Thứ Sáu, 11/10/2024
Đời sống
Thứ Năm, 18/3/2010 10:54'(GMT+7)

Lãnh ấn tiên phong

Đây là địa phương đầu tiên trong cả nước được Chính phủ tin cậy giao thực hiện thí điểm, trước khi triển khai rộng rãi trong khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. Như vậy, tiếp theo sau mô hình “kinh tế mở” được xây dựng tại Chu Lai, chính quyền và người dân Quảng Nam một lần nữa lãnh “ấn tiên phong”  khai phá con đường mới trong công cuộc phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Trong những năm qua, duyên hải miền Trung đã trực diện với ảnh hưởng xấu do biến đổi khí hậu, với mức độ ảnh hưởng ngày càng lớn như bão lũ, hạn hán liên tục... năm sau lớn hơn năm trước. Từ sự cảnh báo chung, cũng như chủ trương của Nhà nước gần đây về vấn đề này, Quảng Nam đã sớm trình Chính phủ một dự án chủ động ứng phó với BĐKH.

Theo ông Đỗ Xuân Diện - Phó ban thường trực Ban quản lý, sắp xếp dân cư ven biển Quảng Nam - thì chương trình kinh tế ven biển của địa phương có thể được coi gần với việc “sắp xếp lại giang sơn”.

Nội dung chương trình  ngoài ý nghĩa bố trí lại dân cư toàn vùng ven biển, để chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai đối với đời sống người dân mang tính xã hội, đồng thời sau đó tiến hành tái tạo sử dụng toàn bộ quỹ đất sau khi sắp xếp, để đầu tư phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, du lịch là cả một công cuộc kinh tế lớn.

Ngoài ra sự song hành giữa chương trình với công cuộc phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai, sẽ xây dựng tại đây một “trục động lực” ven biển phía đông, phù hợp với quy hoạch quốc gia về vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Dự kiến, tổng chi phí cho chương trình kinh tế ven biển trong năm 2010 sẽ không ít hơn vài nghìn tỉ đồng - một con số không nhỏ và dường như quá sức với một tỉnh còn khó khăn như Quảng Nam; quan trọng nữa, 10 vạn dân trong phạm vi chương trình rồi sẽ đối mặt với một núi những bộn bề lo toan cho một “giang sơn mới”.

Nhìn lại lịch sử gần, trong thời bao cấp, Quảng Nam cũng là một trong những vùng đất đầu tiên dám “xé rào” tiếp cận với cơ chế thị trường sớm, với phong trào khoán sản phẩm trong nông nghiệp; hay mở ra chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, với hàng loạt công trình thủy điện đầu tiên trong cả nước ở Duy Sơn, Duy Trinh... Xa hơn - trong những năm thế kỷ 14, 15 - dân đất Quảng Nam cũng là người đi trước trong hành trình “mở đất” về phương Nam của dân tộc.

Với khí chất mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm trong lịch sử... liệu Quảng Nam có thực hiện thành công công cuộc “ sắp xếp lại giang sơn” như mong mỏi của chính quyền trung ương và địa phương hay không, không chỉ phụ thuộc vào truyền thống, vào sự đồng thuận của người dân đối với chủ trương, mà còn cần sự cân nhắc cẩn trọng, đầy tâm huyết của các cơ quan chính quyền và bộ, ngành có liên quan./.

(Theo Lao Động online)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất