Thứ Bảy, 28/9/2024
Pháp luật
Chủ Nhật, 11/1/2009 8:44'(GMT+7)

Làng đào Nhật Tân: Mất, sẽ khó khôi phục

Nhà văn Băng Sơn bên "Làng đào" Nhật Tân

Nhà văn Băng Sơn bên "Làng đào" Nhật Tân

 

Báo GĐ&XH đã thông tin về kế hoạch xây dựng một công viên cây xanh trên địa phận còn lại “dinh đào” Nhật Tân. PV báo đã trao đổi với nhà văn Băng Sơn - một người dành nhiều thời gian nghiên cứu về văn hoá Hà Nội. Ông cho rằng, nên giữ cho được làng đào Nhật Tân vì nó không đơn thuần là một khu đất mà là nét văn hoá tiêu biểu của Hà Nội.

- Đang có một dự án công viên cây xanh được triển khai trên phần còn lại của làng đào Nhật Tân. Là một người nghiên cứu khá kỹ về văn hoá Hà Nội nói chung và hoa đào nói riêng, ông có thể cho biết ý kiến của mình?

- Trước đây, khi có những dự án trên địa phận làng đào Nhật Tân, tôi đã từng nghe một vị có tên tuổi phát biểu là "mất hoa đào thì người Hà Nội sẽ chơi hoa khác". Nhưng theo tôi, chuyện không đơn giản như vậy. Làng đào Nhật Tân là một nét văn hoá cổ truyền đáng quý của người Hà Nội, đã hình thành và tồn tại đến mấy trăm năm. Nhắc đến Hà Nội, người ta không thể không nói tới làng đào Nhật Tân. Vì vậy, theo tôi không nên làm bất cứ công viên nào trên vùng đất này.

- Nhưng chúng ta có thể xây dựng làng đào khác, hiện một số phần đất trồng đào của Hà Nội cũng đã chuyển ra ngoài bãi, thưa ông?

- Có rất nhiều nơi khác trồng đào được nhưng có lẽ không có nơi nào có đào đẹp như ở Nhật Tân. Ngoài vấn đề truyền thống, kỹ thuật của người trồng hoa vùng này có lẽ còn có yếu tố thổ nhưỡng.

Làng đào là một nét văn hoá đặc biệt của Thủ đô. Chúng ta đã mất làng hoa Ngọc Hà, làng đào Nhật Tân cũng chỉ còn lại một ít chẳng lẽ để mất nốt sao? Mặc dù văn hoá là luôn biến đổi, là tiếp thu cái mới nhưng có những cái thuộc về truyền thống cần phải giữ. Đặc biệt như làng đào Nhật Tân là thứ truyền thống mà nếu để mất một lần sẽ rất khó khôi phục lại. Hơn nữa, nếu mất đi làng đào Nhật Tân cũng kéo theo nhiều giá trị văn hoá phi vật chất mất theo.

- Ông có thể nói rõ hơn những giá trị văn hoá phi vật chất sẽ mất đi nếu làng đào Nhật Tân bị xoá sổ?

- Sản phẩm của những nông dân làng đào không phải như củ khoai, hạt lúa... mà nó là sản phẩm văn hoá. Mà sản phẩm văn hoá này lại điển hình cho Thủ đô Hà Nội. Phần đất trồng đào còn lại chỉ hơn 2 ha nhưng nó là những gì còn lại của “dinh đào”. Chữ "dinh" vốn là một từ rất sang trọng quý giá. Dinh là nơi chỉ dành cho những bậc quyền quý. Đào là một trong những thứ cao quý ấy nên nơi này mới được gọi là "dinh đào". “Dinh đào” tương truyền là nơi được vua Quang Trung lấy đào đưa tận vào Huế để tặng cho công chúa Ngọc Hân. Vì thế, mất làng đào có nghĩa là sẽ mất đi cả những huyền thoại đẹp.

- Nhưng việc xây dựng các công viên cây xanh cũng là việc cần làm của Hà Nội hiện nay?

- Đúng! Xây dựng, thành lập công viên là việc làm rất cần cho thành phố. Vì các công viên chính là "lá phổi" của thành phố, nhưng việc xây dựng không nên tuỳ tiện. Chúng ta đã mở rộng thành phố nên không thiếu gì đất đai để làm công viên ở những nơi khác. Làng Nhật Tân đã mất gần hết đất vì các dự án tại sao phải "len" thêm một dự án nữa vào vùng đất này? Đất ở Thạch Thất, ở Ba Vì... còn rất nhiều. Tại sao những công viên đã tồn tại nhưng cần phải sửa lại, như công viên Thanh Nhàn là một ví dụ, chúng ta lại không tập trung vào đó? Nếu tập trung làm những công viên mà không ảnh hưởng đến vấn đề dân sinh và văn hoá thì rõ ràng sẽ đạt được "thiên thời, địa lợi, nhân hoà". Còn nếu không đạt được những điều đó, ta không nên làm.

- Ông nghĩ như thế nào khi công trình được xem là công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội?

- Nếu công trình triển khai trên địa phận “dinh đào” thì đây là một công trình phản văn hoá Thăng Long. Tôi nghĩ, đây là một nét văn hoá cổ truyền rất cần gìn giữ, vì chính nó là một phần tạo nên sự giàu có về văn hoá ngàn năm của đất Thăng Long. Theo tôi, không có lý do gì để xóa bỏ nét văn hoá đặc sắc này của Thủ đô.

Hoàng Phương (Giadinh.net)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất