Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng trả lời phỏng vấn về quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatincan, ý nghĩa của việc nâng cấp quan hệ từ Đặc phái viên không thường trú lên Đặc phái viên thường trú.
Trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân, cùng Đoàn cấp cao Việt Nam tới Vatican mới đây, hai bên đã công bố thông qua Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam.
Bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương này được báo giới trong và ngoài nước, đồng bào Công giáo rất quan tâm.
Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng về mối quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatincan, cũng như ý nghĩa của việc nâng cấp quan hệ này.
- Xin ông thông tin đôi nét về mối quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican thời gian qua?
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng: Có thể nói, quan hệ Nhà nước Việt Nam với Tòa thánh Vatican là mối quan hệ tương đối đặc biệt. Tòa thánh Vatican vừa là quốc gia độc lập, đồng thời là tổ chức tôn giáo có ảnh hưởng lớn đối với cộng đồng Công giáo trên thế giới, trong đó có ảnh hưởng đối với Công giáo ở Việt Nam.
Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trên thế giới và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, trên tinh thần đó, Việt Nam coi trọng và sẵn sàng thúc đẩy quan hệ với Tòa thánh Vatican trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới.
Quan hệ Việt Nam-Vatican đã có những tiến triển tích cực qua các thời kỳ. Từ tháng 11/1990 đến năm 2008, Việt Nam và Tòa thánh Vatican đã có 17 lần họp, trao đổi về hoạt động liên quan đến Công giáo, việc phong chức, thuyên chuyển, đào tạo chức sắc, hoạt động mục vụ (2 lần tại Vatican vào năm 1992, 2005 và 15 lần tại Việt Nam).
Thời kỳ này, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì tiếp và làm việc với đại diện Tòa thánh Vatican.
Từ năm 2009, hai bên đã thành lập Tổ công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican do Thứ trưởng Ngoại giao mỗi bên làm Trưởng đoàn. Hai bên đã trải qua 10 vòng đàm phán và đạt được kết quả nhất định.
Năm 2011, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chấp thuận đề nghị của Tòa thánh Vatican về việc cử một Đặc phái viên không thường trú của Vatican tại Việt Nam.
Đến nay, Đặc phái viên không thường trú vào Việt Nam hàng trăm lần, đi thăm, hoạt động mục vụ ở 63 tỉnh, thành phố, chỉ dẫn người có đạo hoạt động thuần túy tôn giáo, chấp hành quy định pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh các cuộc họp đàm phán, hai bên đã có cuộc tiếp xúc giữa những người Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Vatican: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Giáo hoàng Benedict XVI ( năm 2007); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với Giáo hoàng Benedict XVI ( năm 2009); Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Giáo hoàng Benedict XVI ( năm 2013); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng với Giáo hoàng Francis ( tháng 2/2014); Chủ tịch nước Trần Đại Quang với Giáo hoàng Francis năm 2016.
Tại cuộc gặp với Giáo hoàng Francis năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã thông báo với Giáo hoàng việc Chính phủ Việt Nam đồng ý về chủ trương nâng cấp lên Đặc phái viên thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam.
Trong các cuộc gặp Lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Giáo hoàng Francis trao đổi về tình cảm, sự quan tâm của Giáo hoàng đến đất nước và con người Việt Nam. Trong nhiều cuộc họp, Tòa thánh Vatican đề nghị hai bên nâng cấp quan hệ từ Đặc phái viên không thường trú lên Đặc phái viên thường trú để thuận lợi cho Đặc phái viên trong công tác với Chính phủ Việt Nam, cũng như đối với Giáo hội Công giáo Việt Nam.
- Thông cáo báo chí chung về việc thông qua Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam nhấn mạnh: "Các bên bày tỏ sự đánh giá cao về những tiến triển đáng kể trong các quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh cũng như những đóng góp tích cực của cộng đồng Công giáo Việt Nam cho đến nay." Ông có thể làm rõ hơn nhận định này?
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng: Việc nâng cấp quan hệ, thông qua Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam cho thấy sự nỗ lực, thiện chí, sự tôn trọng lẫn nhau, mối quan hệ thực hiện có lộ trình phù hợp, đồng thời phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia, cũng như tình hình thực tế quan hệ hai bên.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Thủ tướng Vatican, Hồng y Pietro Parolin. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Trong quá trình đàm phán, Việt Nam-Vatican cùng nhau hợp tác giải quyết các vấn đề, thể hiện thiện chí, trách nhiệm trong việc thúc đẩy quan hệ. Cộng đồng Công giáo Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc nâng cấp quan hệ này, đó là Giáo hội Công giáo luôn đồng hành cùng chính quyền các cấp trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, tham gia tích cực các hoạt động y tế, giáo dục, bác ái, từ thiện nhân đạo, chia sẻ, trợ giúp đồng bào khó khăn, đặc biệt trong thời điểm diễn ra đại dịch COVID-19. Đây chính là hình ảnh đẹp của Giáo hội Công giáo trong lòng dân tộc và cộng đồng nhân dân.
- Việt Nam đã đón nhiều đoàn Đại diện không thường trú của Vatican vào thăm, làm việc và tần suất tăng lên trong những năm gần đây. Bộ Nội vụ có nhận được phản hồi của Đoàn sau mỗi chuyến thăm, làm việc? Các phản hồi này có tác động thế nào trong thực thi chính sách và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo?
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng: Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ) đã tiếp đón Đặc phái viên không thường trú, Bộ trưởng Bộ Truyền giáo, Bộ trưởng Bộ Tu sỹ, Bộ trưởng Bộ Phát triển nhân bản, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nhiều Hồng y, Giám mục của các nước trên thế giới và các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế có quan tâm tới vấn đề này.
Đặc phái viên không thường trú và các chức sắc cao cấp của Tòa thánh khi đến Việt Nam đều rất vui mừng, đánh giá cao chính sách tôn giáo và sự quan tâm của chính quyền các cấp đối với Công giáo, quan tâm đối với Đặc phái viên.
Đặc phái viên bày tỏ mong muốn hoạt động tại Việt Nam được tăng cường nhằm thúc đẩy mối liên kết giữa Tòa thánh Vatican và Giáo hội Công giáo Việt Nam, cũng như mong muốn phát triển quan hệ giữa Nhà nước Việt Nam và Tòa thánh Vatican.
Trong hàng trăm chuyến thăm Việt Nam, hai Đặc phái viên không thường trú bày tỏ được các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện, hoạt động mục vụ tại hầu hết 63 tỉnh, thành phố; cảm nhận được đời sống đạo tự do, sôi động của Giáo hội Công giáo, của chức sắc, đồng bào Công giáo ở Việt Nam.
Phía các chức sắc của Tòa thánh Vatican cho rằng tình hình, chính sách tôn giáo ở Việt Nam rất tốt đẹp. Đâu đó có một vài vụ việc liên quan đến Công giáo có vấn đề phức tạp nhưng đó là vụ việc cá biệt, không phải là chủ trương, đường lối của Việt Nam, trong đó có một số vấn đề liên quan đến dân sự, xã hội, điều mà bất cứ quốc gia nào cũng có thể xảy ra.
Điều quan trọng là hai bên có thể gặp gỡ, trao đổi với nhau trên tinh thần thiện chí, đối thoại, xây dựng. Đồng thời, phía Vatican thông qua đó hiểu hơn về Giáo hội Công giáo Việt Nam và về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán của Việt Nam.
Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam là tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Việc thực thi chính sách tôn giáo có lúc, có nơi, một số cán bộ có trách nhiệm chưa nhận thức, quán triệt đầy đủ các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn giáo.
Quan điểm của Bộ Nội vụ là cần tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ làm công tác tôn giáo về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu giáo lý, giáo luật tôn giáo, tôn trọng những giá trị đạo đức, tinh thần của các tôn giáo để vừa quản lý các hoạt động tôn giáo hiệu quả, vừa động viên đồng bào tôn giáo đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, nơi nào có sai phạm từ cán bộ cơ sở, xử lý theo quy định pháp luật.
- Bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương này được báo giới trong và ngoài nước cũng như đồng bào Công giáo rất quan tâm. Điều này có ý nghĩa như thế nào trong quan hệ Việt Nam-Tòa thánh và cộng đồng Công giáo Việt Nam thời gian tới, thưa ông?
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng: Việc nâng cấp Đại diện thường trú có ý nghĩa quan trọng. Việc nâng cấp này không phải là kết thúc mối quan hệ mà mở ra tương quan mới trong quan hệ hai bên.
Tòa thánh Vatican sẽ cử Đại diện thường trú và mở Văn phòng Đại diện thường trú tại Việt Nam. Các vấn đề liên quan đến quan hệ hai bên sẽ được nhanh chóng trao đổi trực tiếp thông qua Đại diện thường trú.
Đại diện thường trú có điều kiện thuận lợi thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm của Tòa thánh giao đối với Công giáo Việt Nam và có điều kiện quan tâm nhiều hơn đối với các hoạt động tôn giáo của Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Đối với Việt Nam, việc nâng cấp quan hệ với Tòa thánh Vatican ngoài việc thể hiện đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước, còn là sự ghi nhận của Việt Nam với những thiện chí, chỉ dẫn tích cực của Tòa thánh Vatican với Công giáo Việt Nam trong quá trình đàm phán; đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với Công giáo, động viên chức sắc, người theo đạo Công giáo ngày càng tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; thuận lợi cho chức sắc, tu sỹ, đồng bào có đạo trong hoạt động tuân thủ pháp luật, đồng hành cùng chính quyền các cấp.
Sau thành công tốt đẹp của chuyến thăm Tòa thánh Vatican, hội kiến Giáo hoàng Francis, mới đây, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tới thăm, gặp gỡ Hội đồng Giám mục Việt Nam tại Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Chủ tịch nước đã thông báo về kết quả chuyến thăm, cho biết đã hội kiến với Giáo hoàng Francis, làm việc với Thủ tướng Tòa thánh-Hồng y Pietro Parolin.
Giáo hoàng đã đồng ý gửi Huấn từ và Thông điệp tới đồng bào Công giáo Việt Nam. Việt Nam và Vatican đã thông qua Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam./.
- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Theo TTXVN