBTVQH, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng, cần nghiên cứu thêm quy định về việc sắp xếp và chuyển giao lưu trữ tại cấp huyện, cấp tỉnh, tránh tình trạng khi luật có hiệu lực thi hành nhưng chuyển giao thực hiện không kịp thời, gây ra tình trạng thất thoát và hư hỏng tài liệu lịch sử cũng như không giải quyết tốt các vấn đề về việc làm, tài sản...đang được quản lý ở cấp huyện.

Đại biểu Trần Hồng Thắm cho rằng, tổ chức lưu trữ ở 2 cấp là chưa phù hợp, vì chưa đảm bảo tính dự báo, tính bền vững của Luật, trong thời gian ngắn sẽ quá tải, phát sinh nhiều bất cập mới. Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) đề nghị cần cân nhắc kỹ, đánh giá đúng những ưu điểm và hạn chế, không thể dễ dàng bỏ lưu trữ ở cấp huyện vì thực tiễn tài liệu lưu trữ ở cấp này rất phong phú và đa dạng. Lưu trữ lịch sử cấp huyện sẽ tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận để khai thác, nhất là người dân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cũng cho rằng, nguồn nộp lưu tại lưu trữ cấp huyện khá nhiều và khác nhau, nếu đưa lên cấp tỉnh sẽ quá tải, trong khi lợi ích của công tác lưu trữ là phục vụ cho sử dụng, nếu cấp huyện có lưu trữ sẽ giúp ích rất nhiều cho công tác nghiên cứu. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đồng tình: Mức độ lưu trữ ở huyện cũng không phải là ít, nhu cầu cung cấp để khai thác cũng nhiều, nếu chỉ lưu trữ cấp tỉnh sẽ tỉnh quá tải, mặt khác, có rất nhiều tài liệu cần lưu trữ ở huyện. Nếu chỉ tính đến đầu tư, giảm biên chế mà không tính đến lượng người bỏ công về tỉnh để khai thác cũng chưa phù hợp. Đại biểu đề nghị cần có lưu trữ ở cấp huyện để tiện lợi cho việc khai thác, tăng thêm lưu trữ, giảm bớt phiền hà cho những người cần khai thác. Tuy nhiên, theo đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai), không nên thành lập cơ quan lưu trữ ở cấp huyện mà nên quy về cấp tỉnh để cái nhìn tổng quát hơn, vừa bảo đảm yếu tố hạn chế bộ máy công chức cồng kềnh đồng thời phát huy vai trò chủ yếu của cấp huyện là phục vụ vấn đề đời sống phát triển đương đại.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Luật có 45 điều nhưng có tới 15 điều giao cho Chính phủ và Bộ Nội vụ quy định chi tiết, sẽ phải mất thời gian khá dài mới đi vào được cuộc sống. Để khắc phục tình trạng luật khung, luật ống, cần quy định chi tiết ngay trong luật nhiều quy định.

Cần nâng mức xử phạt đối với hành vi gian lận đo lường

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đo lường của UBTVQH cho thấy, dự thảo đã bổ sung nhiều nội dung quy định nhằm đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động đo lường như: điều kiện hoạt động của tổ chức được chỉ định giữ chuẩn quốc gia, không phân biệt đơn vị sự nghiệp công lập hay tổ chức tư nhân; điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về đo lường...

Về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đo lường, theo UBTVQH, có 52/64 báo cáo tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội cho rằng mức xử phạt các hành vi gian lận còn nhẹ, cần nâng cao hơn nữa; có ý kiến đề nghị nâng mức xử phạt lên 20-50 lần số tiền thu lợi bất chính; chế tài xử phạt nghiêm minh. Tiếp thu các ý kiến này, dự thảo quy định mức phạt sẽ được thực hiện theo pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp đã áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn thấp hơn số tiền thu lợi bất chính trong suốt quá trình vi phạm sẽ áp dụng mức phạt từ 1-5 lần số tiền đó.

Tuy nhiên, theo đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng), để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, không nên quy định chi phí trong Luật này mà chỉ quy định nguyên tắc về việc thu phí, lệ phí cho hoạt động đo lường như đã thể hiện ở Điều 26. Đại biểu đề nghị bỏ Khoản 5, Khoản 6, Điều 52 về xử lý vi phạm, pháp luật về đo lường, đồng thời sửa đổi, bổ sung Khoản 4 qui định về hình thức mức phạt tiền thẩm quyền xử phạt các hành vi và vi phạm pháp luật đo lường theo qui định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cũng cho rằng quy định về mức phạt như trong dự thảo không đảm bảo được tính thống nhất pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành. Việc quy định các mức xử phạt, tiền phải được xem xét nhiều mặt, kể cả về lý luận cũng như thực tiễn để phù hợp với điều kiện phát triển về kinh tế xã hội và thu nhập của người dân. Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đồng tình: Quy định như dự thảo rất chung chung, khó thực hiện và không thống nhất trong việc thực thi trách nhiệm giữa các nơi và các tỉnh. Đại biểu đề nghị, trường hợp vượt mức phạt cao nhất nên quy định cụ thể hơn; tùy trường hợp tính chất, mức độ vi phạm có thể truy cứu hình sự đối với những trường hợp vi phạm gây ra hậu quả nghiêm trọng. Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), cần quy định rõ nguyên tắc xử lý vi phạm pháp luật về đo lường trong nhiều lĩnh vực khác bởi hiện nay mức xử phạt vi phạm hành chính là quá nhẹ dẫn đến đối tượng sẵn sàng vi phạm và nộp phạt để thu lợi nhiều hơn. Những vi phạm trong lĩnh vực đo lường có thể thu lợi bất chính hàng triệu thậm chí hàng chục triệu đồng nhưng chỉ bị phạt vi phạm hành chính với mức vài trăm ngàn đồng, như vậy việc xử phạt không có tác dụng. Đại biểu đề nghị quy định trong luật nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính đối với những vi phạm về đo lường phải cao hơn số lợi bất chính thu được từ vi phạm, mức cụ thể do Chính phủ quy định. Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP Hồ Chí Minh) lại cho rằng, cần nâng mức xử phạt đối với hành vi gian lận đo lường để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, có thể xử phạt gấp 20 - 30 lần số tiền thu lợi bất chính. Ngoài xử phạt cần đình chỉ hoạt động đối với cơ sở cố tình vi phạm pháp luật về đo lường./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất