Thứ Sáu, 22/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 25/11/2022 15:31'(GMT+7)

Luật Xuất bản đã mang lại hơi thở mới cho ngành xuất bản Việt Nam

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định: Qua 10 năm thi hành Luật, ngành Xuất bản, In và Phát hành đã có sự phát triển vượt bậc về số lượng, chất lượng, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước, góp phần cải thiện, nâng cao nhu cầu đọc của nhân dân. Hội nghị là dịp để nhìn lại định hướng xuất bản trong thời gian qua; đánh giá sự đồng bộ, mối quan hệ tác động đến ngành; các văn bản quy định chi tiết. Bên cạnh đó, đồng bộ Luật Xuất bản với các văn bản hướng dẫn chi tiết, các Điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên, từ đó chỉ ra vấn đề mới, vấn đề phát sinh còn khoảng trống pháp lý trong thực tế, hướng đến việc sửa đổi Luật Xuất bản trong thời gian tới. 

Báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Qua 10 năm thực hiện Luật Xuất bản, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Xuất bản và các văn bản dưới Luật đã được cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, địa phương quan tâm, triển khai sâu rộng. Việc triển khai xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển hoạt động xuất bản được quan tâm. Trên cơ sở Quy hoạch phát triển nhà xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các địa phương đã ban hành quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành cấp tỉnh để có cơ sở sắp xếp, phân bố mạng lưới nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành bảo đảm tính phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương, góp phần hình thành mạng lưới xuất bản, in và phát hành từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xuất bản đã được nâng lên một bước, góp phần quan trọng vào đấu tranh, ngăn chặn tình trạng in lậu, phát hành sách lậu, xâm phạm bản quyền sách, bảo vệ chủ thể sáng tạo và các đơn vị xuất bản. 

Tính đến tháng 10/2022, cả nước có 57 nhà xuất bản, 2.310 cơ sở in và khoảng 505 doanh nghiệp, 1.400 điểm phát hành. Nhịp độ tăng trưởng được duy trì với mức tăng bình quân khoảng 6-8%/năm. Năm 2020 và nửa đầu năm 2021, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, số lượng xuất bản phẩm trong thời gian này có giảm, toàn ngành đã xuất bản được 64.816 đầu sách, 777 triệu bản sách, đưa tỷ lệ sách bình quân đầu người đạt 4,3 bản/người/năm, tăng 1,1 lần so với năm 2012. Việc cấp, cấp đổi, thu hồi giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm, cấp giấy phép hoạt động in gia công xuất bản phẩm được triển khai thực hiện tương đối kịp thời, cơ bản bảo đảm các điều kiện hoạt động cơ sở in theo quy định của Luật Xuất bản...

Có thể nói Luật Xuất bản năm 2012 đã mang lại sinh khí mới cho ngành xuất bản Việt Nam, đưa ngành phát triển theo chiều rộng, bước đầu có những ấn phẩm đồ sộ và giá trị cao.

Tuy nhiên, việc thi hành Luật Xuất bản vẫn còn hạn chế. Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng các văn bản, đề án triển khai thực hiện Luật, có nhiều vấn đề mới, phức tạp liên quan đến việc đổi mới về cơ chế quản lý hoạt động xuất bản, có những vấn đề lần đầu tiên được triển khai thực hiện ở nước ta (như xuất bản và phát hành xuất bản điện tử) dẫn đến việc chậm triển khai một số quy định của Luật trong thực tế và chưa hiệu quả. Việc phối hợp  trong công tác xây dựng các văn bản giữa các cơ quan chức năng chưa nhịp nhàng,  thường xuyên. Một bộ phận cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò, tính phức tạp của hoạt động xuất bản trong điều kiện mới. Năng lực của một bộ phận lãnh đạo các đơn vị xuất bản còn hạn chế...

Để tháo gỡ các hạn chế, bất cập, ngành Xuất bản, In và Phát hành sách kiến nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ đề xuất với Ban Bí thư ban hành Chỉ thị thay thế Chỉ thị 42-CT/TW về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản nhằm xác định quan điểm, định hướng cho sửa đổi Luật Xuất bản, đáp ứng yêu cầu của của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số; Quốc hội (khóa XV) xem xét giao Bộ Thông tin và Truyền thông lập Hồ sơ sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản vào năm 2024. 

Bên cạnh đó, thời gian tới ngành Xuất bản, In và Phát hành  sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về lĩnh vực xuất bản nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước đầu tư, thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển lĩnh vực xuất bản; nâng cao năng lực nhà xuất bản, chú trọng phát triển một số nhà xuất bản trọng điểm, đủ năng lực dẫn dắt thị trường, tiến tới hình thành một thị trường xuất bản năng động, lành mạnh và chất lượng; Nâng cao chất lượng nội dung xuất bản phẩm, lấy phát triển chất lượng xuất bản phẩm làm trọng tâm, cân đối cơ cấu giữa các mảng sách; tập trung xuất bản sách có giá trị,chất lượng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; Xây dựng qui hoạch và sắp xếp lại mạng lưới các nhà xuất bản theo hướng thu gọn đầu mối, chuyển đổi mô hình phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; Phối hợp với cơ quan chủ quản nhà xuất bản xây dựng đề án phát triển một số nhà xuất bản trọng điểm trên cơ sở tăng cường đầu tư công, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và đặt hàng xuất bản xuất bản phẩm có giá trị cao, quan trọng phục vụ phát triển đất nước...

Tại hội nghị, các đại biểu đã góp ý một số nội dung của Luật Xuất bản năm 2012 chưa phù hợp với thực tế; đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng thi hành pháp luật về xuất bản./.

Tuấn Đạt

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất