“Tác động của biến đổi khí hậu tới các nước ở lưu vực sông Mê kông và các sáng kiến để thích nghi với những biến đổi” là chủ đề của hội nghị đã diễn ra mới đây tại Băng-cốc, Thái Lan.
Tham dự hội nghị có hơn 150 đại diện đến từ cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ quốc tế, các tổ chức xã hội, các cơ quan tài chính cũng như các đối tác của Uỷ ban sông Mê Kông (MRC).
Mục đích của hội nghị lần này nhằm đẩy mạnh hơn nữa đối thoại và thảo luận giữa các nước trong khu vực với các nhà tài trợ để giải quyết các vấn đề bức xúc hiện nay, đồng thời xác định những việc cần xúc tiến để giúp người dân có nhận thức rõ hơn về tác động của biến đổi khí hậu tới cuộc sống của họ.
Các diễn giả phát biểu trong hội nghị thống nhất quan điểm rằng biến đổi khí hậu và sự thay đổi dòng chảy của sông Mê Kông sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế của hàng triệu người dân sống dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên thiên nhiên ở sông Mê Kông và các vùng phụ lưu.
Đại diện của Thái Lan, Siripong Hungspreug, phát biểu: “Mỗi nước trong khu vực cần có các chiến lược hành động cụ thể và để đạt được hiệu quả thì các nước cần có thông tin về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dự báo được diễn biến của biến đổi khí hậu và có biện pháp thích nghi ”. Hiện nay, việc thiếu các thông tin về tác động của biến đổi khí hậu đang là mối quan tâm lớn đối với nhóm quốc gia này.
Các nhà khoa học đều dự báo rằng biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng các hiện tượng tự nhiên bất thường. Lượng mưa sẽ ít hơn vào mùa khô và nhiều hơn vào mùa mưa. Điều này sẽ khiến tình trạng thiếu nước càng trầm trọng hơn trong mùa khô và gia tăng lũ lụt trong mùa mưa.
Biến đổi khí hậu cũng sẽ ảnh hưởng đến các hệ sinh thái tự nhiên như rừng ngập mặn, các hoạt động kinh tế như nông nghiệp, ngư nghiệp và các ngành kinh tế khác phụ thuộc nhiều vào nguồn tài nguyên nước.
Một trong những giải pháp mà Siripong đề xuất là tăng cường vốn kiến thức về biển đổi khí hậu cho những người dân trong khu vực nhằm giúp đỡ họ biết cách đương đầu với những tác động xấu do biến đổi khí hậu gây ra.
Ông cũng nhấn mạnh rằng để thực hiện các chính sách xoá đói giảm nghèo thành công cũng cần có những hiểu biết đúng đắn về tác động của biển đổi khí hậu đến nguồn tài nguyên đa dạng cũng như đến việc mưu sinh của người dân nơi đây.
Trong thập kỷ vừa qua, trình độ hiểu biết của người dân về tầm quan trọng của nguồn nước, việc sử dụng đất đúng đắn, cách kiếm sống ở lưu vực sông Mê Kông đã tăng lên nhanh chóng.
Tuy nhiên, thứ mà họ còn đang thiếu là những thông tin về nhóm người có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi hệ sinh thái thay đổi và thông tin về những chính sách của nhà nước về thích nghi với biến đổi về khí hậu. Họ cũng cần được cung cấp thông tin về tác động của biến đôi khí hậu với nguồn nước ở sông Mê Kông.
Để giải quyết những mối lo ngại này của người dân cũng như của các chính phủ, Siripong cho rằng các sáng kiến để thích ứng với biến đổi khí hậu của Uỷ ban sông Mê Kông cần tập trung vào hai mục tiêu chính:
Thứ nhất: Cần xây dựng các nguồn dữ liệu khoa học, các dự án nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu tới hệ sinh thái và người dân ở lưu vực sông Mê Kông, đồng thời đề ra các chính sách giúp người dân thích nghi với những biến đổi này.
Thứ hai: Cần thiết lập và đẩy mạnh các khung thể chế để thích ứng với những biến đổi khí hậu trong khu vực.
Ông cho rằng thách thức lớn nhất để thực hiện hai mục tiêu này là làm thế nào để liên kết được các hoạt động của các bên liên quan, cả trước đây và hiện nay. Ngoài ra, cần thiết lập một cơ chế thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong khu vực để thich nghi với biến đổi khí hậu trong tương lai.
ThienNhien.net