Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 24/7/2018 8:17'(GMT+7)

Lan tỏa giá trị nhân văn

Làm thất bại âm mưu của đế quốc Mỹ

Một trong những vấn đề then chốt trong cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ là làm sao đem được sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa miền Bắc tiếp sức cho cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam. Đặc biệt từ sau thất bại trong chiến dịch xuân Mậu Thân năm 1968, đế quốc Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra. Theo Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Hà Tĩnh Trần Quang Trung, thực chất đây là sự điều chỉnh kế hoạch chiến tranh của Mỹ nhằm tập trung binh lực đánh vào vùng trọng điểm từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 20 nhằm cắt đứt sự chi viện của miền Bắc vào chiến trường miền Nam đi qua Hà Tĩnh. 

Từ lý do đó, việc bảo đảm vận tải thông suốt Bắc Nam đặt lên vai Hà Tĩnh một trách nhiệm nặng nề, một thử thách quyết liệt, quyết định sự thắng bại trong cuộc chiến đấu. Tuy nhiên, thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, nhân dân Hà Tĩnh đã phát huy cao độ sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của cả hệ thống chính trị. Với các khẩu hiệu hành động: “Máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”, “Đứt đường như đứt ruột, gãy cầu như gãy xương”; “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Địch phá một thì ta làm mười”; “Xe chưa qua, nhà không tiếc”... hàng nghìn người dân với hàng vạn ngày công cùng tất cả các loại phương tiện như ô tô, ca nô, sà lan, thuyền biển, thuyền nan, xe đạp thồ… đã được huy động cho việc bảo đảm giao thông vận tải.

“Làng Hạ Lôi, xã Tiến Lộc trong một đêm đã phát động được 100 hộ dân phá nhà làm đường cho 130 xe vận tải ra chiến trường. Có người còn hiến cả bộ ván gỗ hậu sự cho chiến dịch có một không hai này. Đây thật sự là một kỳ tích lịch sử. Nhân dân Hà Tĩnh đã góp sức mình, chuyển toàn bộ sức mạnh của miền Bắc, góp sức vào cuộc chiến đấu đang diễn ra quyết liệt trên chiến trường miền Nam”, ông Trần Quang Trung dẫn chứng.

Nhờ mở đường kịp thời, hàng hóa vận chuyển vào Nam theo đường 15A, qua ngã ba Đồng Lộc được lưu thông. Mặt trận giao thông vận tải Bắc - Nam qua địa bàn Hà Tĩnh nói chung và ngã ba Đồng Lộc nói riêng luôn bảo đảm thông tuyến.

Biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Trong điều kiện chiến tranh diễn ra ác liệt, Hà Tĩnh vừa bảo đảm giao thông thông suốt cho vận tải Bắc - Nam, vừa phải tập trung đánh giặc ngay trên quê hương mình. Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà nhận định, đây là biểu tượng cao đẹp của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Ở đó khắc họa hình ảnh một thế hệ thanh niên Việt Nam sống có lý tưởng, có trách nhiệm, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường vì sự nghiệp giải phóng dân tộc; một hậu phương miền Bắc hừng hực khí thế, sẵn sàng hy sinh, dồn sức chi viện cho miền Nam ruột thịt; một Hà Tĩnh kiên cường cùng quân dân cả nước chiến đấu chống lại một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà phân tích, trong cuộc chiến đấu sống mái với quân thù ở ngã ba Đồng Lộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hàng vạn chiến sĩ, bộ đội, thanh niên xung phong và các lực lượng khác cùng các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, quân dân các xã thuộc huyện Can Lộc đã xung phong ra trận địa, bám đường, bám vị trí, đoàn kết, chiến đấu ngoan cường, lao động quên mình để chống lại mọi âm mưu, hành động phá hoại của đế quốc Mỹ. Với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, các lực lượng quân dân trên địa bàn đã dũng cảm, mưu trí, sáng tạo bắn trả máy bay địch, san lấp hố bom, bốc dỡ hàng hóa, bắc cầu, làm ngầm, mở rộng đường, làm đường vòng, đường tránh để bảo đảm vận chuyển hàng hóa vào chiến trường miền Nam.

Trong nhân dân, phát động phong trào “Xe chưa qua, nhà không tiếc”; thanh niên xung phong lăn xả với các phong trào “Địch đánh, ta sửa ta đi”, “Địch đánh ta cứ đi”… Trong nỗ lực chung của các lực lượng, phải kể đến sự đóng góp to lớn của nhân dân, lực lượng dân quân du kích, thanh niên xung phong xã Đồng Lộc và các xã Quang Lộc, Mỹ Lộc, Thượng Lộc, Xuân Lộc, Trung Lộc, Phú Lộc, Sơn Lộc… (huyện Can Lộc). Biết bao người đã được huy động ra mặt đường làm nhiệm vụ giải tỏa giao thông, làm đường, tiếp tế lương thực, thực phẩm, đạn dược, chăm sóc thương binh. Nhiều gia đình đã nhường nhà, vườn tược để làm kho, mở đường tránh, đường xế, làm nơi cứu thương; không ít gia đình xung phong dỡ nhà, đưa ván ra lát đường, chống lầy cho xe qua…

Tinh thần chiến đấu, những đóng góp và sự hy sinh của các lực lượng quân dân trên chiến trường Đồng Lộc là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Đó là hiện thân của lòng yêu nước, lý tưởng sống, tinh thần chiến đấu dũng cảm; khát vọng, ý chí quyết tâm giành độc lập, tự do của nhân dân và thanh niên Việt Nam trong cuộc kháng chiến. “Tiêu biểu cho tinh thần bất diệt ấy là lòng quả cảm, nhân sinh quan, thế giới quan, sự hy sinh của những người con Hà Tĩnh, và cao đẹp hơn cả là của 10 nữ thanh niên Tiểu đội 4 thanh niên xung phong do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng. Các chị đã dâng trọn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp kháng chiến trên quê hương. Tên tuổi, những cống hiến, tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh của “10 bông hoa Đồng Lộc” mãi mãi là bản anh hùng ca trong lòng dân tộc Việt Nam”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà khẳng định./.

Theo daibieunhandan.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất