Trong thời gian gần đây, ngoài việc nhiều ngân hàng bắt đầu phát hành thêm chứng chỉ tiền gửi dài hạn, thì một số ngân hàng như Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng thương mại cổ phần Bắc Á (BacA Bank)... cũng có động thái tăng lãi suất huy động cho các kỳ hạn dài với mức tăng từ 0,1-0,2%/năm.
Cụ thể, ngày 7/6, Sacombank điều chỉnh lãi suất huy động các kỳ hạn từ 15 đến 36 tháng tăng 0,1-0,2%/năm, tùy kỳ hạn.
Trước đó, lãi suất Eximbank cũng điều chỉnh tăng nhẹ 0,1-0,2% ở một số kỳ hạn. Hiện lãi suất cao nhất của ngân hàng này là 8%/năm với kỳ hạn 24 và 36 tháng, trong khi 13 tháng là 7,5%/năm.
Ngân hàng BacA Bank cũng tăng nhẹ lãi suất kỳ hạn từ 6 đến 36 tháng thêm 0,1-0,15%/năm, qua đó, nâng lãi suất huy động cao nhất của ngân hàng này lên 7,75%/năm. Ngân hàng Quốc dân (NCB) tăng lãi suất huy động thêm 0,6%/năm ở kỳ hạn 9 tháng, lên 7,3%/năm.
Nhận định trước động thái tăng lãi suất của các ngân hàng này, ông Vương Duy Lâm, cán bộ Ban Phát triển Thị trường - Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) cho biết: "Cũng bởi trong những tháng trước đó, các ngân hàng đã chọn lựa giải pháp tăng nhẹ lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn, thì việc điều chỉnh lại lãi suất kỳ hạn dài trong tháng 6 này chỉ cho thấy các ngân hàng đang rất cẩn trọng cơ cấu lại nguồn vốn của mình theo lộ trình an toàn, nhằm đáp ứng những quy định về an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 06/2016 (nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn được quy định giảm từ 60% năm 2016 xuống 50% trong năm 2017), chứ không gây ra tác động tiêu cực lên toàn hệ thống".
"Ngoài ra, cũng bởi thanh khoản của hệ thống ngân hàng còn rất dồi dào, thể hiện qua việc lãi suất liên ngân hàng giảm sâu và thị trường mở OMO hút ròng liên tục kể từ tháng 5, nên áp lực lên mặt bằng lãi suất gần như là không có", ông Lâm nói thêm.
Theo thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, trong 5 tháng đầu năm 2017, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng diễn biến ổn định. Hiện lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn; khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.
Để có được kết quả này, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung điều hành các giải pháp để giữ ổn định mặt bằng lãi suất thông qua điều tiết thanh khoản hợp lý hỗ trợ các tổ chức tín dụng ổn định lãi suất, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để giữ ổn định lãi suất huy động, phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Mặc dù trước đó, trong bối cảnh kỳ vọng lạm phát gia tăng, cầu vốn tín dụng và phát hành Trái phiếu Chính phủ tiếp tục ở mức cao, tiến độ giải ngân vốn đầu tư còn thấp tạo áp lực đến cầu vốn tín dụng, mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng có sức ép tăng.
Ông Lâm nhận định: "Khi các ngân hàng hoàn tất việc cân đối lại nguồn vốn của mình, thì điều kiện cho việc hạ lãi suất cho vay từ giờ đến cuối năm 2017 sẽ được thực hiện một cách tốt hơn"./.
Mai Phương (TTXVN)