Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Chủ Nhật, 19/5/2019 5:48'(GMT+7)

Kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Vương quốc Anh, Ấn Độ

Tọa đàm Kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ấn Độ. (Ảnh: Vietnam+)

Tọa đàm Kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ấn Độ. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 18/5, đông đảo cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, các cơ quan đại diện Việt Nam, học sinh, sinh viên cùng đại diện bà con Việt kiều tại Anh đã tham dự lễ kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2019) và 108 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước (1911-2019) tại Biển tưởng niệm Bác Hồ, Tòa nhà New Zealand trên phố Haymarket ở thủ đô London.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh Trần Ngọc An đã thay mặt cộng đồng Việt Nam tại Xứ sở sương mù bày tỏ lòng thành kính và biết ơn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã khai sinh nước Việt Nam hiện đại.

Đại sứ Trần Ngọc An cũng ôn lại các dấu mốc trên con đường đi tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành, trong đó có 4 năm (1913-1917), Người sinh sống và làm việc ở Anh.

Tại Anh, Người đã phải làm rất nhiều việc nặng nề như cào tuyết trong trường học, điều khiển hệ thống nước nóng rồi phụ bếp trong khác sạn nhỏ Drayton Court, rửa bát đĩa trong khách sạn danh tiếng Carlton ở London.

Đại sứ Trần Ngọc An nhấn mạnh rằng tuy thời gian ở Anh không phải là dài trong quá trình 30 năm đi tìm đường cứu nước, nhưng chính tại Anh, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lần đầu tiên đọc các tác phẩm của Mark và Engels, qua đó giúp Người định hình tư tưởng chính trị và tìm ra con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.

Thay mặt bà con Việt kiều và sinh viên Việt Nam, ông Vương Bá Chung, Ủy viên Ban chấp hành Hội người Việt và chị Nguyễn Bảo Châu, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Anh cũng có phát biểu bày tỏ xúc động khi được tham dự kỷ niệm sinh nhật Bác tại một địa điểm lịch sử gắn liền với cuộc đời hoạt động của Người.

Đại diện Việt kiều và sinh viên Việt Nam tại Anh cũng chia sẻ quyết tâm học tập noi gương Bác Hồ, và phương hướng hành động trong thời gian tới theo tinh thần luôn đoàn kết, hướng về Tổ quốc, có đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đất nước và quan hệ Việt Nam-Anh.

Tòa nhà New Zealand, được xây dựng trên nền của khách sạn Carlton, nơi Bác Hồ từng làm việc trong thời gian ở Anh, là một địa chỉ quen thuộc với những người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế có dịp đến London để tìm hiểu về một chặng đường trong hành trình dài bôn ba tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bên hông tòa nhà hiện gắn một tấm biển xanh đặc trưng của nước Anh chuyên để vinh danh các di tích từng lưu dấu ấn của các danh nhân văn hóa và nhân vật lịch sử, trên đó ghi lại tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh và thời gian Người làm việc tại đây.

Dưới tầng hầm của tòa nhà cũng vẫn lưu giữ căn phòng nơi Bác Hồ từng làm phụ bếp tại khách sạn Carlton.

* Chiều 17/5 tại Viện Khoa học Xã hội Ấn Độ (ISS), Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam thuộc ISS đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ trang trọng tổ chức chương trình Kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2019), người bạn lớn của Ấn Độ.

Sự kiện mang ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hai nước đang gia tăng hợp tác trong những năm qua.

Chương trình kỷ niệm lồng ghép các hoạt động bao gồm tọa đàm về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những cống hiến của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Việt Nam cũng như thế giới; các hoạt động trưng bày sách, ảnh và khai trương Góc Hồ Chí Minh tại Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam.

Tham dự sự kiện có bà Preeti Saran, cựu Bí thư Phương Đông, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam; Đại sứ Lào tại Ấn Độ Bouneme Chouanhom; tiến sỹ George Mathew, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Ấn Độ; Tiến sỹ Rajaram Panda, nghiên cứu viên cao cấp của Hạ viện Ấn Độ cùng đông đảo các học giả và cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ấn Độ.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh sự kiện này mang ý nghĩa to lớn để tôn vinh và để bạn bè quốc tế hiểu sâu hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa thuộc Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất;” góp phần khắc sâu và thực hiện hiệu quả tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tiến sỹ Sonu Trivedi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, nhận định mối liên kết về lịch sử và triết lý Phật giáo cũng như những sự hợp tác giữa hai nước trong nhiều năm qua đã đưa Ấn Độ và Việt Nam xích lại gần và gắn bó với nhau. Bà nêu bật vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, truyền cảm hứng cho không chỉ dân tộc Việt Nam mà cả toàn thế giới trong công cuộc chống các lực lượng đế quốc và giải phóng dân tộc.

Ky niem 129 nam ngay sinh Chu tich Ho Chi Minh tai An Do hinh anh 2 Cắt băng khánh thành Góc Hồ Chí Minh tại Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam. (Ảnh: Vietnam+)

Cũng tại buổi tọa đàm, các diễn giả đánh giá cao những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, cũng như vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru trong việc đặt nền móng cho quan hệ hai nước.

Nhân dịp này, Đại sứ Phạm Sanh Châu trao tặng Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru được chụp cách đây hơn 60 năm nhân dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Ấn Độ vào năm 1958.

Sau chương trình tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ cùng các quan khách đã cắt băng khánh thành Góc Hồ Chí Minh tại Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất