Tại các làng biển của tỉnh Quảng Bình, hình ảnh cây nêu và tục dựng nêu ngày cuối năm vẫn luôn được những người con xứ cát gìn giữ, lưu truyền theo cách riêng rất và độc đáo. Với họ, cây nêu không những là biểu tượng văn hóa mang ý nghĩa “tống cựu nghinh tân” mà còn thể hiện sự gắn bó với làng nước, thủy chung, cố kết dân tộc và biển cả quê hương.
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, câu ca như nhắc nhớ mỗi người con đất Việt về những nét đẹp văn hóa ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Tại các làng biển của tỉnh Quảng Bình, hình ảnh cây nêu và tục dựng nêu ngày cuối năm vẫn luôn được những người con xứ cát gìn giữ, lưu truyền theo cách riêng rất và độc đáo. Với họ, cây nêu không những là biểu tượng văn hóa mang ý nghĩa “tống cựu nghinh tân” mà còn thể hiện sự gắn bó với làng nước, thủy chung, cố kết dân tộc và biển cả quê hương.
Những ngày giáp Tết Mậu Tuất, chợ nêu ở các làng biển Quảng Bình lại nhộn nhịp người bán kẻ mua. Phiên chợ chỉ họp duy nhất một lần trong năm, ở đó người bán kẻ mua không phải mặc cả, kỳ kèo quá nhiều về mức giá.
Chợ nêu thường bắt đầu từ ngày 25 đến sáng 30 tháng Chạp là kết thúc và năm sau mới trở lại. Điều đặc biệt và thú vị của phiên chợ ở chỗ, việc chọn mua nêu được thực hiện chủ yếu bởi nam giới. Đó là những người đàn ông trụ cột của gia đình, thanh niên trai tráng trưởng thành và có những gắn kết máu thịt với biển cả quê hương.
Theo nhiều người dân ở xã biển Đức Trạch, huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình), trước đây cây nêu được dựng lên khắp nơi nhưng nay chỉ còn phổ biến ở các làng biển. Với người làng biển ở đây, tục dựng nêu ngày cuối năm được coi như một lễ nghi quan trọng, thứ không thể thiếu khi Tết đến Xuân về với mỗi gia đình. Người làng tin rằng cây nêu như biểu tượng thiêng liêng xua đuổi những điều xui xẻo, phiền muộn của năm cũ và mang lại may mắn, an lành trong năm mới.
Ông Lê Văn Thuyết, Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Đức Trung, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch cho hay cây nêu tốt được tìm mua thường là cây tre cứng cáp, chắc khỏe, độ già tre vừa phải; thân tre thon tròn, thẳng tắp và được tỉa tót sạch sẽ, nhẵn bóng; khoảng cách giữa các đốt tre đều đặn; không có mối mục hay lỗ kiến chui vào. Quan trọng nhất phần ngọn tre phải còn cành, lá và hơi cong. Ngư dân miền biển kiêng kỵ không mua những cây nêu được bán từ những người trong nhà có tang hoặc có người sinh đẻ. Vì theo họ, điều đó đồng nghĩa với việc mang vận xui về nhà.
Nhiều năm bán cây nêu cho người dân các làng biển huyện Bố Trạch, ông Dương Văn Thoan ở xã Đồng Trạch cho biết năm nay ông cất công lên tận các xã Sơn Trạch, Xuân Trạch, Hưng Trạch, tìm đến các hộ trồng tre chọn kỹ trên 300 cây tre đủ tiêu chuẩn để phục vụ nhu cầu mua nêu của khách hàng.
Cây nêu buộc phải có phần ngọn với cành, lá xanh tươi, thẳng đẹp; được bán với giá 150.000-300.000 đồng/cây tùy chất lượng, kiểu dáng của cây. Nếu người mua chọn được cây ưng bụng, họ thường không mặc cả nhiều mà sẵn sàng trả thêm tiền để nhanh chóng đưa nêu về nhà.
Chuẩn bị vật liệu để dựng cây nêu. (Ảnh: TTXVN)
Ngư dân Đức Trạch kể nếu các làng quê khác thường dựng nêu tùy thích miễn là trước đêm giao thừa thì làng biển lại có nét riêng trong tục dựng nêu. Nêu làng được dựng trước rồi mới đến nêu nhà. Tại các đình, đền, miếu, các nhà thờ tổ, họ, nghi lễ thượng nêu sẽ được các bậc trưởng bối thực hiện, tiếp đó là nêu các gia đình sẽ lần lượt được dựng lên, bắt đầu vào giữa trưa ngày 30 tháng Chạp.
“Trước khi thượng nêu, người làng biển sẽ sửa soạn bữa cơm cúng Tất niên và khấn tế cầu mong sức khỏe, may mắn, một năm mưa thuận gió hòa, có những chuyến biển bình an và thu được nhiều sản vật… Nêu sau khi dựng phải cao quá nóc nhà gia chủ, vì thế mà tùy theo từng nhà để chọn độ dài khác nhau nhưng thường cao từ 6-10m”, ông Thuyết cho hay.
Cũng theo ông Thuyết, cây nêu ngày Tết rất quan trọng với người dân biển. Vì vậy, khi đã chọn được nêu ưng ý đưa về nhà, trước khi làm lễ thượng nêu sẽ được gia chủ đặt ở vị trí sạch sẽ, phần ngọn được gác lên nơi cao ráo không để người khác bước qua nhằm tránh những điều xui xẻo, không may.
Sau khi hương được thắp, người dân tiến hành kiểm tra kỹ càng cây nêu trước khi dựng. Lá cờ Tổ quốc đỏ thắm với ngôi sao vàng năm cánh được gia chủ mua mới sẽ được cẩn thận gắn vào nêu qua một đoạn dây. Nêu được dựng hướng thẳng lên trời cao, cờ Tổ quốc sẽ được kéo lên với niềm tự hào dân tộc và mang những niềm tin, hy vọng mới. Cờ Tổ quốc hướng về Biển Đông, tung bay phấp phới giữa trời xanh như cầu mong một năm tấn tài tấn lộc, mọi sự hanh thông, vừa thể hiện lòng thủy chung, cố kết dân tộc và biển cả quê hương.
Ông Lê Văn Thuyết cho biết thêm việc dựng nêu ngày Tết cũng giống việc chọn mua nêu chỉ dành riêng cho những trai tráng thanh niên to khỏe và đàn ông trong nhà, nữ giới phải hạn chế đụng chạm đến cây nêu. Sau Tết, từ ngày mùng 7 tháng Giêng người dân lại làm lễ hạ nêu để bắt đầu một năm mới. Đó cũng là một tập tục rất riêng, độc đáo của những người dân biển Đức Trạch.
Làng biển Đức Trạch đang hồ hởi bước vào mùa Xuân mới với bộ mặt của một làng quê nông thôn mới ngày càng khang trang, hiện đại và đủ đầy. Gần 2.000 hộ dân làng biển phần lớn làm ngư nghiệp, toàn xã có gần 500 tàu thuyền với khoảng 300 tàu có công suất trên 90CV. Năm hết Tết đến, bỏ qua những bộn rộn, tất bật của cuộc sống mưu sinh, những ngư dân miền biển Đức Trạch lại cố công tìm cho được cây nêu vừa ý và thực hiện bài bản, thành kính những nghi thức thượng nêu đón chào năm mới.
Hình ảnh cây nêu và tục dựng nêu vẫn đang được người làng biển Quảng Bình gìn giữ, lưu truyền qua từng thế hệ. Nêu được dựng lên mang những ước nguyện và hy vọng mới của những người con được sinh trưởng từ biển. Nét đẹp văn hóa truyền thống về cây nêu ngày Tết cổ truyền sẽ mãi là biểu tượng thiêng liêng của những con người làng biển vốn thủy chung, son sắt với dân tộc và biển đảo Tổ quốc./.
Võ Dung (TTXVN)