Thứ Sáu, 11/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 4/3/2020 8:41'(GMT+7)

Lãnh đạo Nga và Đức điện đàm về chiến sự Idlib ở Syria

Bệ phóng rocket di động của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nã rocket từ một vị trí gần làng Miznaz, ngoại ô phía Tây tỉnh Aleppo, Syria ngày 14/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bệ phóng rocket di động của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nã rocket từ một vị trí gần làng Miznaz, ngoại ô phía Tây tỉnh Aleppo, Syria ngày 14/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 3/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm về khu vực chiến sự Idlib ở Syria.

Một phát ngôn viên Chính phủ Đức đã xác nhận về cuộc điện đàm trên, song không cho biết thêm thông tin.

Theo thông tin của hãng thông tấn RIA của Nga, cuộc điện đàm tập trung về vấn đề Syria, trong đó hai nhà lãnh đạo bày tỏ hy vọng cuộc gặp giữa Tổng thống Putin với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào ngày 5/3 tới ở Moskva có thể đi đến một giải pháp cho vấn đề Syria.

Trong khi đó, theo Điện Kremlin, cuộc điện đàm thảo luận về vấn đề Idlid giữa Thủ tướng Merkel và Tổng thống Putin được thực hiện theo đề nghị của phía Đức.

Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về tình hình Libya, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các bên xung đột duy trì lệnh ngừng bắn cũng như các quyết định được đưa ra tại Hội nghị Berlin mới đây.

Trước đó, tối 2/3, Thủ tướng Merkel cũng đã điện đàm với Tổng thống Erdogan. Nhà lãnh đạo Đức đã nhiều lần tuyên bố muốn gặp trực tiếp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Pháp để cải thiện tình hình nhân đạo cho người dân ở Idlib.

Quan hệ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang gia tăng căng thẳng xung quanh vấn đề Idlib. Từ tháng 12/2019, quân đội Syria, với sự hậu thuận của Nga, đã mở chiến dịch giành lại quyền kiểm soát vùng lãnh thổ Tây Bắc nước này, khu vực được coi là thành lũy cuối cùng của phiến quân tại Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia ủng hộ một số nhóm phiến quân tại khu vực, phản đối chiến dịch, cho rằng vi phạm thỏa thuận mà Moskva và Ankara đã ký kết về việc thiết lập vùng an toàn tại vùng này.

Thổ Nhĩ Kỳ tấn công đáp trả quân của lực lượng chính phủ Syria với cáo buộc các đợt tấn công của chính phủ Syria khiến nhiều binh lính Thổ Nhĩ Kỳ đồn trú tại các trạm giám sát trong vùng thiệt mạng.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành hai vòng đàm phán cấp chuyên viên nhưng không hiệu quả. Trong vài ngày qua, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn rơi 3 máy bay của các lực lượng Chính phủ Syria tại Idlib và không kích một sân bay quân sự ở bên ngoài khu vực tiền tuyến.

Tình hình càng trở nên rối ren khi Mỹ tuyên bố sẽ ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 3/3, đặc phái viên của Mỹ tại khu vực James Jeffrey khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh NATO và Mỹ sẵn sàng viện trợ đạn dược cũng như nhân đạo cho đồng minh này trong chiến dịch tại Idlib.

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ David Satterfield cho biết Washington đang xem xét yêu cầu của Ankara về các hệ thống phòng không

Căng thẳng cũng khiến vấn đề người di cư châu Âu nóng trở lại sau khi Thổ Nhĩ Kỳ hồi tuần trước tuyên bố sẽ không tiếp tục ngăn người di cư Syria, chạy trốn bạo lực tại Idlib, sang châu Âu thông qua các tuyến đường bộ hay đường biển.

Theo Liên hợp quốc, khoảng một triệu người dân ùng Idlib đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn kể từ khi chiến sự nổ ra tại vùng này hồi tháng 12/2019. Việc Thổ Nhĩ Kỳ "mở cửa" cho người di cư gây ra một làn sóng ồ ạt đổ tới cửa ngõ châu Âu mà Hy Lạp là quốc gia đầu tiên hứng chịu.

Ngày 3/3, người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi đã hối thúc các quốc gia châu Âu tăng cường hỗ trợ cho Athens đồng thời cho rằng thay vì tranh cãi, các quốc gia nên nhìn nhận gốc rễ dẫn tới cuộc khủng hoảng người di cư.

Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cam kết EC sẽ hỗ trợ mọi thứ cần thiết để Hy Lạp ứng phó với làn sóng di cư từ quốc gia láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ. Bà khẳng định vấn đề hiện tại không chỉ là vấn đề của riêng hy Lạp mà còn là trách nhiệm của toàn khối EU.

Thủ tướng Hy Lap Kyriakos Mitsotakis cũng bày tỏ hy vọng EU sẽ thừa nhận trách nhiệm trong vấn đề này.

Trong diễn biến khác liên quan, ngày 3/3, Nga đã bác bỏ các thông tin của Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia phương Tây về dòng người di cư và cuộc khủng hoảng nhân đạo tại vùng Idlib, Tây Bắc Syria, đồng thời cho rằng những thông tin này là vô căn cứ.

Hãng tin Interfax dẫn một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga cho biết khoảng 200.000 người di cư hiện đang ở gần biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ do tình hình chiến sự ở Idlib. Tuy nhiên, bộ này khẳng định con số người di cư vượt biên giới từ vùng chiến sự tại Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ từ đầu năm 2020 tới nay không vượt quá 35.000 người.

Cùng ngày, phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Phần Lan tại Helsinki, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Moskva sẽ không ngừng hoạt động chống khủng bố tại khu vực Idlib để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư châu Âu./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất