Thời gian qua, ngành hàng không đã triển khai hàng loạt biện pháp phòng chống mất cắp tài sản, hàng hóa, hành lý trên đường vận chuyển hàng không từ các đơn vị mặt đất, các hãng hàng không, cảng vụ.
Tuy nhiên, theo đại diện các cơ quan chức năng, tất cả các quy trình xếp dỡ hành lý đều thực hiện khá tốt nhưng vẫn để “lọt” mất cắp tài sản của hành khách. Và câu hỏi đặt ra là, có hay không sự bắt tay, thông đồng giữa nhân viên soi chiếu với lực lượng bốc xếp hàng hóa trong việc mất hành lý?
Quy trình tốt nhưng vẫn… “lọt”
Kiểm tra tại công tác bốc xếp hàng hóa, hành lý tại cảng hàng không Nội Bài vào ngày 10/6, ông Đào Văn Chương, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nhìn nhận, chặn đứng mất cắp hành lý hàng không là để hình ảnh Việt Nam đến với hành khách và bạn bè trên thế giới với hình ảnh thân thiện - là điểm đến tin cậy cho bạn bè quốc tế.
“Trước đây và vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam luôn có kế hoạch cụ thể yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện. Kiểm tra bốc xếp hàng hóa, hành lý tại các cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng là để giảm tiêu cực trong ngành hàng không đồng thời có cái nhìn khách quan về tình trạng này,” ông Chương nói.
Theo ông Tô Tử Hùng, Phó trưởng phòng An ninh hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, hiện tượng trộm cắp, mất mát tài sản hàng không đã có từ lâu.
Đưa ra con số, báo cáo của phòng An ninh hàng không cho thấy, tại nước ta, năm 2013, các vụ việc báo cáo lên Cục Hàng không chủ yếu là hành khách lấy trộm tài sản của hành khách hay hàng hóa gửi qua đường hàng không bị trộm cắp.
Năm 2014, Cục Hàng không bắt đầu phân loại và đánh giá sự vụ. Theo thống kê, từ ngày 19/12/2013-19/12/2014 đã có 48 vụ báo cáo, nhân viên mất, hành khách bị mất khi về nhà, kiện hàng hóa bị hỏng. Từ đầu năm đến ngày 1/5/2015 có 25 vụ việc mất cắp.
Là đơn vị phục vụ mặt đất các hãng hàng không nội địa và nước ngoài, ông Phương Hồng Minh, Phó Tổng giám đốc Công ty phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS) cho rằng, quy trình phục vụ hành lý của chuyến bay đến/đi có thể xảy ra mất cắp tại hầm hàng hóa và vận chuyển hành lý hàng hóa.
Hàng loạt các biện pháp như kiểm tra trực quan nhân viên bốc xếp hàng hóa lên tàu bay; nhân viên không được mang đồ vật giá trị tiền, điện thoại, máy tính bảng; mặc quần áo không có túi, hạn chế người ra vào khu vực hàng hóa, hành lý, giám sát camera. Tuy nhiên, ông Minh khẳng định, hành khách vẫn phản ánh về mất cắp tài sản để trong hành lý.
Bổ sung thêm, ông Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc Chi nhánh Tổng công ty hàng không Việt Nam-Công ty cổ phần Xí nghiệp thương mại mặt đất Nội Bài (NIAGS) cho biết, hiện các camera bổ sung thêm để theo dõi tất cả các quá trình bốc xếp hàng hóa của nhân viên. Nếu có phản ánh của hành khách sẽ xem lại băng ghi hình, kiểm tra tủ đồ cá nhân của nhân viên, kiểm tra toàn bộ dây chuyền phục vụ hành lý.
“Thực tế, vẫn chưa phát hiện nhân viên lấy cắp hàng hóa tại Nội Bài,” ông Đức khẳng định.
