Chủ Nhật, 24/11/2024
Môi trường
Thứ Năm, 5/10/2017 21:23'(GMT+7)

Lượng phát thải khí CO2 có thể cao gấp 3 lần vào năm 2030

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Thông tin trên được bà Vũ Minh Hải, Chủ tịch Nhóm Công tác về Biến đổi khí hậu đưa ra tại Hội thảo “Hướng đến hội nghị COP23: Tham vọng lớn hơn nhằm giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2 độ C” do Cục Biến đổi Khí hậu phối hợp các tổ chức phi chính phủ tổ chức tổ chức sáng 5/10, tại Hà Nội.

Chia sẻ thêm về thực trạng phát thải khí CO2, bà Hải cho biết, trên lộ trình phấn đầu thành một nước công nghiệp, những năm qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong công tác giảm nghèo và nâng cao phúc lợi xã hội.

Tuy nhiên, chính sự phát triển này cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng nhanh lượng phát thải khí CO2. Đơn cử như năm 2013, lượng phát thải khí CO2 đã tăng 3,5 lần so với năm 1991.

Riêng trong năm 2010, tổng lượng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam là 246,8 triệu tấn CO2 tương đương. Trong đó, lĩnh vực năng lượng chiếm tỷ trọng lớn nhất, với lượng phát thải lên đến hơn 141 triệu tấn CO2 tương đương. Với tốc độ phát triển như hiện nay, lượng phát thải khí CO2 ở Việt Nam vào năm 2030 sẽ cao gấp ba lần...

Bà Hải cũng nhấn mạnh, Việt Nam đang chịu ảnh hưởng ngày một nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu. Vì thế, các nỗ lực giảm phát thải khí CO2 đều rất cần thiết để giúp hạn chế tối đa tác động và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.

Từ góc độ cơ quan quản lý, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu khẳng định, thời gian qua thiên tai, bão lũ trên thế giới diễn biến rất phức tạp, không trừ một quốc gia nào, kể cả Mỹ, đã gây ra những hậu quả rất nặng nề.

Tại Việt Nam, cơn bão số 10 mới đây được xem là “cơn thịnh nộ” lớn nhất trong nhiều năm gần đây. Theo số liệu thống kê, bão số 10 đã làm hơn 120 người chết và bị thương; hơn 1.100 căn nhà bị sập; trên 163.000 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng…

Trước diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu, ông Tấn cho biết, Việt Nam đã và đang chủ động phát huy nội lực, kêu gọi quốc tế để tiến hành các hoạt động ứng phó, xây dựng nền kinh tế các-bon thấp theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.

“Tại Hội nghị lần thứ 23 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP23) tới đây, những mất mát trên sẽ được chia sẻ, để các nước đưa ra mục tiêu và hành động cụ thể, góp phần giảm thiểu các hiện tượng thảm họa thiên tai do Biến đổi khí hậu gây ra”, ông Tấn nói thêm.

Chia sẻ thêm về cam kết Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam nhằm thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, ông Nguyễn Văn Huy, cán bộ Cục Biến đổi khí hậu cho biết, NDC đang trong giai đoạn được rà soát, đẩy mạnh tập trung vào việc đánh giá công tác giảm phát thải khí nhà kính trong nhiều lĩnh vực.

Theo kế hoạch, bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 8% tổng lượng phát thải khí CO2. Trong đó, giảm 20% cường độ phát thải trên đơn vị GDP so với năm 2010; tăng độ che phủ rừng thành 45%.

“Mức đóng góp 8% ở trên có thể được tăng lên thành 25% khi nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế mới trong Thỏa thuận khí hậu toàn cầu”, ông Huy nói./.

Hùng Võ (Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất