Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 29/10/2014 21:34'(GMT+7)

Liên kết vùng trong phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Mặc dù được đánh giá là khu vực giàu tiềm năng phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái miệt vườn sông nước, du lịch văn hóa, du lịch tín ngưỡng tâm linh, do đây là vùng đất có nhiều sản vật được thiên nhiên ưu đãi, là vùng đất đa bản sắc văn hóa, tín ngưỡng, tuy nhiên du lịch của vùng ĐBSCL vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Điều này được thể hiện qua mấy con số sau: năm 2013, ĐBSCL đón được 1.668.800 lượt khách du lịch quốc tế, chiếm 8,3% tổng lượng khách quốc tế cả nước; 9,8 triệu lượt khách nội địa, chiếm 5,8% tổng lượt khách nội địa cả nước; tổng thu nhập từ du lịch của vùng đạt 5.141 tỷ đồng, chiếm 2,7% tổng thu nhập du lịch của cả nước(*). 
Phân tích nguyên nhân dẫn đến du lịch của vùng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, nhiều chuyên gia nghiên cứu trên lĩnh vực này cho rằng ngoài việc sản phẩm du lịch kém hấp dẫn do đơn điệu, trùng lắp giữa các địa phương; cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch; nguồn nhân lực vừa thiếu vừa yếu, đội ngũ làm công tác quản lý du lịch còn mỏng…một trong những nguyên nhân quan trọng đó là việc phát triển du lịch chưa có sự liên kết thực sự chặt chẽ, hiệu quả dẫn đến tình trạng manh mún, “mạnh ai nấy làm”, nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch thiếu tập trung, không tạo được những điểm nhấn trong chuỗi sản phẩm du lịch của toàn vùng.
Vấn đề thiếu liên kết trong phát triển du lịch vùng đã được các cấp lãnh đạo, các nhà quản lý phát triển văn hóa nhận thấy từ lâu, tuy nhiên việc khắc phục điểm yếu này đến nay vẫn gần như chỉ dừng lại ở một số kết quả về mặt chủ trương, định hướng chung và sự nổ lực của một số cơ quan chức năng trên lĩnh vực này, ví dụ như Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch với 2 đề án là: Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL” và Đề án Thành lập Ban Điều phối phát triển du lịch vùng ĐBSCL.; Hiệp hội du lịch ĐBSCL với chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch bốn tỉnh, thành phố vùng trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long và Bạc Liêu, nổi bật nhất là tua du lịch đặc trưng “Một điểm đến 4 địa phương +” kết nối những sản phẩm du lịch đặc trưng của 4 tỉnh, thành trọng điểm kinh tế của vùng là Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu. Có thể nói đây là một kết quả còn quá khiêm tốn so với mong đợi, chưa tạo nên những bước đột phá trong phát triển du lịch vùng. 
Việc liên kết lỏng lẻo trong phát triển du lịch đã dẫn đến nhiều hạn chế không đáng có như: nhiều sản phẩm du lịch giống nhau, trùng lắp ở nhiều tỉnh, thành như du lịch sông nước, du lịch vườn, gây nhàm chán đối với du khách; chưa xác định và khai thác đúng tiềm năng du lịch của vùng, nhất là du lịch tâm linh, tín ngưỡng; nhân lực phục vụ du lịch vừa thiếu, vừa yếu lại phân bố không đồng đều; văn hóa du lịch chưa được quan tâm xây dựng thành đặc trưng, lợi thế của vùng;…
Từ thực trạng đó, để đạt được những mục tiêu, định hướng được nêu trong Đề án phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, trong thời gian tới, các tỉnh, thành trong khu vực và các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết trong phát triển du lịch, đưa việc liên kết đi vào thực chất, hiệu quả, thường xuyên hơn. Để đạt được điều đó, cần quan tâm đến một số giải pháp sau:
Thứ nhất, bên cạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả Đề án phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020, cần nghiên cứu xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của toàn vùng với tầm nhìn đến năm 2030, đặc biệt là quy hoạch phát triển những trọng điểm du lịch của vùng, trên cơ sở đó, các tỉnh, thành tiến hành xây dựng quy hoạch phát triển du lịch của địa phương mình. Tránh tình trạng quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh, thành có trước quy hoạch phát triển của vùng, dẫn đến mâu thuẫn, trùng dẫm nhau trong đầu tư và định hướng phát triển các sản phẩm du lịch của các tỉnh, thành.
Thứ hai, tăng cường kết nối hạ tầng giao thông vừa để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội nói chung, vừa để thúc đẩy phát triển du lịch vùng, tạo thuận lợi cho việc triển khai các tua tuyến du lịch. Thực tế cho thấy, những hạn chế, yếu kém trong liên kết phát triển du lịch trong thời gian qua có nguyên nhân từ sự yếu kém của hạ tầng giao thông, nhất là những tuyến giao thông kết nối các trọng điểm du lịch của vùng. 
Trên cơ sở Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các tỉnh, thành trong vùng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm trong khu vực, ưu tiên cho những tuyến giao thông kết nối dọc từ thành phố Hồ Chí Minh và miền Đông Nam bộ với tỉnh Cà Mau, bao gồm tuyến chính là tuyến biên giới phía tây, tuyến trục giữa và tuyến ven biển. Hiện nay, tuyến ven biển đã được hình thành nhưng chưa được kết nối thông suốt, cụ thể đoạn ven biển Bạc Liêu đến Cà Mau chưa được đầu tư xây dựng. Từ đó đã phần nào ảnh hưởng đến việc khai thác tiềm năng du lịch vùng ven biển. 
Bên cạnh các tuyến dọc đang được đầu tư, nâng cấp, Bộ Giao thông Vận tải , Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cần quan tâm đầu tư phát triển các tuyến đường ngang để tăng cường kết nối khu vực phía tây và duyên hải phía đông của vùng. Chẳng hạn như tuyến đường bộ cao tốc Bạc Liêu – Hà Tiên – cửa khẩu Xà Xía (Kiên Giang) với tổng chiều dài hơn 200 km, đã được nêu trong Quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bạc Liêu và Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuyến đường này, cùng với các tuyến đường ngang khác nếu được đầu tư xây dựng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối các tua du lịch trong vùng và du lịch của vùng với các tỉnh biên giới và thủ đô Phnôm-Pênh của Campuchia.
Thứ ba, tăng cường liên kết đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch vùng. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn yếu kém cả về số lượng và chất lượng là một trong những “điểm ngẽn” của du lịch vùng. Hiện nay, việc đào tạo nhân lực cho phát triển du lịch phụ thuộc vào chủ trương, chính sách và điều kiện cụ thể của từng địa phương, dẫn đến tình trạng có nơi đào tạo, thu hút quá nhiều nhân lực trên lĩnh vực này, nhưng có nơi lại thiếu hụt nhiều. Thậm chí, có tình trạng cạnh tranh giữa các tỉnh, thành trong việc thu hút người giỏi trên lĩnh vực này. Do đó, cần phải có sự phối hợp, liên kết giữa các tỉnh, thành với các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng của vùng để điều tra, thống kế, dự báo nhu cầu, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo hợp lý cho từng địa phương và cho cả vùng. Đồng thời cần có cơ chế liên kết chia sẻ nhân lực chất lượng cao để hình thành đội ngũ quản lý du lịch và hướng dẫn viên du lịch đáp ứng cho nhu cầu quản lý và vận hành các tua tuyến du lịch quy mô vùng.
