Chủ Nhật, 22/9/2024
Thể thao
Thứ Hai, 30/12/2013 14:44'(GMT+7)

Lựa chọn

Cầu thủ Công Vinh

Cầu thủ Công Vinh

Vượt qua những bàn tán dị nghị ban đầu rằng, sang xứ Phù Tang chỉ để làm quảng cáo cho một nhãn hiệu bia Nhật, Công Vinh đã phấn đấu để chứng tỏ rằng mình không chỉ làm “đại sứ” cho nhãn hiệu bia đó ở Việt Nam mà còn thực hiện một nhiệm vụ khác quan trọng hơn nhiều: Đó là cạnh tranh để được thi đấu và thi đấu có ấn tượng trong con mắt của các nhà quản lý đội bóng cũng như cả giới hâm mộ Nhật Bản.

Thế nên khi hết hạn hợp đồng để về nước tiếp tục chơi cho câu lạc bộ chủ quản SLNA, Công Vinh đã được phía Sapporo chèo kéo tiếp tục kéo dài hợp đồng chơi ở Nhật Bản. Chỉ có điều là khi ấy, Sapporo đưa ra một cái giá quá bèo khiến cho SLNA, phần vì cần Vinh cho mùa giải tới, phần vì tự ái, ngay lập tức từ chối phắt.

Nhưng sự việc không đơn giản dừng lại ở đấy. Vì trong hợp đồng của Công Vinh với SLNA có điều khoản rằng nếu có câu lạc bộ nào trả 5 tỷ đồng để mua lại 1 năm hợp đồng của Công Vinh thì khi ấy anh có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với SLNA.

Nên thay vì cái giá bèo đưa ra trước đây, Sapporo liền chồng đủ 240.000 USD, tương đương với 5 tỷ đồng, vào trong tài khoản của SLNA.

Vậy là quyền quyết định bây giờ chỉ thuộc về cá nhân Công Vinh mà thôi!

Như Công Vinh đã thừa nhận là anh đang phải đứng trước một lựa chọn hết sức khó khăn.

Thông thường thì, trong những trường hợp như thế, người ta lấy một tờ giấy trắng, kẻ dọc chia ra làm hai, ghi một bên được và một bên mất, rồi cân nhắc.

Được: Trong bối cảnh phải thắt lưng buộc bụng, SLNA được một khoản tiền khủng ít nhất là 5 tỷ đồng để tậu hàng loạt cầu thủ mới bổ sung lực lượng; Công Vinh được nhận mức lương khủng hằng tháng 10.000 USD, chưa kể các khoản thưởng phụ trội (lưu ý là nếu ở lại SLNA, Công Vinh sẽ không được nhận tiền lương cho đến hết tháng 8/2014); được cấp xe có lái xe riêng, có một căn hộ thuê đủ rộng tiện nghi nếu đưa vợ con sang Nhật; vẫn được mang áo số 9, được cấp học bổng toàn phần nếu sau này Công Vinh muốn theo học nghề HLV chuyên nghiệp; có thêm kinh nghiệm quý giá khi thi đấu ở một nền bóng đá chuyên nghiệp có trình độ cao như Nhật Bản…

Mất: SLNA đang gặp khó khăn về lực lượng sau khi những trụ cột như Văn Hoàn, Văn Bình, Trọng Hoàng dứt áo ra đi; nếu Công Vinh lựa chọn phương án Nhật Bản thì mang tiếng bỏ đội trong lúc khó khăn, trong khi tình cảm của người hâm mộ xứ Nghệ với Công Vinh vẫn như bát nước đầy; rồi phải xa vợ con trong một thời gian dài... Nói tóm lại là toàn bộ những cái mất nằm gọn trong một chữ “tình”!

Cái được thì nhiều, cái mất cũng có nhưng không phải là không thể chấp nhận được! Trong bóng đá chuyên nghiệp, việc đưa ra những lựa chọn đúng đắn là vô cùng cần thiết. Bóng đá Việt Nam đang lấy mô hình Nhật Bản ra để học hỏi và làm theo, thậm chí vị trưởng giải V-League 2014 cũng đang được liên hệ là người Nhật Bản! Những kinh nghiệm về bóng đá Nhật Bản mà Công Vinh có được sẽ vô cùng đáng giá nếu xét trên tầm nhìn dài hạn.

Ở đời, không có gì là được hết cả. Nếu phải lựa chọn thì nên lựa chọn trên lợi ích tổng thể, chứ không chỉ vì lợi ích trước mắt. Còn chần chừ gì nữa Công Vinh!

Yên Ba (QĐND)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất