Thứ Tư, 25/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 2/8/2016 20:26'(GMT+7)

Lương tối thiểu năm 2017 tăng 7,3%

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân - Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia chủ trì họp báo

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân - Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia chủ trì họp báo

Mở đầu buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân đã thông báo nhanh về diễn biến và kết quả của phiên họp thứ hai của Hội đồng Tiền lương Quốc gia được tổ chức tại Tam Đảo - Vĩnh Phúc sáng 2/8. Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (đại diện cho người lao động) muốn mức tăng lương tối thiểu tương ứng với mức tăng của năm 2016 là 11,11%, trong khi đó Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại chỉ muốn mức tăng nằm ở con số 4,4% với lý do doanh nghiệp hiện nay đang hết sức khó khăn với rất nhiều chi phí, đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

 
 Phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2017

VCCI đưa ra đề nghị nên chăng tăng ở mức vừa phải đảm bảo sao cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, đảm bảo khả năng cạnh tranh, đảm bảo khả năng chi trả theo mức lương tối thiểu. Chưa tính đến tới đây mức đóng góp bảo hiểm xã hội mới cũng chiếm một phần lớn chi phí của doanh nghiệp.

Sau hai phiên họp và sau khi thảo luận một cách hết sức nghiêm túc, xem xét kỹ lưỡng các phương án của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và VCCI, một bên với đề nghị tăng 11,11% và một bên với mức 4,4%, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã phân tích, đưa ra mức đề xuất tăng lương 7,3%.

Đây là phiên họp thứ hai, sau khi phiên họp thứ nhất diễn ra ở TP. Hải Phòng chưa tìm được tiếng nói chung giữa 3 bên gồm: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam (đại diện cho người lao động) và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Tại phiên họp thứ nhất tại thành phố Hải Phòng, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã đưa ra 3 phương án điều chỉnh lương tối thiếu vùng 2017. Phương án 1: Mức tăng từ 250.000 - 350.000 so với năm 2016, tương đương tăng 9,7-10,4% so với năm 2016; Phương án 2: Mức tăng từ 200.000 - 300.000 đồng, tương đương tăng 8,6%; Phương án 3: Mức tăng từ 200.000 - 250.000 đồng, tương đương 7,1-8,3%.

Như vậy chỉ với hai phiên họp, mức tăng tiền lương được Hội đồng Tiền lương Quốc gia quyết định ở mức 7,3%, việc ra quyết định mức tăng lương năm 2017 được duyệt nhanh hơn so với các năm trước. Thường việc xét tăng lương cho người lao động chỉ được quyết định qua 4-5 phiên họp.

Tại buổi họp báo, đại diện Hội đồng Tiền lương Quốc gia gồm: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lần lượt trả lời các câu hỏi của báo chí xung quanh các vấn đề: mức tăng lương tối thiểu có đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của người lao động, có đảm bảo với sự trượt giá của giá cả; việc tăng lương tối thiểu gây khó khăn và bất lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp như thế nào; các ngành sử dụng nhiều lao động như da giầy, dệt may; thủy hải sản có bị ảnh hưởng gì đến sức cạnh tranh trên thị trường...

Tuấn Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất