Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Hai, 10/4/2017 15:56'(GMT+7)

“Mỗi cán bộ, đảng viên là một báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đảng”

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 15-10-2007 của Ban Bí thư (khóa X) về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng (TTM) trong tình hình mới”, Ban Thường vụ Thành ủy Rạch Giá đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác TTM và đội ngũ báo cáo viên (BCV) của Đảng. Do đó, công tác TTM, hoạt động đội ngũ BCV có bước phát triển, tăng cả về số lượng và chất lượng theo hướng tinh gọn, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm, thật sự trở thành nòng cốt trong công tác tuyên truyền tại địa phương.

Xác định, công tác tuyên truyền miệng (TTM) và hoạt động của đội ngũ báo cáo BCV, TTV là một hình thức tuyên truyền đặc thù mà các loại hình khác không thể thay thế, Ban Thường vụ Thành ủy xem đây là kênh thông tin chính thống trực tiếp truyền bá sâu rộng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, thông báo kịp thời có định hướng các vấn đề thời sự quan trọng trong nước và quốc tế, các vấn đề bức xúc mà dư luận xã hội quan tâm; tạo nên sự thống nhất về ý chí và hành động, sự đồng thuận trong xã hội; là công cụ sắc bén trong đấu tranh chống lại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. 

Đến nay, có 45/45 chi bộ, đảng bộ trực thuộc Thành ủy đã xây dựng kế hoạch thực hiện, củng cố, bổ sung, kiện toàn đội ngũ BCV, TTV ở ngành, đơn vị và cấp mình với phương châm “Tinh gọn, hiệu quả, thiết thực”, “Mỗi cán bộ, đảng viên là một BCV, TTV của Đảng”; góp phần nâng cao nhận thức, củng cố lòng tin, khơi dậy ý chí quyết tâm của nhân dân trong công cuộc đổi mới. Hiện nay, Đảng bộ thành phố có 30 báo cáo viên và 15 giảng viên kiêm chức; phường-xã có 268 TTV; 100% Đảng ủy phường-xã đều có hội trường và Trung tâm học tập cộng đồng, được trang bị các phương tiện, thiết bị khá đầy đủ phục vụ sinh hoạt chính trị tại cơ sở. Từ năm 2008 đến nay, đã tổ chức được 71.556 cuộc báo cáo chuyên đề, nghị quyết với 1.765.196 lượt cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham dự. 

Điểm nổi bật trong công tác TTM, hoạt động của BCV là cấp ủy chú trọng đổi mới phương pháp tuyên truyền, nâng cao khả năng sử dụng công nghệ thông tin, BCV đảm trách theo từng nội dung chuyên đề, xây dựng quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng thành viên trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố theo dõi chỉ đạo toàn diện các chi bộ, đảng bộ trực thuộc; trưởng, phó phòng, ban, ngành, đoàn thể thành phố dự sinh hoạt lệ chi bộ khu phố-ấp; vận động cán bộ hưu trí, hội viên Cựu chiến binh có năng lực, kinh nghiệm và điều kiện tham gia công tác tuyên truyền; Bí thư cấp ủy là người chủ trì trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm triển khai quán triệt chủ trương, nghị quyết và các lĩnh vực khác của công tác tuyên truyền. Cấp ủy phường-xã phân công Đảng ủy viên dự họp lệ chi bộ trực thuộc, đảng viên dự họp tổ nhân dân tự quản định kỳ để vừa lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, vừa tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Ban Tuyên giáo Thành ủy duy trì thường xuyên hội nghị giao ban an ninh tư tưởng và công tác tuyên giáo hàng tháng với các ngành có liên quan và Ban Tuyên giáo phường-xã. Nhờ vậy, lực lượng BCV được cung cấp thông tin, tài liệu chính thống của Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy, như: Tạp chí BCV của Ban Tuyên giáo Trung ương; Thông tin nội bộ, tài liệu tham khảo, đề cương tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn; các chủ trương chính sách mới của Đảng và Nhà nước, thông tin thời sự trong nước và quốc tế… Lực lượng TTV trong hệ thống Mặt trận và các đoàn thể từ thành phố đến cơ sở nắm bắt và định hướng dư luận xã hội kịp thời; đồng thời, giải đáp đúng và trúng những vấn đề mới nảy sinh về nội dung, phương thức hoạt động theo hướng bám sát thực tiễn, bám sát cơ sở, chuyển tải thông tin và tăng cường đối thoại để khắc phục tình trạng thông tin thụ động một chiều. 

Có được kết quả đó, là được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác TTM phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tập trung hướng về cơ sở, sát địa bàn, nâng cao chất lượng thông tin, đảm bảo thông tin hai chiều... Lực lượng BCV, TTV ngày càng nâng lên trách nhiệm, có đầu tư, nghiên cứu, nâng lên trình độ và khả năng TTM, hiểu rõ đối tượng cần tuyên truyền để định hướng dư luận; phát huy vai trò mỗi cán bộ, đảng viên là một tuyên truyền viên tích cực.

Để tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 15-10-2007 của Ban Bí thư (khóa X) và Kế hoạch số 49-KH/TU, ngày 30-10-2008 của Ban Thường vụ Thành ủy “về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”; thông báo Kết luận số 225-TB/TW ngày 03-03-2009 của Ban Bí thư “về cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các loại hình tuyên truyền”, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy đảng quan tâm củng cố kiện toàn, nâng cao trình độ và chất lượng hoạt động của đội ngũ BCV, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền miệng, công tác tổ chức và quản lý hoạt động của lực lượng tuyên truyền viên. Ban Tuyên giáo các cấp tham mưu giúp cấp ủy theo dõi, đánh giá chất lượng hoạt động, kịp thời thay thế các đồng chí BCV, TTV không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đề xuất bổ sung những nhân sự đủ điều kiện, tiêu chuẩn trình độ vào đội ngũ BCV Thành ủy và tuyên truyền viên cơ sở. Các cấp ủy và mỗi cán bộ, đảng viên ở bất cứ lĩnh vực hoặc cương vị nào cũng phải có trách nhiệm làm nhiệm vụ công tác tuyên truyền miệng, xem đây là một tiêu chí để đánh giá năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, chất lượng công tác của các cấp uỷ, chi bộ, tính tiên phong gương mẫu và phẩm chất chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên.

Chỉ đạo chặt chẽ định hướng thông tin tuyên truyền, định hướng tư tưởng, định hướng dư luận, cung cấp tài liệu chính thống về các sự kiện chính trị của đất nước, của địa phương gắn với tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị... tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ BCV,TTV. Xác định công tác tuyên truyền miệng là kênh thông tin quan trọng, trực tiếp phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trước các vấn đề quan trọng. Chủ động cung cấp thông tin đúng, trúng, đầy đủ và kịp thời để định hướng dư luận xã hội, đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phê phán các quan điểm sai trái, lệch lạc, phản động, những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tăng cường phối hợp hoạt động, thống nhất nội dung tuyên truyền giữa các cơ quan tuyên truyền của cấp ủy với chính quyền và các đoàn thể. 

Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa hình thức, nội dung, phương thức hoạt động tuyên truyền miệng theo hướng nâng cao chất lượng, chú trọng phương pháp thông tin hai chiều, tích cực đối thoại giữa báo cáo viên, tuyên truyền viên với đối tượng tuyên truyền; nghiên cứu thực tiễn, nắm vững thông tin thời sự trong nước, quốc tế, kịp thời giải đáp những vấn đề bức xúc ở cơ sở; nâng cao tính định hướng, tính thời sự và sức thuyết phục của hoạt động tuyên truyền miệng. 

Bên cạnh đó, Trung ương cần có chế độ phụ cấp cho lực lượng tuyên truyền viên cơ sở hoặc hỗ trợ về chế độ bảo hiểm y tế hàng năm để khuyến khích động viên tinh thần cho lực lượng này an tâm công tác, đầu tư tích cực cho công tác tuyên truyền miệng (căn cứ Hướng dẫn liên ban số 06-HD/BTCTW-BTGTW, ngày 15-8-2011 của Ban Tổ chức Trung ương và Ban Tuyên giáo Trung ương thì chỉ có báo cáo viên cấp huyện trở lên mới được hưởng phụ cấp). 

Kim Thư


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất