Tiếp tục chuyến công tác tại tỉnh Lai Châu, ngày 9/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác Trung ương đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lai Châu, nghe báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch năm 2012 trên các lĩnh vực kinh tế xã hội.
Nhờ thời tiết thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, lạm phát được kiềm chế bước đầu, tổng sản phẩm GDP của tỉnh Lai Châu năm 2012 ước đạt 3.919 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 13%. Cây trồng được mở rộng tại nhiều diện tích vùng sâu vùng xa, vượt 11% kế hoạch. Các mô hình nuôi cá nước lạnh được quan tâm đầu tư, mang lại hiệu quả kinh tế. Số xã được phê duyệt quy hoạch chung và đề án nông thôn mới của Lai Châu đạt 100% kế hoạch. Tỉnh đã tập trung thực hiện công tác sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, hoàn thành quy hoạch chi tiết các hộ tái định cư tập trung cho dự án Thủy điện Lai Châu. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chăm lo gia đình chính sách được chú trọng. Hệ thống chính quyền các cấp được củng cố, kiện toàn. Công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo gắn với việc thực hiện theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).
Trao đổi cởi mở với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lai Châu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ vui mừng trước một Lai Châu thực sự đổi thay sau ngày tái lập tỉnh. Chủ tịch nước nhấn mạnh, thực tế đó không chỉ được làm rõ qua 12/17 chỉ tiêu của tỉnh đạt khá, nhất là tổng sản lượng lương thực, thu ngân sách; mà biểu hiện rõ nét tại những nơi đoàn công tác đến kiểm chứng tận địa bàn. Chủ tịch nước hoan nghênh cấp ủy, chính quyền tại những nơi điều kiện giao thông, hạ tầng còn khó khăn, nhưng sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản tiếp tục phát triển với những mô hình cây trồng vật nuôi đạt năng suất, đã vươn ra cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Cùng với tạo chuyển biến trên các lĩnh vực văn hóa xã hội, Lai Châu cũng đã tập trung quyết liệt trong các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, xóa đói giảm nghèo cho các vùng đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, tại một số địa bàn, đời sống kinh tế vẫn còn khó khăn, người dân còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đây là thực trạng mà đội ngũ cán bộ lãnh đạo tỉnh cần lưu ý để tháo gỡ, làm tốt trong thời gian tới.
Chủ tịch nước nêu rõ, sau tái lập tỉnh, Lai Châu đã vượt ra khỏi nhóm địa phương thuộc diện khó khăn. Giai đoạn 2015- 2020, để phấn đấu đạt nhóm trung bình trong cả nước, Lai Châu cần phải có những bước đi nhanh hơn, mạnh mẽ hơn hiện tại. Tốc độ phát triển của Lai Châu cần phải nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP chung của cả nước, để cùng các địa phương trong cả nước thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Nghị quyết Đại hội XI đề ra. Chủ tịch cho rằng trong điều kiện nguồn lực đầu tư có hạn, Lai Châu cần chọn hướng đột phá hiệu quả, tập trung vào những mặt xung yếu để tránh tình trạng dàn trải lãng phí. Đối với những mặt bất cập tồn tại, cấp ủy, chính quyền cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, xem xét trách nhiệm, khắc phục sửa chữa để cùng tiến bộ. Chủ tịch nước căn dặn, dù Tây Bắc còn khó khăn về đường xá, trình độ dân trí và phương thức canh tác, nhưng nhất định phải làm cho Tây Bắc nói chung, Lai Châu nói riêng phát triển. Cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ tỉnh Lai Châu cần gương mẫu, tích cực thực hiện chủ trương Nghị quyết, để người dân noi gương học tập. Đối với những mô hình kinh tế đã chứng minh hiệu quả bước đầu, cần tiếp tục kiên trì theo dõi, có giải pháp kịp thời, giúp các hộ dân vững tin, triển khai diện rộng. Với mỗi công trình đầu tư hạ tầng, tỉnh cần chú trọng yếu tố hiệu quả, để tiết kiệm nguồn lực của dân.
Trước đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm và làm việc với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng, Ban kinh tế cửa khẩu và lãnh đạo xã biên giới Ma Li-Pho (huyện Phong Thổ). Thay mặt cán bộ chiến sĩ, đồn biên phòng Ma Lù Thàng, Thượng tá Hoàng Văn Mạnh, Đồn trưởng đã báo cáo với Chủ tịch nước về một số hoạt động của đồn. Với nhiệm vụ đảm bảo 13km và 1 xã biên giới với 5 đồng bào dân tộc cùng sinh sống, những năm qua, đồn biên phòng Ma Lù Thàng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phối hợp với chính quyền xã Ma Li Pho giữ vững an ninh trật tự vùng biên, tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân chấp hành đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và hiệp định về quy chế biên giới. Cùng với đảm bảo an ninh trật tự vùng biên, Đồn Biên phòng Ma Lù Thàng còn phối hợp với Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu đảm bảo tốt công tác xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu với tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2005-2010 đạt hơn 171 triệu USD.
Đồn Biên phòng Ma Lù Thàng cũng thực hiện tốt công tác dân vận, tham gia phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo cho bà con trên địa bàn. Những mô hình chăn nuôi đại gia súc, mô hình trồng chuối thâm canh, trồng rừng do lực lượng biên phòng tham mưu, hướng dẫn đã góp phần đưa xã Ma Li Pho trở thành xã đầu tiên trên khu vực biên giới thoát khỏi đói nghèo.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương tấn Sang đánh giá cao nỗ lực của cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng Ma Lù Thàng, Ban kinh tế cửa khẩu và chính quyền xã Ma Li Pho đã phối hợp tốt việc giữ vững an ninh trật tự vùng biên, giúp đồng bào dân tộc xóa đói giảm nghèo phát triển kinh tế và tăng nguồn thu cho ngân sách.
Chủ tịch nước lưu ý, là đơn vị đóng ở vị trí chiến lược lại là nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Ma Lù Thàng nói riêng và lực lượng biên phòng nói chung cần làm tốt hơn nữa công tác dân vận, gắn kết mật thiết với bà con để giữ vững an ninh vùng biên nhằm xây dựng thế trận lòng dân vững mạnh. Ngoài ra, lực lượng biên phòng phải làm tốt công tác đối ngoại biên phòng, xây dựng tuyến biên giới Lai Châu là tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển.
Chủ tịch nước cũng đã đến thăm vườn cao su của cán bộ công nhân Công ty cổ phần cao su Lai Châu 2 và các hộ nông dân thuộc xã Bản Qua, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Sau 3 năm triển khai, được sự hỗ trợ về kỹ thuật, vốn đầu tư của Tập đoàn cao su Việt Nam, đến nay, nhiều diện tích cao su được trồng thí điểm tại địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu) đã phát triển tốt. Nhiều gia đình công nhân góp đất vườn tham gia cổ phần cùng doanh nghiệp đã yên tâm gắn bó với vườn cây, nhận thêm diện tích canh tác, bước đầu có thu nhập bình quân 4 triệu đồng mỗi tháng. Với các mô hình trồng cao su tại Bát Xát (Lào Cai), qua thời điểm xuống giống được 18 tháng, hầu hết cây đều cho sinh trưởng tốt, thích nghi thổ nhưỡng địa phương./.
TH