Phản ánh kịp thời, trung thực tiếng nói của cử tri
Sau hơn 6 tháng phát động, Ban Thư ký Giải Diên Hồng lần thứ hai đã tiếp nhận 2.679 tác phẩm dự thi của 138 cơ quan báo chí Trung ương, địa phương. Hội đồng chấm sơ khảo và chung khảo đã làm việc khách quan, công tâm, minh bạch, lựa chọn được 79 tác phẩm để trao giải, trong đó có 7 giải A, 14 giải B, 20 giải C và 38 giải Khuyến khích; đồng thời thống nhất lựa chọn 15 đơn vị tích cực hưởng ứng tham gia Giải trình Ban Tổ chức khen thưởng. Các tác phẩm tham dự Giải bao gồm đầy đủ các loại hình báo chí và thu hút sự tham dự của các cơ quan báo chí ở cả Trung ương, địa phương, các hội, đoàn thể...
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Giải cho biết, mặc dù mới lần thứ 2 tổ chức nhưng Giải đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương. Hội đồng chấm sơ khảo và chung khảo đều đánh giá, các tác phẩm tham dự Giải có chất lượng rất cao. Nhiều bài viết sâu sắc, khẳng định sự quan tâm, đầu tư của các cơ quan báo chí. Công tác tổ chức tiếp tục được cải tiến, đổi mới để việc tiếp nhận, phân loại, chấm sơ khảo và đặc biệt là chấm chung khảo ngày càng công tâm, khách quan, chính xác hơn.
Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội đồng chấm chung khảo đánh giá, chất lượng Giải năm thứ 2 đã tăng lên đáng kể so với mùa giải đầu tiên. Đáng chú ý là sự bắt kịp của cơ quan báo chí địa phương so với các cơ quan báo chí Trung ương, khoảng cách này đã được thu hẹp hơn. Cách thể hiện của cơ quan báo chí địa phương, nhất là ở thể loại điện tử cũng có sự thay đổi rõ nét. Các nhà báo đã áp dụng công nghệ mới giúp cách thức trình bày hiệu quả hơn, từ đó thể hiện sâu sắc hơn nội dung bài viết. Thể loại truyền hình đã ghi nhận sự tiến bộ của các đài địa phương khi không còn thấy sự “thống trị” của các cơ quan Trung ương trong thể loại này như mùa giải trước.
Theo Ban Giám khảo, các tác phẩm tham dự Giải có nội dung tốt, bám sát hơi thở cuộc sống, làm nổi bật vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần đổi mới, hành động quyết liệt của Quốc hội và Hội đồng nhân dân nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy, kiến tạo sự phát triển, vì lợi ích của nhân dân và đất nước. Nhiều tác phẩm phản ánh chân thực, sâu sắc những đổi mới trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, những vấn đề nóng hổi của cuộc sống được xem xét, thảo luận, giải quyết tại nghị trường và ngược lại các quyết sách của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đã giải quyết, tháo gỡ nhiều vấn đề bức thiết của đất nước, nhân dân...
Nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Phó Chủ tịch Hội đồng chấm chung khảo nhấn mạnh, những vấn đề nóng bỏng của đất nước, những quyết sách quan trọng của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và nguyện vọng của cử tri đã được báo chí phản ánh một cách kịp thời, trung thực. Tiếng nói của Quốc hội, của Hội đồng nhân dân không chỉ từ nghị trường mà đã thấm sâu vào cử tri và các đại biểu của nhân dân. Kinh nghiệm cho thấy, thành công của Quốc hội, nói rộng ra là thành công của Đảng đều bắt đầu từ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân nên tiếng nói của cử tri được trân trọng lắng nghe, trở thành căn cứ để Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đưa ra quyết định. Các tác phẩm tham dự Giải lần này đã nỗ lực thể hiện điều đó, đây là điểm nổi bật rất đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, các nhà báo luôn tìm tòi, đổi mới trong cách tiếp cận, phát hiện vấn đề để tạo ra các sản phẩm báo chí chất lượng.
Tạo sự đồng thuận xã hội
Lễ trao giải Giải Diên Hồng lần thứ hai được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2024). Đây là hoạt động rất có ý nghĩa, thiết thực, giúp những người làm báo cũng như cử tri, nhân dân cả nước hiểu sâu sắc hơn về hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội đối với các quyết sách của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sát sao, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự phối hợp của Chủ tịch Nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; sự ủng hộ, giám sát của cử tri và nhân dân cả nước, hoạt động của Quốc hội đã và đang không ngừng phát huy dân chủ, tăng tính pháp quyền xã hội chủ nghĩa, ngày càng chất lượng, thiết thực, hiệu quả, đi vào chiều sâu, gần dân, sát với thực tiễn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kế thừa và phát huy kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, Quốc hội khóa XV đã có sự chủ động đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động. Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất cũng để lại dấu ấn với những quyết sách chưa từng có tiền lệ để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong giai đoạn mới.
Đáng chú ý, năm 2023, lần đầu tiên trong lịch sử 78 năm hoạt động, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức số lượng kỳ họp nhiều nhất trong một năm với 5 kỳ họp, trong đó có 3 kỳ họp bất thường (lần thứ 2, lần thứ 3, lần thứ 4) để xem xét, quyết định kịp thời 84 vấn đề lớn, quan trọng, kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, góp phần quan trọng ổn định và phát triển đất nước, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tạo tiền đề thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và các năm tiếp theo. Các kỳ họp “bất thường” đã trở thành “bình thường” nhằm đáp ứng đúng và trúng yêu cầu của đời sống kinh tế, xã hội, nguyện vọng chính đáng của cử tri, nhân dân cả nước.
Hoạt động giám sát của Quốc hội được tăng cường và đổi mới, ngày càng thể hiện tính linh hoạt, nhạy bén trước những vấn đề lớn, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, thể hiện rõ triết lý hoạt động của Quốc hội là để kiến tạo phát triển, được cử tri ghi nhận, đánh giá cao. Quốc hội không chỉ thực hiện chuyên đề giám sát tối cao đối với những vấn đề đã thực hiện, có kết quả, mà còn giám sát các vấn đề đang được triển khai trên thực tiễn, như chuyên đề giám sát tối cao 3 chương trình mục tiêu quốc gia giúp Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ, chất lượng thực hiện các Chương trình.
Năm 2023, Quốc hội đã thông qua nhiều quyết sách quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế, tạo nguồn lực phát triển bền vững đất nước như: Tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng; Cho phép tiếp tục phân bổ hơn 100.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Chương trình mục tiêu quốc gia cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để bổ sung thêm vốn cho nền kinh tế...
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, cử tri, nhân dân cả nước cũng như các cơ quan lãnh đạo đều đánh giá hoạt động của Quốc hội ngày càng đổi mới, thiết thực; khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Vì thế, các hoạt động của Quốc hội ngày càng thiết thực hơn, đáp ứng yêu cầu kiến tạo, phát triển đất nước, thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; trên cơ sở đó góp phần nâng cao quản trị quốc gia cũng như thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra. Những quyết sách đó được các cơ quan báo chí phản ánh trung thực, khách quan, kịp thời, lan tỏa, tạo sự đồng thuận xã hội từ đó động viên, khích lệ, để cử tri nhân dân cả nước, các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước trong hệ thống chính trị thúc đẩy kiến tạo đưa nước ta ngày càng phát triển. Đây là một điểm đáng mừng về hoạt động Giải Diên Hồng năm nay.
Phan Phương (TTXVN)