Thứ Năm, 12/12/2024
Tin triển khai cuộc thi
Thứ Ba, 14/11/2017 9:36'(GMT+7)

Một cuộc thi tròn đầy trách nhiệm, chan chứa tình hữu nghị Việt - Lào

Ban Tổ chức trao giải cho các thí sinh có bài thi xuất sắc tại lễ tổng kết Cuộc thi

Ban Tổ chức trao giải cho các thí sinh có bài thi xuất sắc tại lễ tổng kết Cuộc thi


Cuộc thi là một trong những hoạt động chính, thiết thực hưởng ứng “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào 2017”, kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Lào. Cuôc thi được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao cho Ban Tuyên giáo Trung ương phát động tới đông đảo các tầng lớp nhân dân trong cả nước và kiều bào ở nước ngoài.

Yên Bái, sau những bộn bề chưa thể nguôi ngoai, Đảng bộ đang tập trung sự nỗ lực để ổn định lòng dân, chăm lo phát triển sản xuất, thì lại phải gồng mình gánh chịu và khắc phục sự tàn phá của thiên tai với những những trận lũ quét lịch sử, gây thiệt hại nhiều người và không thể kể siết về tài sản. Những tưởng, mọi thứ đều phải gác lại để tập trung khắc phục hậu quả kinh hoàng của “giặc lũ” gây ra. Cuộc thi tìm hiểu lịch sử Việt Nam –Lào cũng tưởng như không ai còn bụng dạ để nghĩ tới. Đến định hẹn nhận bài thi cũng là thời gian cao điểm Đảng bộ và nhân dân tập trung khắc phục thiệt hại do các trận lũ quét gây ra. Ban Chỉ đạo và Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh không khỏi lo lắng liệu sẽ có bao nhiêu bài thi được gửi về đúng thời hạn? Việc đầu tiên phải làm là Ban Tổ chức gọi điện về Thường trực Cuôc thi Trung ương xin nộp bài chậm hơn so với Thể lệ. Nhưng rồi, những người lo lắng cho Cuộc thi đã không bị phụ lòng. Số lượng các đơn vị gửi bài đúng lịch về cơ quan Thường trực Cuộc thi cấp tỉnh ngày càng nhiều.

Đến hết tuần đầu tháng 10, Ban Tổ chức Cuộc thi đã nhận được báo cáo kết quả  và bài thi của 13/13 Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh. Con số 34.475 bài dự thi, là một kết quả bất ngờ của các thành viên trong Ban Tổ chức và lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy – Cơ quan Thường trực Cuộc thi. Khâm phục, lo lắng, công việc của Ban Tổ chức Cuộc thi trở nên bận rộn. Theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh quyết định thành lập Ban giám khảo, tổ thư ký giúp việc, tổ chức chấm bài dự thi.

Điều đáng ghi nhận và rất đỗi tự hào, trong số bài dự thi có đủ các thành phần, lứa tuổi là cán bộ, đảng viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang, nông dân, công nhân, hưu  trí, cựu chiến binh, học sinh, sinh viên, doanh nhân, văn nghệ sỹ… có cả những người cao tuổi và những cháu bé ở tuổi thiếu niên. Người dự thi cao tuổi nhất là cụ Trần Tính, 94 tuổi, cán bộ tiền khởi nghĩa phường Pú Trạng, người dự thi nhỏ tuổi nhất là em Nguyễn Minh Đức Anh, 13 tuổi, học sinh trường THCS Lý Tự Trọng cùng ở thị xã Nghĩa Lộ.

Hầu hết các bài dự thi đều trả lời đúng trọng tâm các chuyên đề mà Cuộc thi đã yêu cầu. Hàng ngàn bài dự thi được đầu tư công phu cả về nội dung và hình thức. Ngoài phần nội dung chính, người tham dự cuộc thi đã dày công sưu tầm, tìm hiểu nhiều kiến thức, tư liệu lịch sử quý giá, ảnh minh hoạ sinh động, với nhiều hình thức, phương pháp tiếp cận sáng tạo, độc đáo, bày tỏ sự tâm huyết của mình khi tham dự Cuộc thi đầy ý nghĩa và bổ ích. Rất nhiều bài dự thi được trình bày khoa học, hình thức đẹp, phong phú, tạo niềm cảm hứng cho người đọc. Có bài thi dày đến hàng trăm trang giấy A4, hàng chục tấm ảnh được in mầu với chất liệu giấy tốt… Để thể hiện tình cảm thắm thiết Việt - Lào, người dự thi đã không quản đầu tư công sức, trí tuệ và cả vật chất đáng kể cho bài thi. Có nhiều bài viết được thể hiện như một công trình nghiên cứu lịch sử với nội dung sâu sắc, để lại ấn tượng mạnh trong lòng các thành viên giám khảo.

Thí sinh Nguyễn Thị Thanh Bình viết về chủ đề: Những cơ sở tạo nên việc thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào, Lào – Việt Nam (5/9/1962). Ý nghĩa của việc thiết lập quan hệ ngoại giao của hai nước. Cùng với những sự kiện lịch sử tiêu biểu, chính xác, lập luận chặt chẽ, có tính tổng kết cao; minh hoạ phong phú, khoa học, độc đáo, có tính đại diện, tác giả đã dành phần không nhỏ bài thi liên hệ đến cá nhân, đơn vị và địa phương thể hiện sâu sắc trong quan hệ Việt Nam - Lào. Thay cho lời kết bài thi, tác giả viết: “Tham dự cuộc thi giúp tôi có cơ hội hiểu thêm về đất nước, về con người, về truyền thống phong phú, tốt đẹp, anh dũng của đất nước Triệu Voi, hiểu thêm về tình cảm thuỷ chung, son sắt giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào trong suốt tiến trình lịch sử, cũng như tình kết nghĩa keo sơn giữa ba tỉnh Yên Bái – Viêng Chăn - Xay Nha Bu Ly trong tình đoàn kết chung của hai quốc gia Việt Nam – Lào, đồng thời cũng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng phải giữ gìn và phát huy mối quan hệ hữu nghị đặc biệt này trong những chặng đường tiếp theo.

Là một cán bộ công tác trên lĩnh vực thông tin tuyên truyền, tôi càng thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về chuẩn mực đạo đức cách mạng. Bên cạnh những chuẩn mực: trung với nước, hiếu với dân, yêu thương con người, cần, kiệm, liêm, chính... người cán bộ, đảng viên phải có tinh thần quốc tế trong sáng. Tham dự cuộc thi cùng với sự hiểu biết là suy nghĩ về trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ, phát huy mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào; Lào - Việt Nam trong công tác chuyên môn, giúp tôi nhận thức rõ hơn việc cần tăng cường công tác thông tin đối ngoại, chủ động trong việc cung cấp những thông tin chính thống của tỉnh về chủ trương, chính sách và những thành tựu mà Yên Bái đã đạt được, những kết quả trong sự hợp tác của ba tỉnh Yên Bái - Viêng Chăn - Xay Nha Bu Ly. Thiết nghĩ, đó chính là sự phản bác xác đáng nhất với những luận điệu xuyên tạc, bóp méo lịch sử, gây chia rẽ tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào của các thế lực thù địch, đúng với ý nghĩa mà Ban Tổ chức Cuộc thi đặt ra.

Chân thực, cầu thị và sinh động, đằm thắm nghĩa tình, thí sinh Nguyễn Thị Thanh Bình còn cho biết thêm: Phần nội dung chính tôi thể hiện những dòng mực đỏ và tím tượng trưng cho tình cảm cách mạng cao cả, thủy chung son sắt Việt - Lào; phần mở rộng và chú thích thể hiện trên dòng mực xanh tượng trưng cho tình đoàn kết Việt -Lào mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Gửi gắm trọn vẹn 100 trang bài dự thi (bao gồm cả phụ lục minh họa) như một tình cảm tròn đầy, son sắt hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam nói chung và tỉnh Yên Bái với tỉnh Viêng Chăn và Xay Nha Bu Ly “tình cao hơn núi, nghĩa dài hơn sông...” nói riêng.

Bài dự thi của Lưu Khánh Linh, dân tộc Hoa công tác tại trường Cao đẳng sư phạm Yên Bái đã viết về chủ đề “Những kỷ niệm sâu sắc về tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt – Lào trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay”. Tác giả viết về một lưu học sinh tên là Khămpasót mà Lưu Khánh Linh là người trực tiếp dạy tiếng Việt.

Thay cho lời kết, Lưu Khánh Linh đã viết: Với khoảng thời gian 2 năm dạy tiếng Việt cho Khămpasót, tuy không phải là dài nhưng là quãng thời gian đẹp và ý nghĩa. May mắn nhất trong cuộc đời làm giáo viên của mình là được gần gũi, hiểu biết và trao gửi yêu thương với con người, văn hóa và đất nước Lào một cách sinh động.

Bài dự thi của thí sinh Đào Huy Cường, thiếu tá chuyên nghiệp - bác sỹ quân y, viết về chủ đềCần làm gì để giữ gìn, phát huy tình cảm hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào” đã bày tỏ suy nghĩ về trách nhiệm của bản thân mình trong bài viết: Với cương vị là một chiến sỹ trong quân đội nhân dân Việt Nam, tôi cảm thấy Cuộc thi “Tìm hiểu Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào” như ngọn lửa thắp sáng niềm tin vào sự thủy chung gắn bó giữa hai dân tộc và tạo động lực to lớn thúc đẩy mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sỹ, đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia tìm hiểu. Bản thân tôi, qua cuộc thi này, là thêm một lần tìm hiểu về tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, tôi thấy mình có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ và phát huy tình hữu nghị anh em giữa hai dân tộc  Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam.

Là người lính khoác áo blu trắng, bác sỹ Cường đã nhiều lần thăm khám, chữa bệnh cho một số lưu học sinh Lào đang theo học tại Yên Bái với tình cảm, lương tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc chịu ơn các thế hệ cha anh cho sức sống của hai dân tộc nở hoa kết trái.

Bài dự thi của Đỗ Quang Bình, cựu chiến binh hiện đang sinh sống tại thôn 4a, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên viết về một kỷ niệm hết sức cảm động của bản thân khi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả tại Lào: Trong một lần làm nhiệm vụ rà phá bom mìn tại một bản làng trên đất nước Lào, ông gặp một phụ nữ vướng mìn bị thương vào chân trong tình trạng trở dạ sinh con. Với tình cảm quốc tế trong sáng cao cả, ông đã giúp sản phụ “mẹ tròn con vuông”. Sau hơn 20 năm, rất tình cờ ông gặp lại cậu bé ấy mang dòng máu Lào nhưng có tên gọi Việt Nam là Trường Sơn thể hiện sự biết ơn sâu sắc của người mẹ đối với người chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam. Trường Sơn đã theo học nghề y, trở thành bác sỹ với mục tiêu cao cả: trị bệnh, cứu người. Nỗi niềm đau đáu ấp ủ đi tìm người chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam của Trường Sơn đã trở thành hiện thực.

Trong bộn bề tàn phá của lũ dữ, Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi vẫn được tổ chức trang trọng tại Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên của tỉnh với sự có mặt của đông đảo đại biểu các ban ngành, nhân dân và thí sinh dự thi. Ngoài những người đoạt giải có cả những người không đoạt giải, cả những người không có bài dự thi cũng đến dự lễ tổng kết. Ban Tổ chức đã rất khó khăn để lựa chọn 30 bài trong số hàng ngàn bài thi “tròn đầy nghĩa tình” để khen thưởng và gửi tham gia dự thi cấp Trung ương. Ban tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh đã trao giấy chứng nhận, hoa và phần thưởng cho 18 cá nhân có bài dự thi xuất sắc nhất. Những cá nhân có bài dự thi được chọn tham dự cấp Trung ương được tặng hoa và phần thưởng có ý nghĩa.

Với số lượng gần 3,5 vạn người hưởng ứng tham dự Cuộc thi đã tạo nên một đợt sinh hoạt chính trị thu hút các thành phần, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo trong phạm vi toàn tỉnh. Hàng vạn người tham dự Cuộc thi đã thể hiện vạn vạn tấm lòng trách nhiệm, tâm huyết và chứa chan tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, trong đó có tình cảm kết nghĩa sắt son, bền vững giữa tỉnh Yên Bái - Viêng Chăn - Xay Nha Bu Ly từ trong sâu thẳm lịch sử cách mạng đến hiện nay./.

Hà Thị Ngọc Lan
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái – Thành viên Ban giám khảo
Thư ký giúp việc Ban Tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất