Ngày 30-11-2010, blog nguoiduatinkami công
bố bài viết của Kami nhan đề “Wikileaks - Kế hoạch cho Việt Nam được
hưởng quy chế Khu tự trị trực thuộc chính quyền Trung ương tại Bắc
Kinh”, trong đó viết rằng sự kiện này sẽ xảy ra vào năm 2020, và đó là
thông tin “nằm trong số 3.100 các bức điện đánh đi từ Hà Nội và TP. Hồ
Chí Minh của cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam gửi chính phủ Hoa
Kỳ”! Dù Kami coi đó “chỉ là một tin mang tính chất giả thiết của tác giả
mà nó có nhiều khả năng khi bị bạch hóa có thể xảy ra mà thôi, chứ
không phải tin chính thức của Wikileaks... Xin vui lòng chờ tổ chức
Wikileaks họ sẽ chính thức công bố trong một thời gian gần đây cho mọi
người toàn thế giới rõ”, thì tin này vẫn loang ra với tốc độ chóng mặt.
Trước hệ quả tiêu cực từ thông tin bịa đặt, ngày 6-12-2010, Kami phải
công bố tiếp bài “Đôi điều về bài viết “Wikileaks: Kế hoạch…”…” khẳng
định đó chỉ là “tin mang tính giả thiết”, “một bài báo mang tính phiếm
luận, ở dạng viết chơi, viết cho vui mà không hề có suy nghĩ nó sẽ được
mọi người, các hãng truyền thông nhào nặn thành một tin “tuyệt mật”,
“cực kỳ quan trọng”, “cực kỳ nguy hiểm”…”. Tuy nhiên, Kami vẫn mập mờ
rào đón đó là một “phép thử”, rồi ra vẻ đạo đức để lên giọng dạy dỗ “mọi
việc sẽ trở nên hết sức đơn giản nếu mọi người chúng ta đọc bài viết
một cách kỹ càng, nghiêm túc từ đầu đến cuối, nếu không nói là đọc một
vài lần để hiểu Kami muốn nói gì hay chuyển tải thông tin gì qua bài
viết của mình. Và một điều muốn nói với một số trang mạng, các đài radio
hay đài truyền hình,… đừng lấy các tin giả thiết rồi chế thành những
tin như thật nó cũng không hay lắm cho uy tín của các bạn”!
10 năm qua, cái tin nhảm nhí, vô ý thức, vô trách nhiệm, hết sức thâm
độc do Kami bịa đặt đã được các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá
nhân thiếu thiện chí với Việt Nam triệt để khai thác và sử dụng làm vũ
khí tiến công Đảng, Nhà nước Việt Nam. Và có một điều lố bịch là: dù
luôn tự xưng về tính trung thực, song BBC, VOA, RFA,... vẫn không xấu hổ
khi thể hiện thói thiếu đạo đức báo chí của họ qua việc sử dụng tin giả
của Kami như một “món khoái khẩu”. Mà bằng chứng là đến hôm nay, trên Internet vẫn lưu giữ các bài như “Thực hư tài liệu tuyên truyền Thành
Đô” (BBC, 15-10-2014), “Đã đến lúc công bố mật ước Thành Đô?” (BBC,
17-10-2014), “Mật ước Thành Đô: Đập như thế là… tan?” (VOA, 15-2-2019),
“Nên hiểu “Mật ước Thành Đô” như thế nào?” (VOA 13-12-2017), “Uẩn khúc
Hội nghị Thành đô: Lòng tin và sự minh bạch” (RFA, 10-8-2014), “Đã đến
lúc giải mật Hội nghị Thành Đô?” (RFA, 6-8-2014)… Và không chỉ các tổ
chức chống cộng của người Việt ở nước ngoài, các trang mạng thù địch với
Việt Nam, mà một số người tự nhận hoặc được gọi là “nhân sĩ, trí thức,
nhà dân chủ, người yêu nước” cũng dựa vào tin bịa đặt này để đòi “bạch
hóa mật ước Thành Đô”, sử dụng để vu khống Đảng, Nhà nước Việt Nam “bán
nước”, kích động hành vi chống đối chính quyền…
Chưa kể, trong khi lẽ ra nếu muốn thể hiện sự lành mạnh trong tiếp
nhận, cần phải tỉnh táo xem xét, xác minh tính xác thực của thông tin,
để phải phê phán, vạch rõ sự dối trá thì một số cá nhân (trong đó có cán
bộ, đảng viên) lại bị cuốn theo luận điệu dối trá của kẻ xấu, thậm chí
trả lời phỏng vấn của BBC, một người được gọi là nhân sĩ còn nói rằng:
“Chúng tôi đang muốn là Quốc hội phải thành lập một Ủy ban nghiên cứu,
bạch hóa vấn đề này”!
Là thông tin dối trá cho nên trong 10 năm khai thác cái gọi là “mật
ước Thành Đô”, những kẻ cố tình khuếch đại và biến hoang tin này thành
công cụ để chống phá Việt Nam và một số người tin theo một cách cảm tính
rồi dựa vào đó để chất vấn Đảng và Nhà nước, đều có một đặc điểm chung
là chưa bao giờ chứng minh được sự chính xác của nguồn tin, mà đều viện
dẫn một cách mơ hồ rằng dẫn lại từ Wikileaks, thậm chí dựng đứng ra
chuyện Tân Hoa xã, Thời báo Hoàn cầu đã công bố. Dù báo chí chính thống
và rất nhiều bài viết, ý kiến trên mạng đã bác bỏ, chứng minh “mật ước
Thành Đô” chỉ là thứ tin giả, khi tiếp nhận và sử dụng phải tỉnh táo,
nhưng họ vẫn tảng lờ.
Đặc biệt, những kẻ chống cộng còn tỏ ra lì lợm hơn, ngoan cố hơn, và
vì thế trong bài “Mật ước Thành Đô: một sự bịa đặt trắng trợn”, Kim Âu -
một người Mỹ gốc Việt, từng viết: “đó chỉ là câu chuyện hoang tưởng của
những kẻ bị bệnh rối loạn nhân cách, tự nhận mình là người quốc gia
chống cộng do không hiểu được nội dung bài báo của Kami, hay hiểu nhưng
cố tình áp đặt sự rối loạn nhân cách của họ để làm thay đổi nội dung câu
chuyện từ giả thuyết thành sự thật bằng chứng hiển nhiên.
Tất nhiên những kẻ bị rối loạn nhân cách thì không có ai, lẽ phải hay
sự thật nào ngăn cản được sự hoang tưởng điên dại của họ... Thậm chí
đôi lúc chuyện giả tưởng này còn có lợi khi dùng thúc đẩy những người có
nhiệt tình chống cộng nhưng ngu dốt vì thiếu tin tức chính xác, lành
mạnh lên cơn hoặc sôi máu anh hùng rơm để tham gia vào cuộc đấu tranh
chống Việt cộng”.
Và lý giải tại sao chính quyền Việt Nam lại không “bạch hóa mật ước
Thành Đô” theo ý muốn của một số người, từ nước Mỹ, trả lời phỏng vấn
của trang Trực diện TV, Luật sư Hoàng Duy Hùng phân tích: “Đây là chuyện
không có. Người ta bịa ra mà mình cứ trả lời, thì người ta bịa hết
chuyện này đến chuyện khác mình vẫn cứ phải trả lời hay sao? Nên cách
hay nhất của người lãnh đạo là khi người ta bịa đặt, nhất là trong bối
cảnh người ta cố tìm sơ hở để khai thác, tiến công thì cách hay nhất là
im lặng, “lấy cái tĩnh để chế cái động”, đó là cách ứng xử của Nhà nước
Việt Nam”. Đến ngày 3-1-2020 vừa qua, phát biểu trên PhoBolsa TV, ông
Hồng Phúc - một người Mỹ gốc Việt, đã thẳng thắn vạch rõ: “Những người
tung ra tin này là có tội với Tổ quốc, có tội với đất nước, có tội với
những người đã hy sinh bao nhiêu xương máu, từ đời ông cha của mình, để
bảo vệ đất nước Việt Nam. Họ tung tin là để kích động quần chúng, chia
rẽ hận thù, và tôi coi đó là đám vô lại”...
Kể từ ngày Kami tung ra tin giả bỉ ổi kia đến nay đã tròn 10 năm,
nhưng không có bất cứ dấu hiệu nào dù nhỏ nhất bảo đảm cho cái “sự kiện”
mà Kami bịa ra. Trong 10 năm, dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều
biến động phức tạp, thì dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà
nước, toàn thể dân tộc Việt Nam vẫn đoàn kết trong một khối thống nhất,
vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vừa giữ vững ổn
định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội với các thành tựu không
thể phủ nhận, đồng thời tiếp tục khẳng định và nâng cao vị thế, uy tín
trong cộng đồng quốc tế.
Trong 10 năm đó, rất nhiều văn bản hợp tác giữa Việt Nam với các
nước, các tổ chức quốc tế đã được ký kết, nhiều hội nghị có tầm vóc quốc
tế như Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU-132) năm 2015,
Diễn đàn APEC 2017, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018,…
đã được tổ chức tại Việt Nam. Đặc biệt, 2020 là năm Việt Nam đã chính
thức đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ
nhiệm kỳ 2020 - 2021, giữ cương vị Chủ tịch ASEAN 2020…
Về sự phát triển kinh tế, như Báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố
tháng 12-2019 đánh giá thì “Trong bối cảnh bất định tăng lên trên toàn
cầu, Việt Nam chắc chắn vẫn nằm trong số những nền kinh tế tăng trưởng
cao nhất trên thế giới với tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt trên dưới
6,8%, cao gần gấp ba lần so với tốc độ bình quân của thế giới (2,6%),
cao hơn 1,2 điểm phần trăm so với bình quân ở khu vực Đông Á, Thái Bình
Dương”…
Các sự kiện, con số, các đánh giá như vậy đã trực tiếp khẳng định
tinh thần độc lập, tự chủ, nỗ lực phát triển đất nước bằng chính trí
tuệ, nội lực của toàn dân tộc là nguyên tắc bất di bất dịch của Việt Nam
trong quá trình phát triển đất nước, và hội nhập với cộng đồng nhân
loại; đồng thời trực tiếp vạch trần sự bất lương của các thế lực thù
địch, của một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí khi sử dụng tin giả
“mật ước Thành Đô” để vu khống Đảng và Nhà nước Việt Nam, đó cũng là sự
thật trực tiếp cảnh tỉnh những ai vì mơ hồ, nhẹ dạ, cả tin mà thiếu tỉnh
táo trước loại thông tin bịa đặt đã được đơm đặt, thổi phồng chỉ nhằm
phục vụ mưu đồ của kẻ xấu.
Những năm qua, trong sự phát triển của Việt Nam, chúng ta đánh giá
cao vai trò của internet trong khi tham gia phát triển mối liên hệ giữa
con người với con người, truyền bá thông tin, phổ biến tri thức, góp
phần thỏa mãn nhu cầu giải trí, xây dựng các mối quan hệ kinh tế,...
song không vì thế chúng ta lại xem nhẹ vấn đề quan trọng là internet đã
và đang bị các thế lực thù địch cùng một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện
chí lợi dụng, biến thành công cụ chống phá chế độ, tác động tiêu cực
đến uy tín của Đảng và Nhà nước, gieo rắc thông tin sai trái, bịa đặt để
thao túng, lũng đoạn niềm tin xã hội, cản trở sự phát triển của Việt
Nam.
Trong bối cảnh đó, tin giả về “mật ước Thành Đô” không chỉ là thí dụ
điển hình, mà còn là đỉnh điểm của vô số dối trá, bỉ ổi mà kẻ xấu đã
thực hiện trong những năm qua; là bằng chứng cho thấy quan hệ chặt chẽ
giữa các thế lực thù địch với BBC, VOA, RFA,... khi sử dụng tin giả để
chống phá Việt Nam.
Vì thế, trước sự phức tạp trong cuộc đấu tranh chống luận điệu sai
trái của các thế lực thù địch, mỗi người Việt Nam, đặc biệt là cán bộ và
đảng viên, cần tiếp tục củng cố niềm tin vào con đường mà Đảng và Bác
Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, vào sự lãnh đạo của Nhà nước, vào truyền
thông chính thống, có bản lĩnh, sáng suốt, tỉnh táo,... khi tiếp cận
thông tin để tự mình và giúp người khác phân biệt giữa đúng với sai,
giữa trung thực với dối trá, để tự mình trở thành nhân tố tích cực góp
phần bảo vệ, củng cố niềm tin xã hội, bảo vệ cuộc sống của chính bản
thân mình./.