Sáng 30/3, Đoàn đại biểu TP.HCM thành kính dâng hương, dâng hoa, dành phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Tôn Đức Thắng - người chiến sỹ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo mẫu mực của cách mạng Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 42 năm ngày mất của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (30/3/1980-30/3/2022), sáng 30/3, Đoàn đại biểu Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chi Minh do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên làm trưởng đoàn đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại đây, Đoàn đã thành kính dâng hương, dâng hoa và dành phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Tôn Đức Thắng - người chiến sỹ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo mẫu mực của cách mạng Việt Nam, người đã cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Sau lễ dâng hoa, dâng hương, các đại biểu đã dự buổi họp mặt ôn lại truyền thống, cuộc đời sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng - vị lãnh tụ của giai cấp công nhân, một tấm gương sáng về cần, kiệm, liêm, chính, hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân; là tấm gương và là niềm tự hào của giai cấp công nhân Việt Nam.
Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng - người đã sáng lập ra tổ chức Công hội Đỏ, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỷ 20; tạo một bước ngoặt to lớn trong phong trào đấu tranh của công nhân, chuyển từ đấu tranh tự phát sang đấu tranh tự giác; từ việc đấu tranh chỉ để đòi những quyền lợi trước mắt sang đấu tranh có tổ chức và mang tính chính trị, góp phần quan trọng vào phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân thế giới.
Tưởng nhớ đến Chủ tịch Tôn Đức Thắng, ông Phạm Thành Nam, Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng chia sẻ: Dù ở bất cứ cương vị nào, từ người thợ, trong chốn lao tù hay khi gánh vác trọng trách của Đảng và Nhà nước, Bác Tôn luôn dành tất cả tình cảm cho đồng bào, đồng chí; hiến dâng đời mình cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.
Tài năng lớn nhất ở Chủ tịch Tôn Đức Thắng là tổ chức, tập hợp những người cùng chí hướng, cảm hoá kẻ lầm đường, tập hợp các lực lượng yêu nước, khơi dậy sức mạnh toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người trở thành biểu tượng tiêu biểu của sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.
"Học tập ở Chủ tịch Tôn Đức Thắng là tấm gương sáng về ý chí kiên cường, tinh thần đấu tranh cách mạng, suốt đời hy sinh phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; đó còn là tấm gương kiên trung của người tù khổ sai bị đày ra Côn Đảo.
Nhân cách của Bác Tôn là nhân cách của người cộng sản gương mẫu, tiêu biểu cho đạo đức cách mạng, là bài học thiết thân của các thế hệ Việt Nam. Ở cương vị nào, Bác cũng thể hiện phẩm chất đạo đức cách mạng: Bình dị, thanh liêm chính trực, luôn đặt lợi ích chung lên lợi ích riêng, hết lòng vì nước, vì dân," ông Phạm Thành Nam nhấn mạnh.
Dù đã đi xa, nhưng Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã để lại di sản vô cùng quý giá; tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng còn mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng dân tộc và trong trái tim nhân loại.
Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng là tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước; sự trung thành, tận tụy với sự nghiệp cách mạng; tinh thần anh dũng, bất khuất; đức tính khiêm tốn, giản dị; tình thương yêu đồng chí, đồng bào; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết quốc tế vô sản.
Trước đó, lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trật Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chi Minh cũng đã đến viếng, dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh./.
Theo TTXVN