Thứ tư, phát huy vai trò của Hiệp hội du lịch ĐBSCL trong liên kết phát triển du lịch vùng. Hiệp hội phải đóng vai trò là trung tâm điều phối các hoạt động đầu tư, khai thác, kinh doanh, quảng bá, xúc tiến du lịch của vùng, là “cầu nối” giữa các tỉnh, thành trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch và định hướng phát triển các sản phẩm du lịch của từng địa phương. Phát huy và nâng cao hiệu quả các sản phẩm du lịch liên tỉnh hiện có, trong đó có tua du lịch đặc trưng “Một điểm đến 4 địa phương +”. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng nhiều hơn nữa, đa dạng hơn nữa những sản phẩm du lịch mang tính liên kết cao và phù hợp với lợi thế, tiềm năng của vùng. Đồng thời, Hiệp hội cũng đóng vai trò chính trong việc liên kết đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch vùng.
Thứ năm, nghiên cứu xây dựng và thực hiện tốt những chính sách ưu đãi về thuế và tài chính đối với doanh nghiệp du lịch có quy mô vùng để thu hút ngày càng nhiều những doanh nghiệp lớn có thế mạnh về nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực du lịch của vùng. Qua đó nâng cao tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp du lịch, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch đầu tư có chiều sâu, tích cực ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ vào trong quản lý, kinh doanh, từ đó góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp trong kinh doanh du lịch. Quan tâm thu hút những doanh nghiệp đã có uy tín, thương hiệu trong lĩnh vực du lịch (ví dụ như Sài Gòn Tourist; Việt travel;…) đầu tư phát triển sản phẩm du lịch tại vùng. Đồng thời, thông qua các doanh nghiệp này để tăng cường liên kết du lịch vùng ĐBSCL với du lịch thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên,…
Thứ sáu, tăng cường liên kết, phối hợp trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch vùng, tránh tình trạng “mạnh ai nấy” tuyên truyền, quảng bá như hiện nay. Thực tiễn cho thấy, việc tuyên truyền, quảng bá đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc tuyên truyền quảng bá du lịch của vùng chưa đạt yêu cầu, chưa có sự đầu tư nguồn lực thỏa đáng cho công tác này. Việc tuyên truyền, quảng bá du lịch đều do các tỉnh, thành tự tiến hành là chính, điều này gây trùng lắp và lãng phí nguồn lực. Do đó, cần phải có sự phối hợp, liên kết nhiều hơn nữa trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch vùng. Hiệp hội du lịch ĐBSCL phải là đơn vị chủ trì, điều phối công tác này, huy động nguồn lực từ các địa phương phục vụ cho công tác này. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực du lịch tiến hành quảng bá các sản phẩm du lịch vùng ĐBSCL ra ngoài nước. 
Cuối cùng, tất cả những giải pháp nêu trên chỉ có thể mang lại hiệu quả khi và chỉ khi dẹp bỏ được tư duy cục bộ địa phương trong phát triển kinh tế, xã hội nói chung, du lịch nói riêng, đây là trở lực không nhỏ, hay cũng là một “điểm ngẽn” trong liên kết phát triển du lịch vùng. Để tháo gỡ được “điểm ngẽn” này cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán từ Trung ương, từ Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, sự quản lý điều hành thống nhất từ Chính phủ, sự phối hợp nhịp nhàng, có trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành có liên quan với các tỉnh, thành trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, quy hoạch, đề án, kế hoạch phát triển du lịch vùng. Chỉ khi nào lợi ích, hiệu quả của việc liên kết phát triển du lịch vùng được nhận thức đầy đủ, đúng đắn thì khi đó việc liên kết phát triển du lịch mới trở thành nhu cầu tự thân của mỗi đơn vị, địa phương trong vùng.
Với sự quan tâm chỉ đạo của các bộ, ngành trung ương mà trực tiếp là Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, hy vọng rằng trong thời gian tới, những giải pháp liên kết phát triển du lịch vùng được quan tâm thực hiện tốt hơn, thúc đẩy du lịch của vùng phát triển nhanh, bền vững, qua đó đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của vùng, góp phần quan trọng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của toàn vùng ĐBSCL./.
Nguyễn Bình Tân -  Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu
(*) Theo số liệu của Hiệp hội du lịch ĐBSCL
 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất