Bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc, hôm qua 26/8,
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã thăm và làm việc với Bộ trưởng các
Bộ: Khoa học và Kế hoạch tương lai; Lao động và Việc làm; An ninh và
Hành chính công.
Cụ thể hóa các dự án hợp tác KHCN
Làm việc với ông Choi Mun Ki, Bộ trưởng
Bộ Khoa học và Kế hoạch tương lai Hàn Quốc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện
Nhân nêu rõ quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực khoa học và
công nghệ (KHCN) đang có nhiều bước phát triển tích cực.
Với sự hỗ trợ tích cực của Viện KIST
và các cơ quan hữu quan của Hàn Quốc, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam
đang chủ trì triển khai dự án V-KIST. Đến nay, Chính phủ Việt Nam đã bố
trí được địa điểm xây dựng dự án với diện tích 25 ha; đang khẩn trương
hoàn thành báo cáo khả thi, xây dựng cơ chế, chính sách cho dự án như tổ
chức, quản lý; cơ chế tự chủ tài chính; định hướng nghiên cứu; khả năng
kết nối với các doanh nghiệp; giải pháp thu hút tri thức...
Phó Thủ tướng đề nghị phía Hàn Quốc sớm
hỗ trợ Việt Nam trong việc nghiên cứu khả thi dự án V-KIST và đưa dự án
này vào danh mục các dự án viện trợ không hoàn lại để thực hiện từ năm
2014; hỗ trợ Việt Nam xây dựng Dự án trường đại học ảo tại Việt Nam,
theo đó vừa dạy tiếng Anh vừa đào tạo chuyên môn cho sinh viên; tổ chức
các sân chơi sáng tạo về robocon và ICT cho thanh niên giao lưu, tăng
cường hiểu biết giữa hai nước.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã thông
báo với phía bạn về Dự án tiền khả thi đưa tiếng Hàn Quốc vào giảng dạy
chính thức trong chương trình phổ thông tại Việt Nam bên cạnh các ngôn
ngữ là: Anh, Trung, Đức, Nga, Pháp.
Bộ trưởng Choi Mun Ki thống nhất và bày
tỏ đồng tình trước những đề xuất của Việt Nam về hợp tác KHCN, nhất là
dự án V- KIST. Đánh giá cao những kế hoạch và chiến lược phát triển
KHCN của Việt Nam trong thời gian gần đây, từ đó đề nghị Bộ Khoa học và
Công nghệ Việt Nam và Bộ Khoa học và Kế hoạch tương lai cần tăng cường
đối thoại thường xuyên ở cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng để có những hợp tác
cụ thể và hiệu quả hơn nữa.
Sớm nối lại hợp tác lao động Việt Nam - Hàn Quốc
Trao đổi với ông Phang Ha Nam, Bộ trưởng
Lao động và Việc làm Hàn Quốc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu bật
những đóng góp tích cực của ngành lao động hai nước vào sự phát triển
của quan hệ hai nước.
Từ năm 2004 đến nay có khoảng 63 nghìn
lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình Cấp phép việc
làm cho lao động nước ngoài (EPS).
Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2011, tình
trạng lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng ở lại làm việc bất hợp pháp
đang gia tăng đã ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh
vực lao động. Chính phủ Việt Nam hiểu rõ thực trạng này và đang triển
khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, theo hướng tăng mức xử phạt
hành chính đối với lao động hết hạn không về nước, từ mức cũ 3 triệu
đồng (150 USD) lên tới 100 triệu đồng (5.000USD); Áp dụng quy định ký
quỹ đối với người lao động đi làm việc ở Hàn Quốc với mức 100 triệu
đồng/người (5.000 USD).
Chính phủ Việt Nam đang nghiên cứu áp
dụng biện pháp tạm ngừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc
theo chương trình EPS đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ lao động ở
lại làm việc và cư trú bất hợp pháp cao trong thời gian 1 năm; thành lập
Văn phòng chuyên trách Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc với nhân
lực đủ mạnh để quản lý những lao động đi theo Chương trình EPS; tuyên
truyền, vận động gia đình có lao động sắp hết hạn hợp đồng phải cam kết
và vận động người lao động về nước đúng hạn; tổ chức các cuộc vận động
tại các địa phương của Hàn Quốc có nhiều lao động Việt Nam; nâng cao
chất lượng đào tạo tiếng Hàn Quốc và giáo dục ý thức kỷ luật, pháp luật
cho người lao động; thay đổi cách thức tuyển chọn người lao động cho
đúng đối tượng, phù hợp với khả năng, yêu cầu công việc và nguyện vọng
của người lao động.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt
Nam cam kết sẽ chỉ đạo quyết liệt những giải pháp nêu trên. Tuy nhiên,
các biện pháp này của Việt Nam sẽ không thể đạt hiệu quả nếu không có sự
phối hợp tích cực, đồng bộ của các cơ quan chức năng Hàn Quốc, trong đó
có việc hạn chế tình trạng các doanh nghiệp Hàn Quốc tuyển dụng lao
động Việt Nam cư trú bất hợp pháp.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ LĐTBXH phối hợp
chặt chẽ với Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc trong tháng 11/2013 có
báo cáo cụ thể với Chính phủ hai nước để sớm có thỏa thuận đưa lao động
Việt Nam trở lại lao động tại Hàn Quốc.
Bộ trưởng Phang Ha Nam cho biết lao động
Việt Nam đi theo Chương trình EPS đã góp phần vào sự phát triển của các
DN Hàn Quốc, vì vậy, việc tạm dừng Chương trình EPS là điều không mong
muốn của Chính phủ Hàn Quốc, để giải quyết vấn đề này rất cần có sự phối
hợp và chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam.
Hỗ trợ triển khai Trung tâm Dữ liệu điện tử Chính phủ
Làm việc với ông Yoo Jeong Bok, Bộ
trưởng An ninh và Hành chính công Hàn Quốc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện
Nhân đã thông báo một số chính sách ưu việt mà Chính phủ Việt Nam đang
triển khai rộng rãi, trong đó Chính phủ điện tử luôn được quan tâm đầu
tư.
Cảm ơn Chính phủ Hàn Quốc đã quan tâm
tài trợ ODA để Việt Nam xây dựng Trung tâm dữ liệu điện tử Chính phủ,
Phó Thủ tướng mong muốn Hàn Quốc tập trung giúp Việt Nam xây dựng cơ chế
hỗ trợ hiệu quả cho Việt Nam khi xây dựng, quản lý và vận hành Trung
tâm dữ liệu điện tử Chính phủ.
Bộ trưởng Yoo Jeong Bok cho biết việc
nâng cao năng lực điều hành, đổi mới cải cách hành chính của Chính phủ
Hàn Quốc có phần đóng góp hết sức quan trọng của việc triển khai đồng bộ
các giải pháp Chính phủ điện tử. Dự kiến đến năm 2017, 60% các dịch vụ
công của chính quyền sẽ được cung cấp theo cơ chế điện toán đám mây.
Bộ An ninh và Hành chính công cho biết
sẽ tiếp tục cử chuyên gia đến Việt Nam hỗ trợ rà soát và triển khai
Chính phủ điện tử theo hướng chuẩn hóa dữ liệu, chuẩn hóa về công nghệ
từ cơ quan hành chính cao nhất là Chính phủ đến các cấp triển khai thực
hiện ở xã, phường.
* Cùng ngày, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi tiếp ông Lee
Seok Jae, Chủ tịch Tập đoàn Korea Telecom để nghe về Dự án trường đại
học ảo và hỗ trợ Việt Nam về an ninh mạng; tiếp Lãnh đạo Đại học Seoul;
Dự Lễ khai trương Văn phòng Khoa học Công nghệ Việt Nam tại Thủ đô
Seoul./.
Từ Lương (VGP)