Ngoại trưởng Nga vui mừng vì truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau được các thế hệ trước đặt nền móng nay vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển trong điều kiện lịch sử mới.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên bang Nga, ngày 29/1, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã có bài viết với tựa đề "Nga và Việt Nam: Tình hữu nghị vượt qua nhiều thập kỷ."
Trong bài viết, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh năm 2020 là năm đặc biệt với nhiều ngày kỷ niệm trong lịch sử quan hệ Nga-Việt Nam. Một trong những sự kiện quan trọng nhất là kỷ niệm tròn 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Ngày 30/1/1950, Liên Xô là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận nhà nước Việt Nam, qua đó đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trong nhiều thập kỷ qua.
Hai nước đã sát cánh bên nhau trong những năm tháng đấu tranh gian khổ của nhân dân Việt Nam vì tự do và độc lập, chống lại sự xâm lược của nước ngoài, xây dựng nền hòa bình sau chiến tranh. Hợp tác giữa Moskva và Hà Nội đã vượt qua nhiều thử thách của thời gian, không ngừng được củng cố và tăng cường, có tính chất đa dạng và thực sự đặc biệt.
Ngoại trưởng Nga bày tỏ vui mừng vì truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau được các thế hệ trước đặt nền móng nay vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển trong điều kiện lịch sử mới.
Nền tảng quan trọng là Hiệp ước giữa hai nước về các nguyên tắc của mối quan hệ hữu nghị được ký ngày 16/6/1994 và năm 2019, hai nước đã kỷ niệm 25 năm ngày ký kết văn kiện quan trọng này. Năm 2001, quan hệ giữa hai nước đã nâng lên Đối tác chiến lược và năm 2012 là Đối tác chiến lược toàn diện.
Hiện tại, mối quan hệ này tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực vì lợi ích của nhân dân hai nước Nga và Việt Nam.
Đối thoại chính trị đa dạng với mức độ cởi mở và tin tưởng cao được duy trì thường xuyên. Tháng 9/2018, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã thăm Nga, tháng 11 và tháng 12 cùng năm Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Dmitry Medvedev và Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin cũng đã thăm Việt Nam.
Tháng 5/2019, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thăm Nga và vào tháng 12 cùng năm Nga đón Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân sang thăm. Những liên hệ chặt chẽ như vậy đóng vai trò là nhân tố quan trọng trong sự phát triển quan hệ Nga-Việt, cho phép giải quyết các vấn đề trong chương trình nghị sự song phương và quốc tế.
Đối thoại trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh có tính chất truyền thống và tin cậy chặt chẽ. Trao đổi các chuyến thăm thông qua các kênh đảng chính trị và các tổ chức xã hội ngày càng sâu sắc.
Ngoại trưởng Lavrov bày tỏ hài lòng về sự tiến bộ năng động của các mối quan hệ kinh tế trong các lĩnh vực truyền thống, cũng như trong các lĩnh vực mới đầy triển vọng. Trao đổi thương mại song phương tăng lên. Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương tăng lên 6,1 tỷ USD. Đây là chỉ số kỷ lục cho toàn bộ thời kỳ hậu Xô Viết.
Một trong các trụ cột của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Việt là hợp tác năng lượng. Trong gần bốn thập kỷ qua, lá cờ đầu trong sự hợp tác thành công giữa hai nước là Liên doanh Vietsovpetro.
Các công ty hàng đầu của Nga là Gazprom, Rosneft, NOVATEK, Công ty Cổ phần Zarubezhneft cùng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thực hiện các dự án thăm dò và sản xuất hydrocarbon ở Nga và Việt Nam, cải thiện và đa dạng hóa hợp tác cùng với sử dụng những thành tựu khoa học và công nghệ mới nhất.
Hợp tác giữa hai nước ngày càng có tính chất sáng tạo và tri thức. Điển hình là dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Tập đoàn Năng lượng nguyên tử nhà nước Nga Rosatom.
Ngoài ra, Trung tâm Công nghệ và nghiên cứu khoa học nhiệt đới chung Nga-Việt vừa kỷ niệm 30 năm thành lập. Đây là cơ chế hợp tác duy nhất mà trên thế giới không có một cơ chế tương tự nào.
Lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ song phương, sự kiện Năm kép Nga-Việt được tổ chức trong năm 2019-2020 theo các thỏa thuận đạt được ở cấp cao nhất. Nội dung chương trình bao gồm hơn một trăm sự kiện được thiết kế để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế, quân sự và kỹ thuật, khoa học-công nghệ, nhân văn và phát triển hợp tác ở mức độ liên khu vực.
Trong bài viết, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh giáo dục là hướng hợp tác có tính chất truyền thống của quan hệ song phương. Việt Nam là một trong số các quốc gia dẫn đầu về số lượng du học sinh tại Nga.
Trong những năm qua, hàng chục nghìn chuyên gia Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau đã được đào tạo tại các cơ sở giáo dục của Nga và hiện nhiều người trong số đó đang giữ các vị trí cao trong các cơ quan nhà nước, quân đội và các tổ chức khoa học, văn hóa. Năm 2020, Chính phủ Nga cấp 965 học bổng nhà nước cho các sinh viên Việt Nam và là một trong những hạn ngạch lớn nhất được cấp cho sinh viên nước ngoài.
Việt Nam ngày càng trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn đối với công dân Nga. Số lượng người Việt đến Nga vì mục đích du lịch cũng ngày càng tăng. Trao đổi giao lưu thanh niên được phát triển năng động và trong vòng một năm rưỡi vừa qua, Cơ quan Thanh niên Liên bang Nga và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức được ba diễn đàn thanh niên.
Ngoại trưởng Nga cũng đồng thời nhấn mạnh sự tương tác hiệu quả của giữa hai nước trên trường quốc tế, thể hiện ở sự tương đồng đáng kể về lập trường đối với các vấn đề cấp bách của chương trình nghị sự khu vực và toàn cầu.
Hai nước cam kết chắc chắn về việc hình thành một trật tự thế giới đa cực công bằng và dân chủ hơn dựa trên luật pháp quốc tế, trước hết, là các điều khoản căn bản của Hiến chương Liên hợp quốc. Việc Việt Nam được bầu là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giai đoạn 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN năm 2020 là cơ hội để hai nước tăng cường phối hợp chính sách đối ngoại.
Kết thúc bài viết, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định hơn 70 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Nga và Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm hợp tác trong nhiều lĩnh vực và cần được tận dụng hiệu quả để tăng cường quan hệ song phương.
Ông nhấn mạnh điều quan trọng là tình hữu nghị giữa hai dân tộc và sự cảm thông chân thành lẫn nhau được truyền qua nhiều thập kỷ vẫn không hề bị lay chuyển, không xao động trước những biến động của thời cuộc. Hai nước cần phải duy trì di sản độc đáo này và truyền lại cho thế hệ trẻ vì họ sẽ là lực lượng tiên phong trong việc mở rộng và tăng cường mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Nga-Việt./.
Theo TTXVN