Trình bày tờ trình, Bộ
trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nội dung sửa đổi
Luật Đầu tư công thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp,
phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ theo
phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách
nhiệm”.
Trong khi đó, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo,
tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người,
rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành
chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế “xin cho”…
Dự thảo Luật gồm 7 Chương, 116 Điều (sửa đổi 53 điều, bổ sung 22
điều, bãi bỏ 7 điều so với Luật Đầu tư công năm 2019), với các nội dung
chủ yếu để cụ thể hóa 5 nhóm chính sách lớn. Cụ thể là thể chế hóa các
cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng;
tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu
tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa
phương, doanh nghiệp Nhà nước.
Cùng đó là các nhóm chính sách về thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế
hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; đơn giản hóa
trình tự, thủ tục, bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định,
bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công
thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền theo
phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách
nhiệm” và phân cấp, phân quyền mạnh mẽ. Theo đó, với nhóm chính sách về
tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông
tin nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu gồm 8 nội dung chính.
Theo đó, dự thảo quy định phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu
tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách Trung ương giữa các bộ, cơ
quan trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng
Chính phủ.
Phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng chung vốn ngân sách
Trung ương, vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương, các khoản
vốn ngân sách Trung ương chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung
hạn và hằng năm, từ Quốc hội cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 30.000
tỷ đồng trở lên; của dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C, với quy mô gấp 2
lần so với các quy định hiện hành.
Phân cấp thẩm quyền cho người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương quyết
định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do cơ quan, tổ chức quản lý với quy
mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng; dự án nhóm A từ 10.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ
đồng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Phân cấp thẩm quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định
chủ trương đầu tư dự án nhóm A có quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng, nhóm
B, nhóm C do địa phương quản lý.
Phân cấp thẩm quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.
Phân cấp thẩm quyền gia hạn thời gian bố trí vốn ngân sách Trung ương
từ Thủ tướng Chính phủ cho cấp quyết định chủ trương đầu tư; vốn ngân
sách địa phương từ Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho Chủ tịch Ủy ban nhân
dân các cấp. Theo đó, đối với các dự án nhóm A, B, C có tổng mức đầu tư
dưới 10.000 tỷ đồng thì gia hạn thời gian bố trí vốn không quá 1 năm,
nhóm A từ 10.000 tỷ đồng đến dưới 30.000 tỷ đồng không quá 2 năm. Ngoài
thời gian trên, Thủ tướng Chính phủ quyết định gia hạn thời gian bố trí
vốn ngân sách Trung ương.
Phân cấp thẩm quyền kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch
vốn ngân sách địa phương từ Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các cấp...
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê
Quang Mạnh cho biết, Chính phủ trình dự án Luật sửa đổi với nhiều nội
dung quan trọng, bao gồm 5 nhóm vấn đề lớn, Thường trực Ủy ban cho rằng,
việc sửa đổi luật cần xem xét về tổng thể, đánh giá toàn diện những tồn
tại, hạn chế để khắc phục các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện đầu
tư công, nhằm phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn
đầu tư công, vì vậy, nhất trí về phạm vi sửa đổi luật.
Tuy nhiên, số lượng các điều/khoản luật thay đổi nhiều, phạm vi sửa
đổi lớn (Chính phủ dự kiến sửa đổi 53 điều, bổ sung 22 điều, bãi bỏ 7
điều so với Luật Đầu tư công hiện hành). Nhiều nội dung thể chế hóa các
cơ chế, chính sách đặc thù mới được thí điểm, triển khai thực hiện trong
thời gian ngắn; đòi hỏi phải đánh giá kỹ về tác động chính sách và
nghiên cứu, rà soát thận trọng để bảo đảm việc ban hành luật phù hợp với
yêu cầu của thực tế.
Về quan điểm, mục tiêu của Luật Đầu tư công
(sửa đổi), Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc sửa
đổi Luật phải bảo đảm nâng cao hiệu quả và tăng cường kỷ luật, kỷ cương
trong quản lý đầu tư công theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, tập trung đổi mới phân công,
phân cấp quyền hạn gắn với trách nhiệm trong việc xây dựng triển khai
thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn bảo đảm tính công khai minh
bạch; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đối với hiệu quả đầu tư.
Việc sửa đổi, bổ sung luật phải bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến
pháp, đồng bộ với các luật khác có liên quan. Các chính sách mới được
xem xét thận trọng trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng tồn tại, hạn chế, làm rõ
các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn để đề xuất nội dung sửa đổi, bổ
sung phù hợp. Phải đảm bảo nguyên tắc phân công, phối hợp kiểm soát
quyền lực theo quy định của Hiến pháp, bảo đảm nâng cao hiệu quả hoạt
động của bộ máy, trong quản lý đầu tư công.
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), các thành viên
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng, việc sửa đổi Luật phải thực hiện
chỉ đạo tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa
XIII, các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Nếu dự án Luật Đầu tư
công (sửa đổi) được xem xét thông qua tại 1 kỳ họp Quốc hội thì yêu cầu
Chính phủ phải có những quy định rõ là việc sửa đổi Luật phải tháo gỡ
được những ách tắc, khó khăn hiện nay trong phát triển kinh tế xã hội.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải
nhấn mạnh: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ
sơ dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân
sách và các cơ quan của Quốc hội. Để đảm bảo chất lượng dự án luật, đề
nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Thường
vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ
quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy
ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ
dự án Luật; tiếp thu đầy đủ giải trình, thuyết phục các ý kiến tham gia
để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Nếu đảm bảo chất lượng và được sự đồng thuận của cơ quan thẩm tra thì
có thể thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội
khóa XV với tinh thần là chỉ sửa đổi một số điều cần thiết, cấp bách và
nếu cần thiết sẽ có Nghị quyết thí điểm về việc sửa đổi. Còn về lâu dài,
dự án Luật sẽ phải được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra chính thức dự án Luật trình Quốc
hội xem xét, quyết định; lưu ý nêu rõ quan điểm từ các nội dung tiếp
thu, giải trình của Chính phủ về việc đảm bảo chất lượng dự án Luật nếu
thông qua tại một kỳ họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng giao cho Tổng Thư ký Quốc
hội chỉ đạo tổng hợp các ý kiến tham gia trong Phiên họp và thông báo ý
kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các cơ quan liên quan để
tổ chức thực hiện./.
TTXVN (baotintuc.vn)