Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc kiểm tra tình hình khắc phục thiệt hại do bão số 3 tại tỉnh Bắc Kạn
Chiều 10/9, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc
và Đoàn công tác của Chính phủ đã đến kiểm tra tình hình mưa, lũ, ứng
phó, khắc phục thiệt hại do bão số 3 tại tỉnh Bắc Kạn.
Phó Thủ tướng và đoàn công tác đến kiểm tra tình hình khu vực ngập lụt
cục bộ sau bão số 3, tại Tổ 6 (thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ Mới), thăm
hỏi, động viên và trao quà cho một số hộ gia đình khó khăn nơi đây.
Làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn, huyện Chợ Mới, Phó Thủ tướng ghi
nhận tinh thần chủ động, quyết liệt trong công tác chống bão của tỉnh.
Đồng thời, Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh triển khai ngay một số việc. Trong
đó, tỉnh thông báo rộng rãi về tình hình bão, lũ để bà con yên tâm, nêu
cao tinh thần cảnh giác với những diễn biến về mưa, lũ. Bắc Kạn cần chỉ
đạo huyện Chợ Mới và các cơ quan xây dựng lại nhà cho người dân mất nhà
và sửa lại nhà bị hư hỏng do ảnh hưởng bão; tập trung khắc phục, sửa
chữa ngay các công trình hạ tầng; rà soát kỹ hệ thống cầu treo bắc qua
sông, qua suối để bảo đảm an toàn cho người dân; xử lý những điểm sạt lở
khẩn cấp cạnh quốc lộ, tỉnh lộ, khu dân cư. Lực lượng chức năng sửa
chữa, làm sạch đất tràn vào cơ sở y tế, trường học bị ảnh hưởng mưa, lũ,
sạt lở đất; đảm bảo an toàn trật tự trên địa bàn khi người dân phải di
dời do ngập úng, sạt lở đất...
Với những đề xuất của tỉnh Bắc Kạn, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết
sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để giải quyết ngay, trước tiên cấp
100 tấn gạo và 20 tỷ đồng để tỉnh giải quyết những vấn đề cấp bách. Phó
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế cấp ngay 5.000 lít hóa chất khử trùng và huy
động lực lượng giúp tỉnh, huyện Chợ Mới đảm bảo làm sạch môi trường...
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình đã báo
cáo Phó Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác về công tác triển khai
phòng, chống, khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng cơn bão số 3 trên địa
bàn.
Đến chiều 10/9, Bắc Kạn vẫn gặp rất nhiều khó khăn, nhiều vùng bị ngập
lụt; sạt lở đất xảy ra ở nhiều nơi gây thiệt hại lớn về tài sản và ảnh
hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của người dân. Giao thông
nhiều nơi bị đình trệ do sạt lở đất, nhiều thôn, bản bị cô lập do ngập
lụt; thiếu nguồn lương thực, thực phẩm, thuốc men cho người dân vùng bị
ngập lụt.
Để sớm ổn định và khôi phục sản xuất sau bão, tỉnh Bắc Kạn đề nghị,
trước mắt Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại do
thiên tai trên địa bàn; về lâu dài, đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các
bộ, ngành tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng giao
thông, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai; cơ sở vật chất trường
học, lớp học, y tế...
Bộ Quốc phòng kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại Lạng Sơn
Ngày 10/9, Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng, do Thiếu tướng Trần Trung
Thiết, Phó Cục trưởng Cục tổ chức, Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân
Việt Nam làm Trưởng đoàn đã về kiểm tra công tác khắc phục hậu quả cơn
bão số 3 và hoàn lưu bão tại tỉnh Lạng Sơn.
Báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh
Lạng Sơn cho biết, tính đến 9 giờ ngày 10/9, bão số 3 đã khiến 2 người
thiệt mạng, 10 người bị thương; hơn 7.710 gia đình bị thiệt hại về nhà
ở, chủ yếu là tốc mái; trên 7.450 ha cây trồng và hơn 4.260 ha cây lâm
nghiệp bị ảnh hưởng. Ước tính sơ bộ thiệt hại do bão số 3 gây ra tại
tỉnh khoảng 550 tỷ đồng.
Lực lượng chức năng địa phương đã huy động trên 7.800 lượt cán bộ, chiến
sĩ, dân quân, công chức, viên chức, người dân hỗ trợ, di dời trên 1.000
hộ dân ra khỏi các vị trí có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đến nơi an toàn.
Tại cuộc làm việc với Đoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn
Thanh Sơn khẳng định: Cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã chủ
động, huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện tham gia phòng, chống,
khắc phục hậu quả bão số 3 và hoàn lưu bão.
Các tuyến đường giao thông chính trên địa bàn bị ảnh hưởng đã cơ bản
được khắc phục, bảo đảm lưu thông. Khi nước rút đến đâu, lực lượng chức
năng địa phương hỗ trợ nhân dân dọn dẹp, vệ sinh môi trường, từng bước
ổn định cuộc sống cho người dân. Chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể,
nhà hảo tâm đã tổ chức hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết kịp thời cho người
dân bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, đang bị cô lập, ở trong vùng ngập sâu...
Tại buổi kiểm tra, Thiếu tướng Trần Trung Thiết chia sẻ với những khó
khăn, mất mát mà nhân dân tỉnh Lạng Sơn phải hứng chịu do bão lũ gây ra;
đồng thời, đề nghị, cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, lực lượng
chức năng của tỉnh tiếp tục chủ động, nắm bắt, dự báo sát tình hình bão
lũ, không để bị động bất ngờ. Đơn vị chức năng duy trì nghiêm chế độ ứng
trực ở các cấp, huy động lực lượng tham gia giúp đỡ người dân khắc phục
thiệt hại do bão lũ gây ra; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch,
bệnh sau lũ; làm tốt công tác thăm hỏi, động viên các gia đình bị ảnh
hưởng của bão...
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng đã đã kiểm tra công tác
khắc phục hậu quả, ổn định đời sống sau bão, lũ tại huyện Tràng Định và
huyện Văn Lãng.
Thái Bình kiểm tra các điểm xung yếu
Trước tình hình diễn biến phức tạp của hoàn lưu bão số 3 gây lũ lớn
tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc, nhằm chủ động ứng phó, hạn chế thấp
nhất thiệt hại do lũ gây ra, chiều 10/9, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã trực
tiếp đi kiểm tra tại các vị trí xung yếu trên địa bàn.
Tại huyện Vũ Thư, kiểm tra kè Súy Hãng (xã Minh Lãng), trạm bơm Phù Sa
(xã Tự Tân) và điểm xung yếu xã Vũ Vân, Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải nhấn
mạnh, đây là trận lũ lịch sử hiện đang ảnh hưởng nặng nề đến các tỉnh,
thành phố phía Bắc. Tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp, nguy cơ
ảnh hưởng đến tỉnh Thái Bình là rất lớn. Do vậy, cấp ủy, chính quyền địa
phương và nhân dân không được chủ quan, sẵn sàng, chủ động mọi phương
án ứng phó khi có tình huống xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”. Với
diễn biến hiện nay, các địa phương trong tỉnh chuyển trọng tâm từ tiêu
úng, khắc phục hậu quả của bão số 3 sang ứng phó với lũ và đề phòng nguy
cơ vỡ đê nhằm đảm bảo an toàn cho người, tài sản và giữ vững đê quốc
gia.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp nghiêm túc chấp
hành các chỉ đạo của Trung ương và địa phương, phân công, tổ chức ứng
trực, đặc biệt là tại các địa bàn xung yếu; đồng thời theo dõi, cập nhật
đầy đủ thông tin, tăng cường tuyên truyền thông tin đến người dân để
chủ động các phương án bảo đảm an toàn. Chính quyền cơ sở nắm chắc diễn
biến tại địa bàn để có phương án ứng phó hiệu quả. Khi xảy ra nguy cơ vỡ
đê cần huy động lực lượng xử lý ngay; quyết liệt di dời người dân khi
có tình huống khẩn cấp. Huyện Vũ Thư nói riêng và các địa phương trong
tỉnh nói chung cần chủ động, sẵn sàng phương án nguồn lực, vật tư cũng
như chuẩn bị nhu yếu phẩm, thuốc men… phục vụ nhu cầu của nhân dân.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái
Bình, mực nước lũ trên các sông trong tỉnh đang lên rất nhanh và sẽ còn
tiếp tục lên, diễn biến phức tạp. Tỉnh đã ra lệnh báo động số III trên
sông Trà Lý; lệnh báo động số II trên các sông Hồng, Luộc và Hóa. Từ 3
giờ đến 17 giờ ngày 10/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm
cứu nạn tỉnh đã ban hành 4 công điện khẩn kịp thời triển khai các hoạt
động ứng phó với diễn biến nước dâng nhanh trên các sông qua địa bàn.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Bình, lúc 15 giờ ngày 10/9 mực
nước tại trạm Quyết Chiến (sông Trà Lý) là 4,76m (cao hơn báo động III
0,86m), trạm Thái Bình (sông Trà Lý) là 3,53m (ở mức báo động III), trạm
Tiến Đức (sông Hồng) là 5,83m (cao hơn báo động II 0,23m), trạm Triều
Dương (sông Luộc) là 5,63m (cao hơn báo động II 0,23m).
Dự báo trong hôm nay và ngày mai (11/9), mực nước trên các sông tiếp tục
lên, trong đó mực nước tại các trạm trên sông Trà Lý tiếp tục duy trì
cao hơn báo động III; cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra ngập lụt vùng
trũng thấp bãi bồi ven các sông Trà Lý, Hồng, Luộc tại các huyện Hưng
Hà, Đông Hưng, Vũ Thư, Quỳnh Phụ, Kiến Xương, thành phố Thái Bình và sạt
lở đất, đê kè xung yếu; cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ là cấp
2, cấp 3./.