Ngày 5/3, trang tin geopoliticalmonitor đã đăng bài phân tích của hai
học giả James Borton, chuyên gia cao cấp của viện Mỹ-Châu Á và giáo sư
sinh thái, sinh học biển trường đại học Miami John W. McManus về việc
ngoại giao khoa học có thể tạo cơ chế giải quyết hòa bình các tranh chấp
tại Biển Đông.
Theo bài viết, bảo vệ môi trường biển và đảm bảo sự bền vững của đại
dương là vấn đề toàn cầu, có ý nghĩa sống còn đối với sự sống của loài
người. Trong bối cảnh tranh chấp tại Biển Đông vẫn không ngừng tiếp
diễn, vấn đề bảo vệ môi trường tại đây trở nên quan trọng hơn bao giờ
hết.
Biển Đông vốn chứa đựng một hệ sinh thái biển hết sức phong phú. Tuy
nhiên, các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và các nước đã làm phát
sinh những mối đe dọa nguy hiểm tới an ninh sinh thái và sự ổn chính trị
của khu vực Đông Nam Á. Sự xuống cấp về môi trường tại đây vẫn là vấn
đề trung tâm trong nhiều cuộc thảo luận về chính sách khoa học Biển
Đông. Ngày càng nhiều các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học cho
rằng, một trong những việc làm cấp bách về môi trường hiện nay tại Biển
Đông là cần tìm ra các giải pháp đối phó với vấn đề axít hóa, mất đa
dạng sinh học, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự phá hoại các rạn san
hô biển và sự xuống cấp của các nguồn thủy hải sản.
Theo Hiệp hội Tiến bộ Khoa học Mỹ (AAAS), ngoại giao khoa học có thể
được sử dụng để thông tin về các chính sách đối ngoại, thúc đẩy hợp tác
khoa học quốc tế nhằm làm giảm căng thẳng giữa các quốc gia, ngoại giao
khoa học là phương pháp đã được áp dụng rộng rãi. Trên cơ sở ngoại giao
khoa học, các nhà hoạch định chính sách môi trường đã tìm ra các giải
pháp giúp giải quyết các vấn đề xung đột trong nhiều thập kỷ qua, và
biện pháp này từng được nhiều quốc gia áp dụng để giải quyêt hòa bình
các tranh chấp. Trong Chiến tranh Lạnh, hợp tác khoa học cũng từng được
sử dụng để tạo cầu nối hợp tác và xây dựng lòng tin.
Như vậy, ngoại giao khoa học không phải là hướng tiếp cận mới trong quan
hệ quốc tế. Vậy có thể áp dụng ngoại giao khoa học để giải quyết hiệu
quả các tranh chấp tại Biển Đông hay không? Câu trả lời là hoàn toàn có
thể.
Trước hết, ngoại giao khoa học có thể giúp thúc đẩy xây dựng niềm tin
giữa các bên liên quan trong tranh chấp tại Biển Đông, ngăn chặn căng
thẳng leo thang tại khu vực. Khả năng ngoại giao khoa học có thể giúp
giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông là khá cao, bởi vì đây là biện
pháp được các nước lớn ủng hộ, đồng thời là biện pháp tin cậy. Hiện có
nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai, vì đã có sự hợp tác trong trao
đổi dữ liệu và thông tin của các nhà khoa học, và có sự đồng thuận đối
với giá trị của các khu vực bảo tồn biển cùng sự gia tăng các nhóm
nghiên cứu chung.
Các nhà khoa học Đông Nam Á và Trung Quốc cũng đã có sự quan hệ thông
qua các dự án và hội thảo khoa học quốc tế. Như chương trình phát triển
nghề cá tại Biển Đông của Liên Hợp Quốc từ những năm 1970 đến giữa những
năm 1980.
Nhóm hoạt động “kênh 2” không chính thức từ những năm 1990 đến đầu những
năm 2000 với sự tham gia của nhiều nhà khoa học khu vực, nhằm thúc đẩy
khai thác chung nguồn tài nguyên một cách hòa bình tại Biển Đông. Chương
trình môi trường Liên Hợp Quốc và Quỹ môi trường toàn cầu cũng đã tài
trợ cho các dự án quản lý và phân tích môi trường Biển Đông từ
2002-2009, hiện đang có những nỗ lực nhằm khởi động lại dự án này. Bên
cạnh đó, các hoạt động xây dựng lòng tin khác cũng đang được thảo luận.
Các hoạt động hợp tác khoa học này là rất cần thiết, có thể giúp tìm ra
biện pháp giải quyết các vấn đề đánh bắt cá tận diệt cũng sự xuống cấp
của các rạn san hô vốn đã và đang diễn ra tại Biển Đông. Đã có nhiều
công trình nghiên cứu, bài viết đưa ra chứng cứ thuyết phục về sự xuống
cấp của các nguồn thủy hải sản với nhiều loại sinh vật biển có khả năng
bị tuyệt chủng. Điển hình là các loài trai lớn, rùa biển, các loài có vú
ở biển… do đó cần hành động ngay trước khi quá muộn.
Trên thực tế, Biển Đông cung cấp lương thực cho khoảng 1,9 tỉ người
thuộc tất cả các quốc gia có có tuyên bố chủ quyền, do đó triển vọng về
nguồn cá ở đây bị xuống cấp sẽ là lý do thuyết phục để các nước có trách
nhiệm trong việc hợp tác bảo vệ môi trường sinh thái biển. Hiện các
thách thức đối với vấn đề an ninh lương thực và tái sinh nguồn cá đang
trở nên hết sức nghiêm trọng. Năm 2014, Trung tâm nghiên cứu đa dạng
sinh thái cảnh báo rằng, khoảng 30-50% các loài sinh vật biển có thể sẽ
bị tuyệt chủng vào giữa thế kỷ này.
Mặc dù các hoạt động hợp tác khoa học này không thể giúp giải quyết được
các tranh chấp về chủ quyền, nhưng việc các nhà khoa học tập trung vào
vấn đề bảo vệ môi trường và các nguồn thủy sản có thể tạo ra được tiếng
nói chung cho tất cả các bên tranh chấp, vì các nước đều có lợi ích
trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Cần khẳng định rằng, việc thực
thi các sáng kiến quân sự và kinh tế, đặc biệt là các hoạt động biến các
rạn san hô thành các tiền đồ quân sự là phi khoa học, được xem như là
hành động nhằm thực thi tuyên bố chủ quyền.
Hầu hết các quốc gia ven Biển Đông đã xây dựng các khu vực bảo tồn biển
để giải quyết các vấn đề về môi trường trong tương lai. Các khu bảo tồn
biển đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển, giúp cải
thiện đời sống cho các cộng đồng ngư dân ven biển, đây là mô hình chính
sách khoa học lý tưởng. Nếu gác qua một bên các tuyên bố chủ quyền để
cùng xây dựng các vùng khai thác chung như các nước từng làm ở Bắc Cực,
sẽ tạo ra cơ sở để các nước áp dụng các biện pháp quản lý tài nguyên
nhằm bảo vệ các nguồn thủy sản và đa dạng sinh học cũng như việc thúc
đẩy du lịch bền vững.
Ngoại giao khoa học là hướng tiếp cận an toàn và trung lập. Điều này
khác với hợp tác kinh tế và quân sự vốn liên quan nhiều tới định hướng
chính sách đối ngoại. Vì thông qua hợp tác khoa học, tiến hành các hoạt
động khảo sát nghiên cứu chung về biển, các nhà khoa học khu vực có thể
cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách các dữ liệu, thông tin họ có
được để làm cơ sở cho các quyết định có trách nhiệm liên quan đến Biển
Đông. Như với Biển Đông, các nhà khoa học có thể hợp tác nghiên cứu biện
pháp đánh bắt cá an toàn, cách bảo vệ các nguồn tài nguyên biển một
cách an đúng đắn…
Như vậy, theo các chuyên gia này, ngoại giao khoa học có thể tạo ra
triển vọng mới cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông đồng thời đem lại hy
vọng kép, vừa có thể giúp bảo vệ môi trường sinh thái, vừa có thể giúp
giảm căng thẳng tại khu vực./.
(Vietnam+)