Xã Ngư Lộc nay thuộc huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá có chiều dài bờ biển 1,2 km, phía Đông là đảo Nẹ, phía Bắc giáp với cửa Sung, phía Nam giáp với cửa biển Lạch Trường, phía Tây neo đậu vững chắc vào đất liền. Với vị trí "đứng trước biển", xa xưa nơi đây đã từng là đường hàng hải quốc tế từ Trung Quốc đến các nước Đông nam Châu Á và Ấn Độ. Từ buổi ban đầu, cư dân nơi đây đã biết làm nghề đánh cá bằng cách đan lưới xe sợi, dùng những viên đá mềm mài rãnh để làm chì lưới đánh cá. Cùng với việc xe sợi đan lưới đánh cá, người Diêm Phố - di duệ của người Gò Trũng xưa còn biết kết những cây bương, tre lại thành bè mảng, đóng thuyền để ra biển đánh cá và vươn tới các vùng biển xa.
Từ bao đời nay, người Diêm Phố có phong tục thờ cúng ông bà tổ tiên, thờ Phật, Nho, Lão giáo... nhưng nổi bật và in đậm trong tâm thức của những người dân biển Diêm Phố là tục thờ cá Voi (Ông Nam Hải ). Cá Voi là vật linh, đấng cứu nhân độ thế được ngư dân tôn sùng, biết ơn và tiến hành cúng tế với những nghi thức trang trọng, thành kính.
Diêm Phố có chùa Hoa Liên thờ Phật, nghè cả Tứ vị Thánh Nương, đền thờ Nẹ Sơn đại vương đảo Nẹ giữa biền khơi và chếch sau chùa Hoa Liên là đền thờ cá Ông. Đền này được xây dựng năm 1739 có tiền đường, trung đường hậu cung gồm 10 gian, có kiến trúc vững chãi để chống lại thời tiết khắc nghiệt của vùng nắng gió và bão tố này. Trong đền còn lưu giữ hai sắc phong của triều đình nhà Nguyễn vào năm Đồng Khánh thứ 2 (1887) và năm Khải Định thứ 9 (1924) ghi công của "Trừng Kham Dực Bảo Trung Hưng Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lâm tôn thần. Vì ngài đã có công bảo vệ đất nước, che chở nhân dân nhiều lần tỏ rõ sự linh ứng..." và sắc cho làng Diêm Phố có trách nhiệm thờ cúng. Đồ thờ có một kiệu, một long ngai bằng đá, một thuyền rồng bằng đá, các bát hương, bộ ngũ sự. Đặc biệt có bộ xương cá Voi rất lớn được đặt trong hòm kính để thờ. Ở tiền đường có bức đại tượng cổ chạm khắc công phu ghi 3 chữ " vạn cổ hương" với tứ linh, tứ quy chạm chìm.
Theo bà con trong vùng kể lại, vào năm 1739 có một người đánh cá làng Diêm Phố trong một cơn bão tố bị lật thuyền giữa biển khơi đã được cá Voi đưa vào bờ. Sau khi người đó thoát chết, con cá lớn đó bị mắc cạn và nằm lại đất liền. Sau khi cá Ông luỵ, dân làng dùng một trăm lá chiếu đắp cho cá Ông rồi sau đó làm lễ chôn cất. Chính người ngư dân được cá Voi cứu thoát chết đã đứng ra chịu tang và có trách nhiệm thờ cúng cá Ông. Ba năm sau, dân làng làm lễ bốc hài cốt cá Ông. Bộ xương cá voi được chia làm ba phần, rước vào thờ ở các đền thuộc các làng biển: Diêm Phố (Ngư lộc), Phú Lương (Hưng Lộc) huyện Hậu Lộc và đền thờ ở xã Hoàng Thanh huyện Hoàng Hoá. Đến nay riêng bộ xương cá Voi ở đền Ngư Ông, Diêm Phố là còn giữ được.
Tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông của ngư dân làng Diêm Phố xưa được tổ chức tế lễ vào ngày 23 tháng chạp, cũng là ngày cá Ông luỵ vào bờ. Tín ngưỡng này gắn liền với lễ hội Cầu Ngư (xưa còn gọi là Cầu Mát ) thờ các vị thần biển và đám rước Hội đồng thần linh, đó là một trong những lễ hội lớn nhất của ngư dân không chỉ ở Hậu Lộc mà còn có sức thu hút cả những ngư dân miền biển tỉnh Thanh về dự.
Lễ hội Cầu Ngư tổ chức thành lệ, mỗi năm một lần. Năm nào được nhiều tôm cá thì năm đó lễ hội tổ chức lớn. Từ năm 1945 trở lại đây lễ hội được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 22 và kết thúc ngày 24 tháng 2 âm lịch. Lễ trọng là ngày 24.
Ngày đầu tiên (ngày 22), tuỳ theo con nước lên hoặc xuống để thuyền cập vào đảo, dân làng tổ chức rước kiệu từ đền thờ cá Ông dong thuyền ra đảo Nẹ. Sau khi đám rước từ đảo Nẹ về thì yên vị tại khu thờ tự của làng để sáng hôm sau (ngày 23 rước về đàn tế. Đi đầu đám rước là đội múa lân, phường bát âm và cờ hội, tiếp đến là kiệu Phật, Nẹ Sơn tồn thần (Vua Thuỷ phủ), kiệu Tứ vị Thánh Nương, kiệu cá Ông, sau này được rước thêm là kiệu Mẫu và rước bè thờ (những người dân tử nạn vì bão gió), đi qua nơi đóng Long Châu, thuyền rồng chờ sẵn và nối theo đám rước. Khi các kiệu và Long Châu đã vào vị trí, ông chủ tế làm lễ yên vị, theo thứ tự các cụ trong hội đồng bô lão, cụ tiên chỉ, các chức sắc trong làng vào lễ trước sau đó là các dòng họ, bà con dân làng và khách thập phương lần lượt vào lễ.
Sáng ngày 24, dân làng rước cỗ từ nhà trọ tới đàn tế. Đi đầu là đội múa lân, cờ hội, phường bát âm, đội trống rước, ban hành lễ, thầy cúng, đại diện các cố (dòng họ), hội nàng Nga (các bà và thôn nữ ) biểu diễn trên đường rước cỗ, rước chín hộp sơn son thiếp vàng đựng cỗ, bánh chưng, các bà già miệng tụng kinh niệm phật, rồi tiếp đó nối theo đám rước là dân làng và khách thập phương. Tại đàn lễ 21 trống cái và trống con nhất tề tấu lên điệu trống tế, kèm với đội bát âm tấu điệu Lưu thuỷ để tế thần. Dân làng tề tựu đông đủ khói hương nghi ngút hướng tâm linh của người dự lễ tới Hội đồng thần linh và "Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân tôn thần". Đúng 12 giờ trưa (chính Ngọ), sau một hồi 3 tiếng khai trống các màn diễn và các nghi thức tế lễ được tiến hành: bắt đầu là đội múa lân, tiếp đó là tế lễ. Đội tế của làng gồm có: Ông chủ tế và những người giúp việc. Trong âm thanh của chiêng trống, đàn sáo, sau khi thực hiện những nghi thức ban đầu ông chủ tế bắt đầu hành lễ. Chủ tế chắp tay hướng vào đàn vái lễ, sau mỗi lần vái chiêng trống liền phụ họa, dân làng theo nhịp trống vái theo chủ lễ, trong khi tế lễ có đọc chúc văn tế Hội đồng thần linh và cá Ông và hoá chúc.
Sau khi tế lễ tại đàn tế, ông chủ lễ tiến ra trước Long Châu đang hướng vào đàn lễ. Long Châu có độ dài từ 9 -10m, cao 2m, rộng khoảng 1,6m, cột treo cờ đại cao tới 7m, phía ngoài được dán giấy màu với những họa tiết của thân và vây rồng. Xung quanh thuyền được dán giấy mầu, trang trí hình các con vật ở biển như cá, tôm, cua, mực… Mạn thuyền cắm hai dãy cờ ngũ sắc, giữa thuyền có một lá cờ đại màu đỏ và hai biển lớn đề chữ “Thuận phong”.
Các tượng pháp bố trí trên Long Châu được phân thành 2 khu chính là mũi và lái, ở 2 vị trí này có Tổng lái và Tổng mũi cai quản và chỉ huy. Phần lái được cấu tạo 3 tầng. Trên cùng ở vị trí cao nhất là tượng ông Công Minh, được che lọng, ở khoang giữa, hai bên có hai ông một vẫy mưa một vẫy gió, phía sau có ông Tổng lái, hai sư tử đứng chầu và có một chiếc võng cho Tổng lái nghỉ ngơi; hai tầng dưới trải chiếu hoa. Bên ngoài tam toà là Thượng Tổng lái ngồi trên ghế có lọng che, hai bên có cô hầu dâng lễ và chim phượng múa. Hai bên mạn thuyền có 8 thủy binh chèo thuyền.
Phần mũi là khu vực thuộc quyền của Tổng mũi cai quản và chỉ huy. Khu vực này có 2 tầng, tầng trên có lọng xanh che cho Tổng mũi. Tổng mũi cầm hai đại đao lớn đứng chỉ huy, cờ ngũ sắc, bầu rượu. Tầng một có chiêng trống trống và khí giới, đáng chú ý là mũi thuyền đặt một khẩu súng thần công rất lớn, hình dáng và màu sắc không khác gì súng thần công thật. Chạy dọc suốt hai bên mạn thuyền có tứ linh: Long, Ly, Qui, Phượng cạp mạn, gần cuối Long châu có hai thuyền bát nhã (thuyền con). Trong Long Châu có đặt các loại lương thực, thực phẩm như: muối, gạo, thuốc lào, ống bương đựng nước và một quả bí ngô rất to chín đỏ... những vật dụng tối thiểu dùng cho những người đi biển.
Sau đó chủ lễ đặt lệnh vào Long Châu và cầm tờ trát kèm với 3 nén hương như viết vào khoảng không trước mặt và trịnh trọng đọc trát. Khi kết thúc nội dung bài trát, lúc này những người rước Long Châu dịch chuyển Thuyền Rồng quy mũi hướng về phía Nam tiến ra nơi tiếp giáp với chân sóng, gần với cửa sông Lạch Trường thì dừng lại. Tại đây chủ lễ tiếp tục làm lễ lần cuối và đọc thông điệp “Thông thuỷ’” trước tiễn Long Châu. Sau khi thông điệp “Thông thuỷ” được truyền đi với sự chứng giám lễ tiễn Long Châu của hàng vạn ngư dân và khách thập phương, Long Châu theo nước triều lên tiến ra biển lớn trong tiếng hò reo của dân chúng cho tới khi chỉ còn một bóng mở hòa vào biển biếc mênh mang. Trong lễ hội cầu ngư dân tổ chức bơi thuyền làm đẹp lòng các vị thần biển và cá Voi vừa để rèn luyện sức khoẻ dẻo dai, sự lanh lợi của ngư dân làm nghề chài lưới trên sông biển.
Lễ hội cầu ngư, rước hội đồng thần linh ở Diêm Phố - Ngư Lộc thể hiện sự kính trọng, biết ơn của ngư dân đối với các vị thần biển và cá Voi. Công đức của cá Ông- Đại Càn Quốc gia Nam Hải được triều đình nhà Nguyễn phong sắc: “Đại Càn Quốc gia Nam Hải rõ ràng linh thiêng, đáp ứng ơn huệ, cảm điều thiện, làm điều minh bạch, tin điều tốt đẹp, cứu tế nổi tiếng, đức độ thuần phát, nổi tiếng nhân đạo, hiền hoà, ơn trạch rộng lớn, thanh khiết rõ ràng, minh triết thông tuệ, bảo vệ đất nước, cứu đời...”.
Lễ hội cầu ngư ở Ngư Lộc không chỉ là lễ hội tín ngưỡng, thông qua nghi lễ đã được “thiêng hóa”, ẩn chứa thông điệp gắn với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc ta thời Nguyễn gắn với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nghi lễ Long Châu tiến ra biển trải thời gian vẫn còn lưu lại trong bài băn khấn với: Tả văn, hữu võ/Cờ súng nghiêm minh/... Quân khí, quân lương/Nạp cho đầy đủ/... Dòng nước bạc không ngày gặp lại/Nén hương thơm phảng phất u minh/... /Lệnh ý chỉ, xuất đi Nam Hải/… Tiến ra Hải Nam… đó là một thông điệp cho con cháu hôm nay biết rằng, chí ít là vào thời Nguyễn, những cư dân biển Ngư Lộc, tỉnh Thanh đã từng trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia đội “Hoàng Sa” để bảo vệ hai quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong những chuyến đi “hồn treo cột buồm” ấy, dẫu biếtt rằng “Dòng nước bạc không ngày gặp lại” nhưng họ vẫn quyết chí vượt trùng khơi, theo tiếng gọi của non sông thôi thúc. Tiến ra biển lớn bảo về chủ quyền biển đảo, trong tín ngưỡng tâm linh, những người đi tới nơi đảo xa ấy, tin rằng họ sẽ được các vị thần linh phù hộ cho trời yên, biển lặng và cá Ông sẽ giúp đỡ, nhân lên sức mạnh trong họ trong cơn bão tố, phong ba giữa mênh mông trời biển.
Lễ hội cầu ngư và thông điệp vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc cần phải được bảo tồn và phát huy trong cuộc sống hôm nay và cả mai sau./.
TS. Hoàng Minh Tường
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa