Nhân "Ngày thế giới chống sa mạc hóa" (17/6), Liên hợp quốc đã tái khẳng định các nỗ lực ngăn chặn và đảo ngược các quá trình suy thoái đất chống sa mạc hóa phải nằm trong quá trình chung toàn cầu hướng tới tương lai.
Liên hợp quốc nhấn mạnh Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20) là cơ hội để các nhà lãnh đạo các nước và quốc tế tái cam kết vì một tương lai bền vững và không còn hiện tượng suy thoái đất đai.
Trong thông điệp nhân dịp này, Chủ tịch Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế(IFAD) Kanayo F. Nwanze cảnh báo sa mạc hóa đã trở thành vấn đề "sống còn" của nhân loại vì việc mất đất canh tác do hậu quả của sa mạc hóa đã cản trở tiến trình xóa đói nghèo.
Ông cũng nhấn mạnh vai trò chủ chốt của nông dân sản xuất nhỏ trong cuộc chiến chống lại các nguy cơ suy thoái đất và môi trường nghiêm trọng, đồng thời nêu bật các biện pháp cần thiết mà Liên hợp quốc cần thúc đẩy để hỗ trợ nông dân bảo vệ cuộc sống và môi trường.
Chủ tịch Nwanze nhấn mạnh tình trạng hạn hán kéo dài đã gây ra những thảm họa nhân đạo mới đây ở khu vực Sừng châu Phi và vùng Sahen ở Tây Phi. Các cuộc khủng hoảng nhân đạo này đã trở thành hiểm họa thường xuyên hơn tại các nước bịbần cùng hóa vì nạn sa mạc hóa.
Chủ tịch IFAD nêu rõ chống sa mạc hóa đã trở thành trung tâm của các chương trình đầu tư, các sáng kiến chính sách phát triển nông nghiệp quốc tế của IFAD. Hơn 70% số chương trình và dự án của IFAD được thực hiện ở các khu vực có môi trường sinh thái bị đe dọa và có nguy cơ đất đai bị suy thoái nghiêm trọng. Trọng tâm của các chương trình và dự án chủ yếu tập trung vào các biện pháp quản lý hiệu quả nguồn đất đai và nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với đất đai.
"Ngày thế giới chống sa mạc hóa" năm nay trùng với thời điểm diễn ra Hội nghị Rio+20 sẽ là cơ hội thuận lợi để nâng cao nhận thức của công chúng nhằm tạođộng lực lớn trong hợp tác quốc tế thúc đẩy cuộc chiến chống sa mạc hóa trên toàn cầu và làm giảm những tác động của hạn hán cũng như hiện tượng biến đổi khí hậu./.
TTXVN