Thông tin trên vừa được
Thường trực Ban soạn thảo dự án Luật An ninh mạng thông tin trong cuộc
họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật này được tổ chức ngày
19/6/2017 tại Hà Nội. Cuộc họp do Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính
trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban soạn thảo Luật An ninh mạng chủ
trì và có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng.
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, sau phiên họp
đầu tiên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật An ninh mạng vào ngày
17/4/2017, Thường trực Ban soạn thảo đã tổ chức nhiều buổi làm việc với
các thành viên Tổ biên tập dự án Luật An ninh mạng.
Căn cứ trên kết quả góp ý của thành viên Tổ biên tập, Thường trực Ban
soạn thảo dự án Luật An ninh mạng đã thống nhất nội dung, rà soát về
đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo; tính hợp hiến, hợp pháp và
tính thống nhất của văn bản với hệ thống pháp luật; tính khả thi của văn
bản; ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo văn bản và chỉnh sửa một số vấn đề
mang tính chất chuyên sâu. Đến nay, dự thảo Luật An ninh mạng cơ bản đã
được hoàn thành.
Về hồ sơ dự án Luật An ninh mạng, Thường trực Ban soạn thảo đã xây
dựng được 7 văn bản bao gồm: dự thảo Luật An ninh mạng; dự thảo tờ trình
Chính phủ về dự án Luật An ninh mạng; dự thảo Báo cáo đánh giá tác động
sơ bộ; dự thảo Báo cáo tổng kết tình hình công tác An ninh mạng; dự
thảo Báo cáo tham khảo kinh nghiệm nước ngoài; dự thảo Báo cáo đánh giá
tác động thủ tục hành chính; và dự thảo Báo cáo đánh giá tác động xã hội
của chính sách An ninh mạng. Như vậy, hồ sơ dự án Luật An ninh mạng đã
đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm
2015.
Trên cơ sở nội dung thống nhất, dự thảo Luật An ninh mạng đã được
đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ (Chinhphu.vn)
và Cổng thông tin điện tử Bộ Công an (Bocongan.gov.vn; mps.gov.vn) để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Thời gian lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật này sẽ kéo dài đến hết ngày 8/8/2017.
Tiếp đó, đến ngày 8/6/2017, Quốc hội đã họp thông qua Chương trình
xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và 2018, theo đó dự án Luật An ninh
mạng sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (dự kiến diễn ra vào
tháng 10/2017), trình thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (dự kiến diễn ra vào
tháng 5/2018).
Tại cuộc họp ngày 19/6 của Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật An
ninh mạng, các đại biểu đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến xác đáng vào
hồ sơ dự án Luật An ninh mạng; đồng thời thảo luận, thống nhất các vấn
đề còn tranh luận khác nhau trên cơ sở giải trình và ý kiến của Thường
trực Ban soạn thảo…
|
(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
|
Cổng thông tin điện tử Bộ Công an cũng cho biết, trong phát biểu kết
luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã khẳng định sự cần thiết
của việc ban hành Luật An ninh mạng là nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác
An ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã
hội; khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai công
tác An ninh mạng; thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường
lối của Đảng về An ninh mạng; bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiến
pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ
quốc; bảo đảm sự phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm yêu cầu các thành viên Ban soạn thảo, Tổ
biên tập dự án Luật An ninh mạng cần tiếp thu các ý kiến tham gia đóng
góp tại cuộc họp; khẩn trương bổ sung, hoàn thiện các tài liệu, bảo đảm
tiến độ trình lên Chính phủ đồng thời làm căn cứ để Ủy ban Quốc phòng -
An ninh của Quốc hội thẩm định.
Trước đó, như ICTnews đã thông tin,
ngày 8/6/2017, Bộ Công an đã đăng tải công khai toàn văn dự thảo Luật
An ninh mạng để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Đề cập đến sự cần
thiết phải ban hành Luật An ninh mạng, trong dự thảo tờ trình Chính phủ,
Bộ Công an cho biết, cùng với quá trình hội nhập quốc tế, phát triển
CNTT, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, thực trạng, tình
hình diễn ra trên không gian mạng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết trong bảo
vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội đối với công tác an
ninh mạng.
Cũng theo Bộ Công an, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành các
văn bản luật về an ninh mạng, điển hình như: Nhật, Trung Quốc, Cộng hòa
Séc, Hàn Quốc… Riêng Mỹ, ngoài việc ban hành các đạo luật chung, Mỹ đã
ban hành tới 6 đạo luật liên quan các vấn đề về an ninh mạng. “Do đó,
việc xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng sẽ bảo đảm công an ninh mạng
của nước ta có sự phù hợp nhất định với thông lệ quốc tế và bảo đảm các
điều kiện hội nhập quốc tế về an ninh mạng”, dự thảo tờ trình Chính phủ
về dự án Luật An ninh mạng nêu rõ.
Dự thảo Luật An ninh mạng gồm 6 Chương, 64 Điều quy
định về nguyên tắc, biện pháp, nội dung công tác an ninh mạng, hoạt động
bảo đảm triển khai công tác an ninh mạng và trách nhiệm của cơ quan, tổ
chức, cá nhân có liên quan tới hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng
không gian mạng và bảo vệ an ninh mạng của nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam.
Đối tượng áp dụng các quy định tại Luật An ninh mạng
là các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài
trực tiếp tham gia hoặc có liên quan tới hoạt động quản lý, cung cấp, sử
dụng không gian mạng và bảo vệ an ninh mạng của nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam./.
Theo ictnews.vn