Thứ Sáu, 29/11/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Tư, 5/2/2014 11:27'(GMT+7)

Lợi cả ngư dân và ngành đóng tàu

Bàn giao tàu mẫu đánh cá vỏ thép lưới rê số 1 cho ngư dân huyện Hải Hậu, Nam Định. (Ảnh: QĐND)

Bàn giao tàu mẫu đánh cá vỏ thép lưới rê số 1 cho ngư dân huyện Hải Hậu, Nam Định. (Ảnh: QĐND)

Theo khảo sát của Viện Khoa học Công nghệ tàu thủy Việt Nam, tàu đánh cá truyền thống của ngư dân trong nước hiện nay chủ yếu là tàu vỏ gỗ, đóng thủ công. Vật liệu sử dụng để đóng các tàu này gần như không được kiểm soát, gây ô nhiễm môi trường và thiếu an toàn cho ngư dân khi đánh bắt tại các ngư trường xa. Thống kê cho thấy, cả nước có khoảng 24.500 tàu gỗ có nhu cầu chuyển sang vỏ thép.

Theo lãnh đạo SBIC, thị trường đóng tàu cũng như vận tải biển ở nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn. Các đơn hàng đóng tàu xuất khẩu thường có giá trị lớn nhưng đơn đặt hàng đang sụt giảm, trong khi tàu đánh cá ở thị trường nội địa vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Việc Nhà nước giao cho SBIC nghiên cứu triển khai Đề án thí điểm đội tàu đánh cá vỏ thép cũng sẽ góp phần không chỉ làm thay đổi tư duy, phương thức truyền thống của ngư dân chuyển từ tàu vỏ gỗ trọng tải nhỏ, không đi được xa sang tàu vỏ thép, mà còn giải quyết được việc làm cho người lao động ở các đơn vị thành viên của SBIC. Đội tàu đánh cá vỏ thép có công suất lớn, trang bị hiện đại trong đánh bắt và bảo quản sẽ giúp giảm sự xuống cấp về chất lượng hải sản trong quá trình khai thác dài ngày trên biển, tăng hiệu quả lao động và bảo đảm an toàn cho ngư dân. Đồng thời, cũng là cơ hội để SBIC phục vụ nhu cầu đóng tàu nội địa thiết thực nhất.

Cũng theo lãnh đạo của SBIC, tàu cá vỏ thép mà Tổng công ty tập trung làm mới sẽ tùy thuộc vào mức độ đánh bắt và loại hình khai thác trên biển, phần lớn sẽ có công suất từ 400 đến 800CV. Sau khi thiết kế, được cơ quan đăng kiểm phê duyệt, tàu mẫu đóng mới khi thử biển đạt tốc độ cao hơn và khả năng duy trì tốc độ trong điều kiện biển động tốt hơn so với tàu gỗ cùng kích thước, công suất. Với kết cấu khung, sườn, vỏ bằng thép nên có độ bền cao hơn tàu vỏ gỗ. Tàu được chia thành các khoang kín nước nên bảo đảm không bị chìm khi một khoang bất kỳ bị thủng. Ngoài ra, khoang dự trữ dầu, nước, khoang bảo quản có dung tích lớn hơn tàu gỗ nên tăng thời gian và quy mô đánh bắt trong mỗi lần ra khơi. Với tính ổn định, khả năng đi biển và sức bền cao hơn tàu vỏ gỗ nên tàu vỏ thép có thể hoạt động tốt hơn trong điều kiện thời tiết xấu, hạn chế việc phải dừng khai thác do điều kiện thời tiết không thuận lợi. Đặc biệt, tàu được trang bị đầy đủ thiết bị an toàn theo yêu cầu của quy phạm tàu cá vỏ thép như hệ thống bơm nước, cứu hỏa, phao bè cứu sinh, thông tin liên lạc, ra-đa, định vị vệ tinh, hệ thống lái, kéo sự cố… Tàu vỏ thép có khoang chứa cá dung tích lớn, bọc cách nhiệt bằng vật liệu cách nhiệt chuyên dụng và bọc composit kín nước nên khả năng bảo quản lạnh tốt hơn, lâu hơn tàu gỗ. Ngoài ra, nếu được duy tu, bảo dưỡng tốt có thể sử dụng được hơn 30 năm. Khi thanh lý vỏ tàu vẫn có thể thu hồi được 10-15% chi phí đầu tư ban đầu.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quế, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Sông Đào, công ty đã cùng SBIC khảo sát truyền thống đánh cá của ngư dân các vùng ven biển trên địa bàn tỉnh Nam Định và thấy rằng, tàu đánh cá lưới rê có hiệu quả cao trên ngư trường. Bên cạnh đó, SBIC cũng muốn người sử dụng phối hợp thực hiện chương trình hiện đại hóa đội tàu khai thác thủy sản, giúp ngư dân bám biển, sinh sống và làm giàu từ biển, từ đó góp phần giữ gìn, phát triển nguồn lợi thủy sản cũng như bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Ban Kinh doanh của SBIC cho biết, SBIC đã sử dụng nguồn vốn của Tổng công ty và rà soát, thử nghiệm, tập trung đóng thí điểm 6 mẫu tàu đánh cá vỏ thép khác nhau nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của ngư dân trên cả nước. Ngư dân sẽ được thuê, mua tàu (không bao gồm ngư cụ) của SBIC trong thời gian 5 năm với lãi suất 0%. Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu để mua tàu vỏ thép cao hơn so với tàu gỗ, nhưng bù lại với tính ổn định, an toàn khi đánh bắt xa bờ cũng như hiệu quả cao trong bảo quản sẽ giúp ngư dân nâng cao sản lượng, chất lượng thủy sản. Ngoài ra, với việc Nhà nước có cơ chế cho vay lãi suất ưu đãi cũng sẽ là động lực để ngư dân hào hứng đầu tư đóng mới tàu vỏ thép.

Trong số tàu được đóng mới, SBIC sẽ đưa ra mẫu tàu dịch vụ cho ngư trường. Loại tàu này có hàm lượng khoa học cao, có thể làm đá và giúp ngư dân sơ chế hải sản… Tàu dịch vụ sẽ cải thiện việc nâng cao chất lượng hải sản, ngư dân đánh bắt tại các ngư trường xa và có những chuyến đi biển dài ngày hơn./.

Minh Hạnh (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất