Thứ Sáu, 22/11/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Năm, 30/7/2020 10:33'(GMT+7)

Kỷ niệm sâu sắc với cơ quan ngôn luận của Ban Tuyên giáo Trung ương

Đồng chí Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trao Giấy khen  của Tạp chí Tuyên giáo tặng các cộng tác viên có nhiều tin, bài cộng tác với Tạp chí năm 2015 (tại Hội nghị Cộng tác viên Tạp chí Tuyên giáo các tỉnh, thành phố phía Bắc năm 2016).

Đồng chí Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trao Giấy khen của Tạp chí Tuyên giáo tặng các cộng tác viên có nhiều tin, bài cộng tác với Tạp chí năm 2015 (tại Hội nghị Cộng tác viên Tạp chí Tuyên giáo các tỉnh, thành phố phía Bắc năm 2016).

Trong cuộc sống của mỗi con người còn có gì đẹp đẽ hơn những năm tháng từ tuổi thanh xuân đến thời điểm đã cống hiến trọn vẹn chặng đường dài công tác của mình. Có những kỷ niệm chẳng bao giờ mất đi, nhiều khi thức dậy xốn xang và mỗi người sẽ tự nhủ mang theo nó đi suốt cả đường đời. Đối với tôi, những năm tháng đáng ghi nhớ nhất là 23 năm công tác ở các Ban Đảng Trung ương. Năm 1994, sau khi bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Văn học ở Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Mát-xcơ-va mang tên M. Lô-mô-nô-xốp, Liên bang Nga trở về nước, tôi được về công tác tại Ban Khoa giáo Trung ương. Đầu năm 1996, do nhu cầu về cán bộ, tôi về Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương Đoàn công tác và cuối năm 1997 về công tác tại Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương. Đến năm 2006, theo Quyết định của Bộ Chính trị khóa X, hai Ban hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương. Như vậy, trong 40 năm công tác thì tôi có 23 năm trực tiếp công tác tuyên giáo ở các Ban Đảng Trung ương, không kể hai năm về công tác ở Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Đoàn. Khi về Ban Tuyên giáo Trung ương công tác, tôi là chuyên viên trẻ nhất vì các Ban Đảng khi đó chưa tuyển sinh viên mới tốt nghiệp vào. Có thể nói 23 năm ở các Ban Đảng làm công tác Tuyên giáo là một đoạn dài trên cả chặng đường công tác với ăm ắp các kỷ niệm. Trong bài viết ngắn này, tôi chỉ xin nêu lại mấy kỷ niệm gắn bó với Tạp chí Tuyên giáo - cơ quan ngôn luận của Ban Tuyên giáo Trung ương.

1. Hàng năm, mỗi khi những nụ đào Nhật Tân bung vỏ trấu, đón chào mùa Xuân mới đang về, tôi cũng như các đồng chí Lãnh đạo và nguyên Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo các vụ, đơn vị trong Ban, các đồng chí lãnh đạo Tạp chí qua các thời kỳ và cán bộ, nhân viên Tạp chí lại vui mừng, xúc động tham dự buổi gặp mặt tất niên của “đại gia đình” Tạp chí Tuyên giáo tại ngôi nhà số 49 phố Phan Đình Phùng. Buổi gặp mặt thân tình năm nào cũng thật đầm ấm, đầy ắp kỷ niệm. Còn nhớ Tết Ất Mùi, năm 2015, buổi gặp mặt tất niên có các bác Hà Đăng, Hữu Thọ, những nhà báo lão thành và nhiều bác, nhiều anh, chị các thế hệ của Tạp chí. Nghe Nhà báo Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập bộc bạch về kết quả hoạt động của Tạp chí, chúng tôi mừng lắm. Nhưng kỷ niệm mà tôi nhớ mãi là ấn tượng từ cách nói của bác Hữu Thọ: “Tạp chí có uy tín, có vị trí, giữ được bạn đọc là sự nỗ lực của cán bộ, phóng viên và cộng tác viên. Song, nếu không có sự quan tâm chỉ đạo và đặc biệt là trực tiếp viết bài định hướng thông tin của các đồng chí lãnh đạo Ban thì Tạp chí rất khó phát triển”. Tôi cứ suy nghĩ mãi và thấy mình phải cố gắng viết bài nhiều hơn nữa.

Buổi gặp mặt thân tình của Tạp chí Tuyên giáo đầu Xuân năm 2016 dường như lắng lại vì sự vắng bóng của Nhà báo lão thành Hữu Thọ, thiếu đi những lời căn dặn tâm huyết của Nhà báo dành cho Tạp chí Tuyên giáo mỗi độ Xuân về. Ông ra đi để lại những tình cảm tiếc thương vô hạn đối với một người lãnh đạo có tầm chiến lược, có tư duy sắc sảo và gần gũi; một con người; một nhân cách mà chúng tôi vô cùng kính trọng và yêu quý. Sự say mê, tâm huyết với nghề, sự chiêm nghiệm của ông về nghề báo “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” thật thấm thía biết bao. Và, như một “giá trị đích thực” mà đương thời và hậu thế đã và đang khẳng định, thiết nghĩ những con người như Nhà báo Hữu Thọ khi ra đi đã để lại dấu vết ở trên thế gian này chứ không phải như những thư “thảo mộc tầm thường” đã sống và còn kéo dài hơn cả những nỗi khổ đau của con người... Đó cũng là hành trang quý báu mà tôi với tư cách là người được lãnh đạo Ban phân công phụ trách Tạp chí trong một thời gian cũng như mỗi thành viên trong Tạp chí Tuyên giáo luôn mang theo trong suốt quá trình công tác của mình.

2. Một kỷ niệm sâu sắc tôi không thể quên là năm 2012, để thiết thực hưởng ứng Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào 2012, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào là hai cơ quan thường trực đồng tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào”. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Tạp chí Tuyên giáo là cơ quan thường trực của Cuộc thi. Tôi được đồng chí Trưởng ban phân công làm Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi. Tổng cộng có 3.000.032 bài dự thi viết gửi về Ban Tổ chức cuộc thi từ khắp mọi miền đất nước và gần 600.000 cá nhân tham dự các cuộc thi trắc nghiệm mỗi tuần ở Việt Nam, hàng vạn bài dự thi ở đất nước hoa Chăm-pa là những con số ấn tượng, thể hiện tình hữu nghị đặt biệt Việt - Lào. Không kể ngày nghỉ, với tinh thần làm việc công tâm, nghiêm túc, chúng tôi đã cân nhắc, công phu thẩm định, lựa chọn 238 bài dự thi vào chung khảo. Từ đó, chọn ra những bài viết hay nhất, chất lượng nhất để trao giải. Những lời chia sẻ của vị giám khảo cao tuổi nhất - Nhà báo lão thành Hà Đăng: “Phải thật trách nhiệm, công tâm, khách quan, công bằng để chọn ra những tác giả xứng đáng đạt giải về Cuộc thi đặc biệt này” đã động viên chúng tôi trong những ngày tháng đầy sôi động ấy. Gần tới thời gian tổ chức Lễ trao giải tại Lào, tôi nhận được lời mời của đồng chí Vương Thừa Phong, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương mời tôi làm Trưởng đoàn đi dự Hội thảo do Đảng Cộng sản Liên bang Nga tổ chức. Không cần suy nghĩ nhiều, tôi trả lời cám ơn Anh vì đã có kế hoạch đi công tác ở Lào. Cũng có anh em nói tôi bỏ qua một cơ hội đáng tiếc vì là dịp trở lại nước Nga mình đã từng học. Tôi chỉ nói nhẹ nhàng: Vì tham gia Ban Chỉ đạo và là Trưởng ban tổ chức Cuộc thi nên không thể đi được! Tôi cũng nói vui rằng: về tính “tuân thủ” ý thức tổ chức kỷ luật đã ngấm vào máu mình từ thời trẻ rồi...

Mỗi chúng tôi không thể quên được không khí của Lễ trao giải Cuộc thi và giao lưu văn hoá đầy xúc động và chứa chan tình hữu nghị Việt Nam - Lào diễn ra tại bản Đông, huyện Sêpôn, tỉnh Savanakhét, Lào - nơi in đậm dấu ấn lịch sử của chiến thắng đường 9 Nam Lào năm xưa, một trong những chiến công, biểu hiện sinh động của liên minh chiến đấu Việt - Lào trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung trước đây. Dù xa cách về địa lý, nhưng dường như hàng triệu trái tim từ hai phương trời cùng chung một nhịp đập, cùng chung âm hưởng hữu nghị đặc biệt và sâu sắc. Và chúng tôi - những người tham gia Ban Chỉ đạo và Ban Tổ chức cuộc thi luôn tự hào vì đã góp phần nhỏ bé của mình, là những cây cầu nối, vun đắp thêm tình hữu nghị anh em Việt Nam - Lào “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững” như mong muốn của Bác Hồ kính yêu. Sau cuộc thi, nhiều tập thể và cá nhân đã được nhận phần thưởng xứng đáng của Đảng và Nhà nước. Tập thể cán bộ Tạp chí Tuyên giáo và cá nhân tôi được vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

3. Năm 2016, tôi được Lãnh đạo Ban phân công phụ trách Tạp chí Tuyên giáo và làm Chủ tịch Hội đồng Biên tập của Tạp chí. Trước đó nhiều năm tôi đã là một trong những cộng tác viên thân thiết, tích cực của Tạp chí. Nhìn lại, tôi thấy thật xúc động vì đã có vài chục bài báo tâm huyết được đăng trên Tạp chí phản ánh khá toàn diện các lĩnh vực của ngành Tuyên giáo, từ tuyên truyền tới khoa học và công nghệ, môi trường; giáo dục và đào tạo, dạy nghề; thông tin đối ngoại và hợp tác quốc tế; văn hóa - văn nghệ, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch... Vì có nhiều năm trực tiếp làm và chỉ đạo công tác tuyên truyền nên tôi hay viết tuyên truyền về các nghị quyết, các chỉ thị, quy định của Đảng và “theo dòng sự kiện” để viết về các ngày lễ lớn, các dịp kỷ niệm quan trọng của Đảng, của dân tộc, của đất nước. Anh em hỏi tôi: Công việc anh bận thế lấy thời gian đâu mà viết báo và lại có nhiều bài viết đa diện về các lĩnh vực của công tác tuyên giáo đến thế? Tôi đã trả lời: Việc viết cho các báo và viết bài cho Tạp chí Tuyên giáo là trách nhiệm, là công việc gắn bó với tôi. Ngoài ra, cũng là từ sự nhiệt tình trong cách đặt vấn đề về nội dung chủ đề bài viết, thường xuyên đôn đốc rất nhiệt tình về tiến độ của Ban Biên tập Tạp chí Tuyên giáo. Song, tôi luôn tâm niệm rằng so với các bác, các anh, các chị có nhiều cống hiến thì đóng góp của mình cũng như “đứng trước biển mọi dòng sông đều nhỏ!”. Tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc mỗi khi có bài đăng ở các báo hay ở Tạp chí Tuyên giáo. Bởi lẽ, niềm vui đó lớn hay nhỏ tùy người, nhưng nó đã tạo thành sức mạnh nội lực trên chặng đường công tác của mình!

4. Trong thời gian công tác ở Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Tuyên giáo Trung ương, tôi có điều kiện làm việc với nhiều Tổng Biên tập của Tạp chí, như: Nhà báo Đỗ Khánh Tặng, Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng, Nhà báo Trần Doãn Tiến. Đến tháng 1/2017, Lãnh đạo Ban quyết định bổ nhiệm Nhà báo Trần Doãn Tiến làm Tổng Biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và cử Nhà báo Nguyễn Thành Vinh phụ trách tạp chí. Trong thời gian phụ trách, Nhà báo Nguyễn Thành Vinh cùng tập thể cán bộ Tạp chí hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhất là tổ chức Chương trình nghệ thuật “Bản hùng ca bất tử” nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ được dư luận đánh giá cao. Tháng 10/2017, Lãnh đạo Ban bổ nhiệm Nhà báo Lê Huy Nam (trước đó là Giám đốc Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh) làm Tổng Biên tập Tạp chí. Theo kế hoạch, vào trung tuần tháng 11/2017, Tạp chí tổ chức Hội nghị cộng tác viên các tỉnh, thành phố phía Bắc tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Cuối tháng 10/2017, trong cuộc làm việc đầu tiên với tân Tổng Biên tập, tôi có gợi ý rằng hội nghị năm nay cần xin ý kiến các bác, các anh, các chị cộng tác viên về việc đổi mới, nâng cao chất lượng Tạp chí trong tình hình mới để thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII: “Cần đổi mới sâu sắc, toàn diện, đồng bộ nội dung, phương thức của công tác tuyên giáo trong tình hình mới”. Trước đó, với tư cách Bí thư Đảng uỷ cơ quan, tôi đã bàn và thống nhất trong Ban Thường vụ Đảng uỷ chỉ đạo các Đảng bộ bộ phận, các chi bộ thuộc Đảng bộ cơ quan Ban Tuyên giáo Trung ương thảo luận việc tiến hành đổi mới, nâng cao chất lượng ở lĩnh vực của mình nhằm thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của đồng chí Trưởng ban. Tôi và Tổng Biên tập Lê Huy Nam cũng thống nhất, cần nêu trong Đề án xin ý kiến Hội nghị về đổi mới nội dung và hình thức của Tạp chí, từ maket, hình ảnh bìa từng số đến tăng các bài “đinh” về hoạt động của ngành Tuyên giáo, tăng tính đối thoại, tính thuyết phục và các bài đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch... Thời gian đến hội nghị chỉ còn hơn 2 tuần nhưng với tinh thần năng động, đổi mới, tập thể Tạp chí đã xây dựng được dự thảo Đề án. Tại Hội nghị, thay vì trình bày dự thảo Báo cáo như trước thì đồng chí Tổng Biên tập trình bày dự thảo Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng Tạp chí Tuyên giáo trong tình hình mới” và đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp sôi nổi, thiết thực của các đại biểu dự. Có thể nói, Hội nghị cộng tác viên tháng 11/2017 được tổ chức tại Vĩnh Phúc có ý nghĩa mang tính “đột phá” cho những đổi mới của Tạp chí thời gian qua. Đến nay, Tạp chí Tuyên giáo luôn bám sát những sự kiện của Đảng, của dân tộc, của ngành Tuyên giáo và thực hiện tốt phương châm của Đảng “hướng mạnh về cơ sở” để hoàn thành tốt chức năng là một “binh chủng”, một “kênh” quan trọng không thể thiếu của công tác tuyên truyền; chủ động cung cấp thông tin định hướng kịp thời để góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội và cũng góp phần vào các thành tựu nổi bật của công tác Tuyên giáo trong thời gian qua.

Kỷ niệm 90 năm Ngày Truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng cũng là dịp kỷ niệm 64 năm Ngày Tạp chí Tuyên giáo ra số đầu tiên (1956 - 2020). Là người có nhiều năm gắn bó với ngành Tuyên giáo và Tạp chí nên tôi rất tự hào và phấn khởi vì đây là dấu mốc mới để Tạp chí tiếp tục xây dựng và phát triển. Tôi tin rằng, dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Ban, sự nỗ lực và sáng tạo của tập thể cán bộ Tạp chí và đội ngũ cộng tác viên đầy nhiệt huyết, Tạp chí sẽ không ngừng đổi mới, ngày càng nâng cao chất lượng, đáp ứng những yêu cầu mới, không những là “món ăn tinh thần” bổ ích của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo mà còn của nhiều lĩnh vực khác, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Ban Tuyên giáo Trung ương./.

TS. Bùi Thế Đức
Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận,
phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất