Thứ Ba, 15/10/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 18/4/2009 17:35'(GMT+7)

Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực từ 1-7-2009 - Vẫn băn khoăn về mức đóng cao

Lương tối thiểu tăng 20%, mức đóng bảo hiểm tăng 50%

Theo khoản 1, điều 13 của Luật BHYT và Điều I dự thảo nghị định quy định về mức đóng hàng tháng của các đối tượng tham gia BHYT áp dụng từ ngày 1-1-2010 sẽ bằng 4,5% tiền lương, tiền công tháng, lương hưu, mức trợ cấp thất nghiệp, mức lương tối thiểu thay vì mức 3% như hiện nay.

Bệnh nhân có thẻ BHYT chạy thận nhân tạo tại BV
Nhân dân 115.

Phân tích lý do về việc chọn mức đóng tăng ở tỷ lệ này, bà Tống Thị Song Hương – Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết, mức tăng đó đã được nghiên cứu dựa trên nhiều yếu tố như: gia tăng chi phí, khả năng đóng góp của người dân, khả năng hỗ trợ của ngân sách, mức hưởng của người hưởng BHYT và đặc biệt là việc cân đối quỹ hàng năm, bảo đảm an toàn quỹ BHYT.

Tuy nhiên theo ông Bùi Đình Công, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, lý do tăng 50% mức đóng mới so với mức đóng cũ vì lý do sợ vỡ quỹ là lý do chưa thuyết phục vì tình trạng bội chi, vỡ quỹ BHYT năm 2008 đã giảm xuống so với những năm trước, đồng thời số người tham gia BHYT bắt buộc ngày càng tăng, giúp quỹ tăng thêm.

Điều đáng nói hơn là trong khi mức lương tối thiểu chỉ được điều chỉnh tăng 20% (từ 540.000 đồng lên 650.000 đồng) so với mức cũ trong khi mức đóng BHYT tăng đến 50% e sẽ là khó khăn cho nhiều người và việc vận động người dân tham gia BHYT toàn dân là điều rất khó.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, đối với người làm công ăn lương, đối tượng hưu trí, hưởng trợ cấp thất nghiệp… việc chi trả 4,5% cho BHYT sẽ là một gánh nặng, nhất là những gia đình có nhiều con đi học.

Không chỉ vậy, việc phân mức hỗ trợ cho đối tượng nghèo và cận nghèo như dự thảo nghị định hiện nay theo nhiều đại biểu cũng chưa hợp lý. Đại diện Sở Y tế Cần Thơ cho biết, Quỹ BHYT thanh toán chi trả 95% cho người nghèo nhưng người cận nghèo chỉ 80%. Trong khi, giữa hai đối tượng này khoảng cách nghèo không cách xa nhau.

Quy định thẻ: Bất lợi cho trẻ sơ sinh

Ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TPHCM góp ý, Luật BHYT quy định chỉ thanh toán cho đối tượng có thẻ BHYT mà chưa nêu rõ trường hợp với trẻ sơ sinh, nhất là trẻ mới sinh ra được vài ngày. Với đối tượng này, thậm chí giấy khai sinh còn chưa kịp có thì làm sao có thẻ bảo hiểm để được thanh toán – ông Châu nói.

Chính vì vậy, ông đề nghị tổ biên tập nghị định cần xem lại và bổ sung vấn đề này để tránh vướng mắc khi thực hiện luật.

Ông Châu cũng cho rằng, với quy định mới, nhiều trường hợp đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở bệnh viện tuyến tỉnh sẽ phải quay về đăng ký tại các cơ sở y tế quận huyện. Tuy nhiên, việc áp dụng này cần có lộ trình để đủ thời gian chuẩn bị năng lực, hạ tầng cơ sở cho tuyến y tế cơ sở, tránh tính trạng dồn ứ, quá tải. Theo ông Châu, có lẽ phải đến năm 2015 mới có thể áp dụng quy định mới này.

Ngoài ra, để tránh tình trạng ngân sách thâm hụt, cần phải có quy định rõ ràng về việc khám chữa bệnh ở nước ngoài cho đối tượng có thẻ BHYT. Khi ra nước ngoài khám chữa bệnh, cần có sự chỉ định của bệnh viện và mức chi phí không được quá mức trung bình của tuyến trung ương theo quy định của Bộ Y tế.

Việc điều trị đa viện, lạm dụng chuyển viện dẫn đến lãng phí, kém hiệu quả cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Bác sĩ Lê Thanh Liêm, Giám đốc Sở Y tế Long An cho rằng, do hoàn cảnh lịch sử, suốt một thời gian dài, tuyến y tế cơ sở không được đầu tư nên dần dần mất niềm tin ở người dân. Khi có nhu cầu khám chữa bệnh, dù nặng hay nhẹ, tất thảy người dân đều đổ lên tuyến trên mặc dù hiện nay tuyến y tế cơ sở, nhiều đơn vị đã được đầu tư rất tốt cả về con người và trang thiết bị, hầu hết các đơn vị y tế tuyến cơ sở đã dư sức chữa được các bệnh thông thường, thậm chí cả những phẫu thuật đặc biệt nhưng bệnh nhân vẫn đổ lên tuyến trên.

Ông Liêm dẫn chứng: Tại các bệnh viện nhi đồng của TPHCM, 90% bệnh nhi đến phòng khám ở các tuyến trên là không cần thiết nhưng thay vì giới thiệu những các trường hợp này về tuyến dưới thì tuyến trên lại tiếp tục nhận bệnh, hẹn tái khám. Theo BS Liêm, cần phải có biện pháp ngay để quản lý và xiết chặt tình trạng lạm dụng chuyển viện như hiện nay.

Một kiến nghị khác của đại biểu Liêm cũng rất đáng lưu tâm khi ông cho rằng, cần đưa BHYT với giai đoạn chăm sóc tiền lâm sàng, phát hiện sớm bệnh tật, tầm nhìn xa của việc này sẽ giúp chi phí KCB bảo hiểm y tế đỡ tốn kém đi rất nhiều. Ông Liêm cũng minh chứng bằng một cách làm rất hiệu quả: Ở Đức, mỗi người dân chịu tập thể dục và không hút thuốc lá mỗi ngày, cuối năm sẽ được BHYT chi trả 500 USD.

Ông Liêm kiến nghị, BHYT cần hướng đến chiến lược khám chữa bệnh tiền lâm sàng để phát hiện sớm bệnh tật. Từ đó, giúp người dân tránh được bệnh nặng, giúp ngân sách bớt hao hụt chi phí trả cho các loại hình y tế kỹ thuật cao.

Kết luận tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Xuyên – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Sẽ tiếp thu góp ý của các đại biểu để tham khảo trước khi luật BHYT có hiệu lực từ ngày 1-7 tới, đặc biệt sẽ giao lại cho tổ biên tập nghị định xem lại mức đóng, nghiên cứu phương thức thanh toán theo bệnh thay vì áp dụng ngay phương thức thanh toán theo định suất; giao cho giám đốc sở y tế các địa phương kết hợp với BHXH địa phương nghiên cứu phương thức thanh toán nào cho phù hợp.

(Theo SGGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất