Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Ngành giáo dục cần hội nhập quốc tế
Tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự lễ khai giảng ở Trường THPT Chu Văn An.
Buổi lễ còn có sự tham dự của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Chử Xuân Dũng.
Trong thư gửi học sinh đầu năm học mới, Chủ tịch nước viết: "Tôi mong các thầy giáo, cô giáo giữ vững ngọn lửa đam mê với sự nghiệp giáo dục, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong dạy học; các em sinh viên, học sinh phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, ý chí vươn lên, thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt để mai sau cống hiến cho nước nhà"
Tại TP. HCM, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự lễ khai giảng tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Cùng dự có ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban văn hoá giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng Quốc hội.
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là một trong những trường chuyên nổi tiếng tại TPHCM có lịch sử lâu đời.
Năm học 2018-2019, TP.HCM có hơn 1.677.071 học sinh.
Trong khi đó, Bí thư Thành uỷ TP.HCM - ông Nguyễn Thiện Nhân dự khai giảng tại Trường THPT Gia Định. Đây là lần đầu tiên Trường THPT Gia Định khai giảng ở địa điểm mới sau cuộc chuyển địa điểm vào tháng 10/2017 đến một địa điểm đẹp hơn.
Năm nay, ngôi trường này được xây mới hoàn toàn tại vùng đất mới ở Bình Thạnh.
Tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018 - 2019, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM ví von, "TP.HCM như một tổng công ty xây dựng trường học" vì năm nào cũng xây trường.
Theo ông Nhân, trung bình cứ 5 năm, TP.HCM lại có thêm 1 triệu dân nên 5 năm phải xây đủ trường cho 1 triệu người dân này. Cả nước, quy định dành 20% ngân sách cho giáo dục, nhưng TP.HCM luôn bố trí 25% ngân sách cho giáo dục đào tạo.
Tại Ninh Thuận, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đến dự khai giảng tại Trường THPT Dân tộc nội trú Ninh Thuận (DTNT).
Năm học mới 2018-2019, toàn trường có 37 cán bộ, giáo viên, viên chức, người lao động; 291 học sinh của 3 khối lớp, trong đó khối 10: 3 lớp/112 học sinh; khối 11: 3 lớp/88 học sinh; khối 12: 3 lớp/91 học sinh. Có 6 dân tộc anh em chung sống học tập tại trường, trong đó chủ yếu học sinh là người dân tộc Raglay 213/291 (tỷ lệ 73.2%), dân tộc Chăm 71/291 (tỷ lệ 24.4%), còn lại dân tộc khác 7/291 (tỷ lệ 2.4%).
Cô trò trường THPT dân tộc nội trú Bình Thuận rạng rỡ trong ngày khai trường. Ảnh: Phương Hà
Theo dự báo của Bộ GD-ĐT, năm học này sẽ có 8,359 triệu học sinh tiểu học, 5,603 triệu học sinh THCS và 2,578 học sinh THPT./.
Theo Vietnamnet