Đi thẳng vào vấn đề, Phó Cục trưởng Đào Văn Chương đặt câu hỏi, có hay không sự bắt tay, thông đồng giữa nhân viên soi chiếu với lực lượng bốc xếp hàng hóa trong việc mất hành lý?
Trả lời thẳng thắn, ông Hoàng Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm An ninh hàng không, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài khẳng định: “Không có sự bắt tay giữa trộm cắp và lực lượng nhân viên soi chiếu. Nếu có, tôi sẽ chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Cục Hàng không.”
Theo ông Quang, các đơn vị hàng không đã xác định rõ, mất cắp hành lý chỉ có 2 đối tượng là khách lấy của nhau hoặc nhân viên hàng không lấy của khách.
“Trách nhiệm thuộc về ngành hàng không, xác định ai như thế nào thì chúng ta phải làm rõ. Đối với mất cắp hành lý chỉ có nội bộ, trong đó có trách nhiệm của an ninh hàng không. Nếu lấy được thì phải mang ra đồng thời ‘tuồn’ bằng đường nào và tại sao vẫn để ‘lọt’,” ông Quang đặt ra hàng loạt nghi vấn.
Bắt đúng mạch nhưng chưa có thuốc để đặc trị
Đưa ra các giải pháp phòng chống hữu hiệu, bà Nguyễn Thanh Phương, Phó giám đốc Cảng vụ Miền Bắc, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, khi xảy ra mất tài sản hành lý tại đầu khai báo có thể triển khai kiểm tra luôn. Nếu có sự kết nối giữa các nơi hành lý đi qua thì sẽ tìm hiểu, xác minh dễ hơn. Đây là vấn đề mà các đơn vị cần phối hợp để giải quyết tổng thể kết nối giữa các đầu.
Nói rõ hơn, theo bà Phương, vận chuyển hành lý qua nhiều công đoạn, các khâu và có nhiều đơn vị tham gia vận chuyển hành lý của hành khách. Để đánh giá việc này, kiểm soát nội bộ là vô cùng quan trọng, ở bộ phận nào thiếu và yếu thì sẽ có biện pháp xử lý triệt để nhất về vấn đề này. Đặc biệt, trước tiên, các đơn vị tuyển dụng và sử dụng lao động dễ dàng đánh giá được nhân viên qua kiểm soát nội bộ.
“Mất cắp tài sản chủ yếu là từ nhân viên nội bộ vì chính họ tham gia bốc xếp hành hóa, kiểm soát nội bộ nhân viên an ninh, các điểm kiểm tra an ninh. Không thể có người bên ngoài vào mang đồ ra,” bà Phương quả quyết.
Nhấn mạnh đến việc mất cắp hành lý thì trách nhiệm đầu tiên là hãng hàng không, Phó Cục trưởng Đào Văn Chương cho rằng, thời gia qua có nhiều biện pháp để kiểm soát sự can thiệp bất hợp pháp vào hành lý.
“Tuy nhiên, ngành hàng không chưa xác định, cắt khúc rõ tình trạng hàng hóa đó như thế nào để quy được trách nhiệm, làm sao hiện tượng tiêu cực không còn. Do đó, phải gắn camera khi mở hầm hàng, container chở hàng rời. Đây là biện pháp tốt ngăn chặn thực trạng này,” ông Chương bày tỏ quan điểm.
Ông Cao Văn Thái, Phó trưởng ban An ninh an toàn Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết, những giải pháp vừa qua đã bắt đúng mạch, nhưng chưa đủ thuốc để đặc trị căn bệnh này.
“Ngành hàng không tiếp tục trang bị camera ở những nơi hay mất hành lý (khu vực nhận hàng, dỡ hàng). Phải có bộ phận kiểm soát nội bộ bởi giờ chưa thấy an ninh có việc đó, làm được thì tình trạng mất cắp hành lý, hàng hóa mới có thể kiểm soát,” ông Thái nhấn mạnh thêm./.
Theo VN+