Vấn đề an toàn thực phẩm luôn là vấn đề nóng và càng nóng sau đợt úng lụt lịch sử tại Hà Nội và các tỉnh lân cận gây khan hiếm rau xanh và người dân băn khoăn về sự an toàn của rau quả nhập từ nước ngoài.
Tuần trước dư luận lại hết sức lo ngại khi biết tin Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) "bất ngờ" phát hiện một loại hoá chất lạ có xuất xứ từ nước ngoài dùng để ủ, làm chín nhiều loại củ, quả như cà chua, hồng, chuối v.v...
Thực ra các loại thuốc nằm ngoài danh mục được phép sử dụng (tức là bị cấm) này đã được lưu hành từ nhiều năm nay nhưng các cơ quan chức năng hầu như bó tay. Cục BVTV phải gửi "thuốc lạ" đi giám định và cho là khó phân tích nên chưa có kết quả, cục cũng cho hay việc tịch thu, tiêu huỷ chủ yếu là do các chi cục tiến hành.
Từ lâu, vấn đề quản lý an toàn thực phẩm ở ta được phân ra cho nhiều bộ và các địa phương nên các bộ luôn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, hay cho địa phương. Thậm chí trong cùng một bộ thì cục ở trên đổ cho chi cục ở dưới. Minh chứng rõ rệt cho việc đùn đẩy này được thể hiện trong chất vấn tại Quốc hội ngày 12.11 vừa qua. Khi đó ông Bộ trưởng Bộ Y tế nói "quy trình chế biến từ trang trại đến mâm cơm tức là chế biến, lưu thông, công nghệ, phụ gia... thuộc Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương. Còn Bộ Y tế chỉ là người gác barie ở mâm cơm".
Ông Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng "theo Pháp lệnh An toàn Vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thì Bộ NN&PTNT quản lý trong suốt quá trình từ sản xuất đến khi nông sản được đưa ra lưu thông trên thị trường trong nước và xuất khẩu, quản lý vệ sinh thú y đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật nhập khẩu".
Còn theo Bộ trưởng Công thương thì bộ ông "chịu trách nhiệm làm đầu mối khi sản phẩm đưa ra thị trường. Lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các thanh tra chuyên ngành của các bộ kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và nếu thấy rằng những sản phẩm lưu thông trên thị trường đã có đăng ký kinh doanh mà vi phạm thì sẽ xử lý". Các ông ấy đều có lý, quy định nó như thế.
Vậy mấu chốt là phải sửa cái quy định đó. Đấy là việc của Quốc hội, song chưa thấy vị đại biểu Quốc hội nào đặt vấn đề phải sửa bản thân hệ thống quản lý này cả. Cái hệ thống quản lý ATVSTP được thiết kế không khoa học như thế là hệ thống có sai sót, không hiệu quả và cần phải sửa. Có trách các ông bộ đến mấy cũng không giải quyết được vấn đề, vấn đề ở chỗ khác, ở chính văn bản, ở bản thiết kế, ở hệ thống.
Sửa ở đó là sửa tận gốc và may ra mới có sự cải thiện (để có cải thiện thật sự hệ thống cần có đủ nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực thành thạo, có trách nhiệm và có đủ quyền). Chuyện bức xúc của dân, của các đại biểu Quốc hội về ATVSTP sẽ còn dài dài nếu không sửa bản thân hệ thống đó.
Như thế muốn đảm bảo ATVSTP trước hết phải sửa đổi pháp lệnh hay nâng pháp lệnh lên thành luật sao cho hệ thống đó là một hệ thống nhất quán từ trung ương đến địa phương, được chỉ huy từ trên xuống dưới như trong quân đội, mỗi cấp chỉ có một người chịu trách nhiệm. Đấy là kinh nghiệm của tất cả các nước tiên tiến, là tri thức của toàn nhân loại mà chúng ta nên học, nên tiếp thu hay làm cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mình, chứ chẳng cần "sáng tạo" ra cái "hoàn toàn mới", thuần Việt làm gì.
Nếu tổ chức thống nhất như vậy, sẽ không có sự chồng chéo, không có sự phân đoạn, sẽ có sự minh bạch về trách nhiệm và người đứng đầu cơ quan đó (là cơ quan nhà nước song không nhất thiết là cơ quan của Chính phủ) không thể đùn đẩy trách nhiệm cho bất kỳ ai (vẫn có thể cần sự phối hợp với tổ chức khác thuộc nhà nước hay thuộc lĩnh vực xã hội dân sự).
Có pháp lệnh hay luật mới, thì việc thực thi nó sẽ tạo ra một hệ thống mới. Cần cho nó đủ quyền hạn và cung cấp đủ nguồn lực để nó vận hành hiệu quả. Trong quá trình có thể cải thiện và chỉnh sửa thêm. Đấy là cách cải tổ, cải cách hệ thống. Tôi tin nếu làm vậy sẽ có thể tinh giản bộ máy, đỡ chi phí hơn so với hệ thống tản mát hiện hành. Vấn đề là có quyết tâm chính trị để cải tổ hay không.
Trong cải cách, cải tổ quan trọng nhất là đi xác định: Nhà nước phải làm những việc gì và nhất quyết không làm những việc gì. Sau đó, đối với việc Nhà nước phải làm, thì nên làm thế nào (tập trung hay phân tán), tổ chức ra sao (phần thuần kỹ thuật này có thể học hay tiếp thu nhiều kinh nghiệm thế giới) từ sửa đổi văn bản pháp lý (thiết kế hệ thống), thực hiện việc tổ chức, đào tạo người, đánh giá hoạt động, cải tiến, chỉnh sửa, cải thiện hệ thống đến phối hợp với các tổ chức khác.
Đảm bảo ATVSTP là một trong những việc mà Nhà nước phải lo, phải làm và phải làm một cách tập trung.
Tất nhiên, không chỉ có Nhà nước mà các tổ chức xã hội dân sự (chẳng hạn các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, các hội chuyên môn) cũng có vai trò không nhỏ trong đảm bảo VSATTP. Nhà nước cũng nên khuyến khích hoạt động của các tổ chức như vậy. Việc gây khó khăn trong đăng ký hoạt động của các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng phải được gỡ bỏ.
Bước đầu tiên, không mấy tốn kém và có thể thuê các tổ chức không thuộc Nhà nước thực hiện, là việc nghiên cứu cải tổ toàn bộ hệ thống ATVSTP (từ sửa pháp lệnh, thiết kế lại hệ thống, kế hoạch thực hiện, thúc đẩy hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự tham gia.v.v...).
Hệ thống quản lý ATVSTP chỉ là một thí dụ cụ thể, với các hệ thống khác cũng nên có cách tiếp cận khoa học trên tinh thần xây dựng như vậy. Nếu làm được thế thì các cơ quan nhà nước sẽ hoạt động hiệu quả, sẽ củng cố được lòng tin của nhân dân và các đại biểu Quốc hội sẽ đỡ bức xúc hơn trong các cuộc chất vấn, nhưng quan trọng nhất là sự hoạt động hữu hiệu của các cơ quan nhà nước là một nguồn lực phát triển rất quan trọng của đất nước.
Theo Nguyễn Quang A (Lao động điện tử)