NHẬN THỨC RÕ CƠ SỞ THỰC TIỄN, LÝ LUẬN CỦA SỰ LỰA CHỌN ĐỘC LẬP DÂN TỘC GẮN LIỀN VỚI CNXH CỦA LỊCH SỬ VIỆT NAM
Về cơ sở thực tiễn
Thứ nhất, thực tiễn đất nước Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đặt ra yêu cầu cần tìm đường để giải quyết vấn đề độc lập dân tộc và tự do, dân chủ cho nhân dân. Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và từng bước biến nước ta trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Xã hội Việt Nam lúc bấy giờ chịu sự chi phối bởi hai mâu thuẫn cơ bản là mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp: mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam và ách đô hộ của thực dân Pháp; mâu thuẫn giữa nhân dân, chủ yếu là nông dân với địa chủ phong kiến. Để giải quyết mâu thuẫn đặt ra đã có nhiều phong trào đấu tranh với các khuynh hướng khác nhau. Cơ bản là theo lập trường phong kiến và tư sản nhưng đã không tránh khỏi thất bại. Từ thực tiễn khủng hoảng, bế tắc, yêu cầu về con đường cứu nước, về giai cấp lãnh đạo cách mạng, ngày 05/6/1911, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường mới để cứu nước, cứu dân.
Thứ hai, thực tiễn cách mạng thế giới cho thấy, trong thời đại mới, muốn có độc lập dân tộc phải bằng con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Trong hành trình bôn ba nước ngoài, Hồ Chí Minh nghiên cứu lịch sử cách mạng Hà Lan, Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Trung Quốc…; tìm hiểu lịch sử cách mạng Nga, nhất là cách mạng tháng Mười Nga (1917). Hồ Chí Minh nhận định “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật… Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”(3).
Sau khi trở thành người cộng sản, Người khẳng định “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(4). Đây là con đường có triển vọng giải quyết triệt để hai nhiệm vụ dân tộc và giai cấp, mang đến độc lập dân tộc thật sự.
Về cơ sở lý luận
Bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác được thực tiễn cách mạng Tháng Mười Nga và công cuộc xây dựng CNXH ở Liên Xô kiểm chứng và được Lênin bổ sung, phát triển toàn diện. Lý luận ấy Mác-Lênin là một hệ thống chỉnh thể đồ sộ.
Thứ nhất, lý luận về hình thái kinh tế - xã hội. Xã hội loài người đã và đang trải qua các hình thái kinh tế - xã hội, từ thấp đến cao, công xã nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Sự phát triển này theo quy luật chứ không theo ý muốn chủ quan.
Trong hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa sẽ qua hai giai đoạn: giai đoạn thấp (hay giai đoạn đầu) là xã hội XHCN, giai đoạn cao (hay giai đoạn sau) là xã hội cộng sản chủ nghĩa. Đây là một kiểu tổ chức kinh tế xã hội theo nguyên tắc của chủ nghĩa tập thể và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, bảo đảm công bằng, bình đẳng cho số đông nhân dân lao động. Lý luận về hình thái kinh tế - xã hội, về xây dựng CNXH, chủ nghĩa cộng sản vì mục đích giải phóng, phát triển con người toàn diện trở thành cơ sở lý luận, phương pháp luận để Hồ Chí Minh, Đảng và dân ta lựa chọn và kiên định mục tiêu, con đường độc lập dân tộc và CNXH.
Thứ hai, lý luận về thời kỳ quá độ lên CNXH. Mục đích của giai cấp công nhân là thiết lập CNXH, xoá bỏ sự phân chia xã hội thành giai cấp, biến tất cả thành viên trong xã hội thành người lao động, tiêu diệt cơ sở của mọi tình trạng người bóc lột người. Mục đích đó không thể đạt ngay tức khắc được; cần có một thời kỳ quá độ lâu dài. Theo quy luật, mọi quốc gia, dân tộc cuối cùng nhất định sẽ đi lên CNXH; và mỗi quốc gia, dân tộc quá độ lên CNXH bằng những hình thức, con đường không phải hoàn toàn giống nhau. Cơ bản có 2 kiểu quá độ: trực tiếp và gián tiếp. Lênin cho rằng, “với sự giúp đỡ của giai cấp vô sản các nước tiên tiến, các nước lạc hậu có thể tiến tới chế độ Xô Viết, và qua những giai đoạn phát triển nhất định, tiến tới chủ nghĩa cộng sản, không phải trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”(5). Việt Nam cũng có thể quá độ lên CNXH sau khi giành được độc lập dân tộc mà không phải trải qua chế độ tư bản chủ nghĩa.
Thứ ba, lý luận về cách mạng không ngừng và quan hệ giai cấp và dân tộc. Cách mạng vô sản là cuộc cách mạng triệt để, sâu sắc nhất và phải trải qua nhiều giai đoạn với từng nhiệm vụ khác nhau. C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ, giai cấp công nhân có sứ mệnh lịch sử toàn thế giới nhưng giai cấp công nhân mỗi nước trước hết phải “giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc”(6). Năm 1892, Ph.Ăngghen viết: “Chỉ có thể có được sự hợp tác quốc tế thành thực giữa các dân tộc châu Âu khi nào mỗi dân tộc đó là người chủ tuyệt đối trong nhà mình”(7). Ở những nước mà ở đó giai cấp công nhân đã trưởng thành, có Đảng Cộng sản vững mạnh vẫn có thể thực hiện cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới và tiến lên cách mạng XHCN.
Trong điều kiện xã hội thuộc địa nửa phong kiến, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng sáng tạo lý luận cách mạng không ngừng và quan hệ giai cấp - dân tộc của chủ nghĩa Mác - Lênin và xác định: "Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản"(8). Nước ta cần có độc lập dân tộc, CNXH là con đường để giành độc lập dân tộc, độc lập dân tộc là cơ sở, tiền đề để tiến lên CNXH. Vì vậy, xác định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH là hoàn toàn phù hợp.
MỤC TIÊU XUYÊN SUỐT, NHIỆM VỤ CHIẾN LƯỢC CÓ Ý NGHĨA SỐNG CÒN CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY
Thứ nhất, nhiệm vụ dân tộc và giai cấp, độc lập dân tộc và CNXH là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối, chính sách của Đảng.
Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên (1930), Đảng ta xác định “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Đại hội II của Đảng (2/1951) nêu rõ: “Đảng Lao động Việt Nam đoàn kết và lãnh đạo toàn dân kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, tranh lại thống nhất và độc lập hoàn toàn; lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện để tiến đến CNXH”(9). Đại hội III (1960) khẳng định: “đẩy mạnh cách mạng XHCN ở miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”(10).
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Đại hội lần IV của Đảng (1976) chỉ rõ: “Cách mạng nước ta trong giai đoạn mới là hoàn thành thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH”(11). Đại hội lần thứ V của Đảng (1982) nêu lên hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta trong giai đoạn mới: “Một là, xây dựng thành công CNXH; Hai là sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Hai nhiệm vụ chiến lược đó quan hệ mật thiết với nhau”(12). Đại hội lần thứ VI, Ðảng ta khẳng định: "Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đoàn kết một lòng, quyết tâm đem hết tinh thần và lực lượng tiếp tục thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN"(13). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ VII (1991) xác định: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH. Đó là bài học xuyên suốt quá trình cách mạng nước ta. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện CNXH và CNXH là cơ sở đảm bảo vững chắc cho độc lập dân tộc”(14). Đại hội Đảng lần thứ VIII (1996), Đảng tiếp tục xác định bài học quan trọng đầu tiên đối với cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới là: "Giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trong quá trình đổi mới; nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh"(15).
Bước sang thế kỷ XXI, với nhiều cơ hội và thách thức mới, Đại hội Đảng lần thứ IX (2001) khẳng định: Trong quá trình đổi mới, phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đại hội lần thứ X (2006) của Đảng nhấn mạnh bài học: Trong quá trình đổi mới, phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh(16). Và trong bối cảnh mới, tại Đại hội XIII (1/2021), Đảng ta xác định “kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam trong từng giai đoạn. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Kiên định đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(17).
Thứ hai,độc lập dân tộc gắn liền CNXH là ngọn cờ đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, trong đó có những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử qua hơn 35 năm đổi mới.
Nhờ giải quyết, xử lý đúng đắn quan hệ dân tộc và giai cấp, độc lập dân tộc và CNXH, Đảng ta đã quy tụ được sức mạnh toàn dân làm nên Cách mạng Tháng Tám (1945), đưa người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước. Thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; thực hiện thành công đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược, cách mạng XHCN ở miền Bắc, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Miền Nam, chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên xây dựng CNXH. Thực hiện thắng lợi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc XHCN ở biên giới Tây Nam (1978) và biên giới phía Bắc (1979); khởi xướng và lãnh đạo thực hiện thành công công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay.
Qua 35 năm đổi mới, nhờ kiên định độc lập dân tộc và CNXH nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Năm 2020, trong khi kinh tế thế giới suy thoái, tăng trưởng âm gần 4%, kinh tế nước ta vẫn đạt mức tăng trưởng 2,9 % là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới; Quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người tăng lên (năm 2020, GDP đạt 271,2 tỉ USD và thu nhập bình quân đầu người đạt 2.779 USD). Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011 - 2015 lên khoảng 6%/năm giai đoạn 2016 – 2020(18). Hiện Việt Nam có khoảng 70% dân số dùng Internet, là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ tin học cao nhất thế giới. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hoá các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển. Việt Nam đã thành công trên vai trò kép - Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc 2020 – 2021; thực thi các FTA song phương và đa phương…
Như vậy, với ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH Đảng đã lãnh đạo cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng XHCN đem lại độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân và làm cho “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế” của đất nước ngày càng nâng cao. Điều đó chứng tỏ kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH là hoàn toàn phù hợp, đúng đắn. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, không một ai có thể thay đổi hay phủ nhận được.
Thứ ba,kiên địnhđộc lập dân tộc và CNXH vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh phù hợp xu thế vận động của thời đại ngày nay. Mặc dù, chủ nghĩa tư bản hiện đại ở một số nước có những thành tựu vượt bậc và điều chỉnh nhiều mặt nhưng về bản chất, mục đích không thay đổi. Sự điều chỉnh ấy là có giới hạn và mục đích thực chất của việc điều chỉnh là xoa dịu mâu thuẫn, vì lợi ích của giai cấp tư sản cầm quyền. Đó cũng là quá trình “tiệm tiến” để chủ nghĩa tư bản không còn là nó, vừa tiếp tục làm sâu sắc các mâu thuẫn cố hữu vừa tiếp tục tạo ra các điều kiện, tiền đề, nhân tố XHCN về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội để phủ định chính nó.
Bên cạnh đó, cùng với thời gian, vì nhiều lý do, một số giá trị XHCN đang “sống lại”, phục hồi ở không gian Đông Âu và không gian Liên Xô cũ. Những bài học thành công và thất bại của chế độ XHCN ở Đông Âu và Liên Xô đã và đang được nghiên cứu ở nhiều nơi. Công cuộc cải cách, đổi mới ở các nước XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản như Trung Quốc, Cuba, Đảng Nhân dân cách mạng Lào… đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng. Cùng với những nhận thức mới của Đảng Cộng sản Ấn Độ, Braxin, Tây Ban Nha, Pháp, Hy Lạp, Nhật Bản… về CNXH và về xây dựng CNXH cùng trào lưu "chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI" ở Mỹ latinh, các mô hình XHCN ở các Kibbutz của Israel… tất cả những biểu hiện này đã cho thấy sức sống sinh động của CNXH trong điều kiện hiện nay.
Trong thời đại ngày nay, với ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, Việt Nam không hề cô độc, lạc điệu trong khu vực và thế giới. Việt Nam đã và đang khẳng định trên thực tế rằng, Việt Nam thực sự là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng thế giới.
TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP
Trong thời gian tới, để việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH ở Việt Nam hiện nay đạt hiệu quả cao, cần nhận diện rõ âm mưu và nắm vững cơ sở lý luận, thực tiễn; đồng thời, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể là:
Thứ nhất, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chính sách Đảng, Nhà nước; truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc, nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Quán triệt thực hiện Chỉ thị số 34/CT- TW, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa”; Nghị quyết số 35 - NQ/TW của Đảng về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, Luật An ninh mạng…
Thứ hai, tăng cường công tác xây dựng Đảng toàn diện; coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu bổ sung, phát triển lý luận về độc lập dân tộc và CNXH trong bối cảnh mới. Nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng; tăng cường phê bình và tự phê bình, chú trọng công tác cán bộ. Thực hiện tốt nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII của Đảng về xây dựng Đảng. Giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Đẩy mạnh quán triệt Chỉ thị số 23 - CT/TWngày 9/2/2018 của Ban Bí thư “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”. Thực hiện có hiệu quả Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung…
Thứ ba, cần thực hiện tốt đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh thực hành dân chủ gắn liền với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ luật kỷ cương xã hội.
Đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển đồng bộ kinh tế - văn hóa - xã hội; chăm lo vùng dân tộc thiểu số, người khó khăn, nhất là trong ứng phó dịch COVID-19. Xây dựng lực lượng quân đội, vũ trang ngày càng tinh nhuệ chính quy, trang thiết bị quân sự hiện đại; kết hợp phát huy các lực lượng tại địa phương, tạo thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân và thế trận lòng dân vững chắc. Tăng cường cơ chế trao đổi, hợp tác, tham khảo, học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng, phát triển đất nước. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi.
Tăng cường đoàn kết trong Đảng, phát huy khối liên minh công – nông – trí thức và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy vị trí trung tâm, vai trò chủ thể của nhân dân, quyền làm chủ của nhân dân “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.
Thứ tư, cần giữ vững nguyên tắc, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp đấu tranh chống lại các quan điểm, hành vi sai trái, thù địch. Kết hợp chặt chẽ xây với chống, chống với xây.
Kết hợp đấu tranh tư tưởng, lý luận, văn hóa với xử lý kỷ luật, xử lý hành chính, hình sự. Ngăn chặn các tin độc, tin xấu, phủ nhận mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, nhất là trên mạng xã hội. Tăng cường cung cấp thông tin chính thống, lan tỏa thông tin tích cực, lan tỏa tính nhân văn của chế độ ta trong quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh COVID -19, tạo vùng xanh trên không gian mạng.
Thứ năm, cần phát huy vai trò các “binh chủng”, các lực lượng chuyên trách và phát huy lực lượng vĩ đại, hùng hậu của toàn dân. Phát huy vai trò của các học viện chính trị, quốc phòng, các trường chính trị, các khoa lý luận chính trị ở các trường đại học, cao đẳng trên cả nước; vai trò của các tạp chí, báo đài chuyên mảng chính trị, các câu lạc bộ Lý luận trẻ… Đồng thời, cần huy động sự tham gia của đông đảo đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, sinh viên và các tầng lớp nhân dân. Sức mạnh từ tinh thần yêu nước và niềm tin chính trị, ý thức dân chủ XHCN của nhân dân là nhân tố hết sức quan trọng quyết định thành bại của cuộc đấu tranh này.
TS. Nguyễn Anh Tuấn
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
ThS, NCS Nguyễn Thị Kim Quế
Trường Đại học Cần Thơ
------------------
(1) (2) (17) (18) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.109, 156, 108, 109, 61, 205.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t. 2, tr.304.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr.30.
(5) V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Maxcơva, 1977, t.41, tr. 295.
(6) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t.4, tr 623-624.
(7) C.Mác và Ph.Ăngghen: Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb. Sự thật, H, 1976, tr. 34-35.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.1.
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H, 2001, t.12, tr.37.
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 21, tr. 918.
(11) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 37, tr. 143.
(12) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 43, tr. 53.
(13) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 47, tr. 719.
(14) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.51, tr. 133-134.
(15) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.55, tr. 258
(16) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 65, tr.178